Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 15/07/2025
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 13-14/7/2025.
Đại hội đã thảo luận và nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ 2025-2030, tập trung vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng khung khổ pháp lý, phát triển hạ tầng số và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Với 7 tham luận trình bày tại Đại hội, các đại biểu thể hiện sự đồng tình cao với dự thảo báo cáo chính trị và có nhiều góp ý quan trọng về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.
Trang TTĐT Ban Tôn giáo Chính phủ giới thiệu bài tham luận tham dự Đại hội của Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc với chủ đề “Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo”.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng. Với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng, tạo nên tính phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 40 tổ chức tôn giáo với gần 28 triệu tín đồ, với trên 200 ngàn chức sắc, chức việc và gần 30 ngàn cơ sở thờ tự. Thực tiễn đã khẳng định, công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo là một lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm và có ý nghĩa chiến lược đối với sự ổn định chính trị - xã hội.
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, công tác dân tộc và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
Trong công tác dân tộc, đường lối nhất quán của Đảng về bình đẳng, đoàn kết, phát triển đối với các dân tộc được triển khai đồng bộ, đem lại chuyển biến tích cực cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được đầu tư cải thiện rõ rệt. Văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy; nhiều di sản được công nhận, gìn giữ.
Trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện, nhiều hoạt động tôn giáo mang tầm khu vực và quốc tế được tổ chức đã góp phần giới thiệu về đất nước con người Việt Nam, thể hiện sinh động chủ trương, chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo tiếp tục thể hiện tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tuyệt đại đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng với số tiền từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 23 đồng chí ra mắt tại Đại hội
Để có được kết quả đó là do Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối lớn về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Việc thể chế, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy mạnh; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo cũng ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước. Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc và nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo luôn tập trung quan tâm, chỉ đạo, đảm bảo việc thực hiện công tác dân tộc và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Trung ương tới địa phương được thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, không gián đoạn, kể cả khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác dân tộc và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn gặp những khó khăn, đó là:
- Trong công tác dân tộc: Khoảng cách về trình độ phát triển, đời sống văn hoá, thu nhập, cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với các khác vẫn có sự chênh lệch. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề “quyền của người dân tộc thiểu số” để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy các yêu sách ly khai, tự trị dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số còn những hạn chế nhất định.
- Trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo: Hoạt động tôn giáo luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hoa Kỳ và các nước phương Tây luôn dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo gây sức ép trong quan hệ với Việt Nam; các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, hoạt động chống phá Việt Nam; nột số tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để truyền bá tư tưởng cực đoan, hoạt động trái pháp luật, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự chưa được giải quyết dứt điểm, dễ phát sinh điểm nóng, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự. Xu hướng tôn giáo mới và hoạt động trên không gian mạng phát triển nhanh gây khó khăn cho công tác quản lý do thiếu hành lang pháp lý, dễ bị lợi dụng truyền bá nội dung sai trái, chống phá Nhà nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở không ổn định, nhiều cán bộ mới thiếu kinh nghiệm trong tham mưu, xử lý tình huống phát sinh tại cơ sở.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng ủy Ban Tôn giáo Chính phủ xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là, tiếp tục củng cố đội ngũ cán bộ và quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao năng lực nắm, phân tích, dự báo tình hình; tham mưu, đề xuất và giải quyết công việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng giải quyết công việc ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm nóng hoặc các vấn đề phức tạp liên quan tới dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức làm việc theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các công việc, kết hợp các phương pháp truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề từ khi mới phát sinh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc, tôn giáo toàn diện, cập nhật, phục vụ công tác hoạch định chính sách và dự báo tình hình.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo, sử dụng linh hoạt các kênh thông tin truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình) và hiện đại (mạng xã hội, cổng thông tin điện tử) trong công tác truyền thông; kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm là, tăng cường công tác đối thoại, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo, cộng đồng tín ngưỡng và đồng bào dân tộc thiểu số để đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo trong khối đại đoàn kết chung của dân tộc Việt Nam.
Sáu là, tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, tôn giáo chuyên nghiệp, hiện đại; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số để làm công tác dân tộc và tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảy là, tăng cường công tác đối ngoại về dân tộc, tôn giáo, thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới về vấn đề dân tộc, tôn giáo để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới dân tộc, tôn giáo.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng bộ Ban Tôn giáo Chính phủ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong nhiệm kỳ 2025-2030, công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Ban Tôn giáo Chính phủ tham dự Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030
H.H