Đôi nét về Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng
Ngày đăng: 17/06/2021
Từ năm 2015, sau một thời gian dài nỗ lực sưu tầm các hiện vật Phật giáo có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, dưới sự chủ trì tổ chức của Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trú trì chùa Quán Thế Âm, số 48, đường Sư Vạn Hạnh, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đà Nẵng, đây cũng chính là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại nước ta.

Bảo tàng có diện tích khoảng 700m2, được đặt tại tầng 2 trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm với khoảng 500 hiện vật gồm tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ 7-8, cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tồn tại từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm. Các hiện vật mang phong cách không chỉ Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, có cả Ấn Độ. Trong đó nhiều chất liệu hay cổ vật độc bản lần đầu tiên bắt gặp. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật do các chùa khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cả các tỉnh, thành khác tập hợp lại.

Đặc biệt, trong số các hiện vật này, có một số hiện vật được đánh giá là quý hiếm và vô cùng độc đáo như: tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử (tương truyền được tìm thấy trong hoàng cung triều Nguyễn), tượng Quan âm Bồ tát cưỡi cá hóa rồng, nhóm 8 tượng Phật Mật Tông; bức tranh khảm xà cừ hình đức Phật nhập niết bàn, xung quanh là các tướng quân, tăng ni, cung phi mỹ nữ, muông thú…

Vào năm 2020, Thượng tọa Thích Huệ Vinh đã tiếp tục đứng ra thành lập Thư viện Vạn Hạnh-Ngũ Hành Sơn bên cạnh Bảo tàng văn hóa Phật giáo, thư viện này được đặt trong khuôn viên chùa với hàng nghìn đầu sách, tài liệu, đặc san liên quan đến Phật giáo với mục đích phục vụ miễn phí cho bạn đọc khi đến tham quan chùa Quan Thế Âm .

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và thư viện Vạn Hạnh-Ngũ Hành Sơn đã đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu./.

Đinh Đức Hiền