MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Hội thảo “Thực trạng hoạt động tín ngưỡng của người Mông tại một số tỉnh Tây Bắc”
Ngày đăng: 19/05/2023Ngày 17/5/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo “Thực trạng hoạt động tín ngưỡng của người Mông tại một số tỉnh Tây Bắc”. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên. Tham dự Hội thảo có: đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Dân tộc 03 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh Điện Biên.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng hoạt động tín ngưỡng của người Mông trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc; đồng thời, nhận diện những xu thế biến đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo, hiện tượng tôn giáo mới và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự; công tác đấu tranh chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc Mông. Từ đó, đóng góp những luận cứ khoa học, thực tiễn để tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về tín ngưỡng người Mông trong thời gian tới. Qua đó, nhằm đáp ứng những nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào, không để hoạt động lợi dụng vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Hoài Bắc cho biết: Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi tộc người đều có những nét văn hóa và đời sống tinh thần mang đặc trưng riêng thể hiện căn tính và bản sắc của dân tộc mình. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, so với các dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam, người Mông có số lượng dân số đứng hàng thứ 5, với 1.393.547 người, chiếm khoảng 1,45% dân số cả nước, chia thành 05 nhóm chính, gồm: Mông Trắng, (Mông Đơư), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Đu) và Mông Xanh (Mông Sua) và Mông Đỏ (Mông Si). Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là ba tỉnh trong nhóm 04 tỉnh có đông người Mông sinh sống nhất với trên 570.000 người, chiếm trên 40% tổng số người Mông trên cả nước, với những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú, đa dạng.
Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông có những điểm tương đồng với các dân tộc anh em khác nhưng cũng có những điểm khác biệt mang nét đặc trưng riêng, thể hiện qua tâm lý dân tộc, ý thức cộng đồng, lối sống, phong tục tập quán,… tạo nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng có giá trị nhân văn sâu sắc. Đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của người Mông rất phong phú mang tính đa thần giáo với những quan niệm về: vũ trụ, con người, linh hồn, vạn vật và thế giới “ma”. Những loại hình tín ngưỡng như: thờ cúng Tổ tiên, thờ thần nhà, thần cửa, dòng họ,… đã chế ngự trong đời sống tinh thần của người Mông từ lâu, tồn tại và được bảo lưu cho đến nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các nội dung về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có liên quan đến người Mông nói chung và tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông ở địa phương, đồng thời, kiến nghị, đề xuất công tác đối với hoạt động của người Mông trong thời gian tới./.
Vân Nguyễn