Độc bản Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia
Ngày đăng: 06/10/2022Ngày 5/10 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 và công bố quyết định Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia.
Như vậy, từ năm 2017 đến nay, Chùa Keo đã có 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia: Hai cánh cửa chạm rồng (năm 2017) và Hương án (năm 2021).
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Hương án là tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII. Đến nay, Hương án chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.
Tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, Hương án được giữ gìn cơ bản nguyên vẹn và bảo quản tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo; được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa Hậu cung của khu thờ đức Thánh Dương Không Lộ. Hương án (còn gọi là nhang án, bàn thờ) đồ dùng thờ cúng, dùng để bát hương và bày đồ thờ nhằm chuyển tải thông điệp, ước vọng của con người tới thần linh. Hương án chùa Keo có chiều dài 227 cm, rộng 156 cm, cao 153 cm, được chạm khắc công phu, tinh xảo.
Hương án là tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII
Hương án sản phẩm thủ công, độc bản với trên 1.000 họa tiết được chạm khắc điêu luyện, bố cục chặt chẽ. Trong đó, hình tượng rồng có 68 đồ án được bố cục theo những đề tài “long ẩn vân”, “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”…; khoảng 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu… người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm,tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn, sau đó sơn son, thếp vàng.
Hương án chùa Keo có kích thước lớn và nặng lên dưới chân Hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ Hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên. Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay) Hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Hương án chùa Keo được giữ gìn cơ bản nguyên vẹn và bảo quản tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (Thái Bình)
Với những giá trị to lớn đó, ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật Quốc gia.
Ngoài Hương án, năm 2017, hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Hai cánh cửa chạm rồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ 17, được coi là bộ cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Đây là bộ cánh cửa chính của tam quan nội chùa Keo, Thái Bình.
Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh cửa được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa. Đồ án rồng ở đây được thể hiện qua bố cục đăng đối “Lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa hợp lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề; kỹ thuật chạm lọng điêu luyện, tạo được nhiều lớp không gian có chiều sâu.
Hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo là kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ 17, được coi là bộ cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam
Trong rừng mây cách điệu hình đao mác kéo dài vút cao kéo từ đầu và các khuỷu chân rồng, các cặp rồng con, nghê con ẩn hiện, sắp đặt đối xứng nhau qua trục chính giữa cửa. Ý nghĩa biểu tượng thông qua một rừng mây đao mác (sấm, chớp, tia sáng, lửa…) cùng rồng, nghê chầu mặt trời hợp lại như biểu tượng cho một bầu trời đầy dương/sinh khí/lực trong ước vọng cầu phồn thực của cư dân Việt.
Hiện vật có giá trị đặc biệt, là một thành phần kiến trúc có giá trị nghệ thuật tiêu biểu cho hình thức chạm khắc trang trí cửa của các di tích kiến trúc nghệ thuật trấn Sơn Nam (Vùng đất phía Nam Thăng Long từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn). Tác phẩm có kích thước lớn nhất, nguyên vẹn, là một đồ án lưỡng long chầu nhật hoàn chỉnh và có hình thức nghệ thuật chạm khắc đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 17.
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự) gồm 2 cụm kiến trúc: chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh, thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa. Năm 2012, chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hàng năm, chùa Keo có hai mùa lễ hội là lễ hội mùa Xuân (vào ngày 4 Tết Nguyên đán) và lễ hội mùa thu (tháng 9 Âm lịch). Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, nghi lễ trang nghiêm như: lễ khai chỉ, tế lễ Phật, lễ Thánh, lễ rước kiệu và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác.
Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 sẽ diễn ra đến hết ngày 10/10 (tức ngày 15/9 âm lịch)./.
Nam Anh