MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
UNESCO công nhận Lễ hội đèn lồng Phật giáo của Hàn Quốc là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Ngày đăng: 06/01/2021Lễ hội Đèn lồng Hoa sen (Yeon Deung Hoe), một lễ hội ánh sáng truyền thống của Hàn Quốc để kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội được tổ chức hàng năm tại Hàn Quốc mang ý nghĩa chia sẻ ánh sáng của trí tuệ, lòng từ bi và hòa bình với thế giới, cũng như những hy vọng và mong ước về một xã hội hòa bình, an lạc.
Lễ hội đèn lồng đã được xác nhận là di sản văn hóa phi vật thể trong kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Liên chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, được tổ chức trực tuyến trong tháng 12.
Lễ hội Đèn lồng Hoa sen có lịch sử kéo dài hơn 1.200 năm từ thời Silla cổ đại của Hàn Quốc (khoảng 57 BCE – 935 CN).
Được mô tả là lễ hội lớn nhất của loại hình này trên thế giới, lượng khách tham dự sự kiện hàng năm đã được ghi nhận là hơn 350.000 (bao gồm cả người dân địa phương và khách du lịch nước ngoài). Trong số một loạt các sự kiện văn hóa, trưng bày và biểu diễn tại các chùa Phật giáo và các địa điểm công cộng, lễ hội bao gồm một cuộc diễu hành nổi tiếng của hơn 100.000 chiếc đèn lồng dọc theo tuyến đường dài 3km qua các đường phố của trung tâm Seoul.
Nghi thức tắm Phật đản sinh để đánh dấu Lễ Phật đản (Ảnh: ich.unesco.org)
Tuy vậy, vào tháng 5 năm ngoái, cộng đồng Phật giáo của Hàn Quốc đã thông báo hủy bỏ lễ hội hàng năm này như một biện pháp phòng ngừa sau một loạt ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô Hàn Quốc. Lễ hội đèn lồng chỉ mới bị hủy bỏ ba lần trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc, bao gồm một lần vào năm 1961 khi thiết quân luật được ban bố ở Seoul trong Cách mạng Tháng Tư và vào năm 1980 khi có biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra ở thủ đô của Hàn Quốc.
Một bức tượng Phật đản sinh cùng với những chiếc đèn lồng của bốn vị thần hộ pháp trong một lễ rước diễn ra trong lễ hội đèn lồng (Ảnh: ich.unesco.org)
Qua việc xác nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể, UNESCO nhằm giúp bảo vệ các truyền thống, kiến thức và kỹ năng đã được truyền qua nhiều thế hệ để chúng không bị mất đi hoặc bị lãng quên theo thời gian. “Thắp sáng những chiếc đèn lồng… tượng trưng cho việc soi sáng tâm trí của các cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội thông qua trí tuệ của Đức Phật”, UNESCO cho biết.
Lễ diễu hành đèn lồng ở Seoul (Ảnh: ich.unesco.org)
Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2015, phần lớn dân số Hàn Quốc - 56,1% - không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Thiên chúa chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số với 27,6%, trong khi Phật tử chiếm 15,5%.
Hàn Quốc hiện là quê hương của 21 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận./.
An Nam (tổng hợp và dịch theo buddhistdoor.net)