Vai trò của Tổ công tác liên ngành từ công tác chuẩn bị đến thành công Đại lễ Vesak 2025
Ngày đăng: 23/07/2025
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là sự kiện tôn giáo tầm cỡ quốc tế minh chứng rõ nét cho sự phối hợp hiệu quả giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và các cơ quan nhà nước Việt Nam, đặc biệt là vai trò then chốt của Tổ công tác liên ngành.
Sự kiện Phật giáo quốc tế với nhiều “cái nhất”, “lần đầu tiên” đáng ghi nhận
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 06 đến 08/5/2025.
Đại lễ có sự tham dự của 2.700 đại biểu chính thức, trong đó gần 1.300 đại biểu và khách quốc tế từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Tổng thống Sri Lanka, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Phó Thủ tướng Cộng hòa Buryatia (Liên bang Nga).
Trong khuôn khổ Đại lễ, nhiều hoạt động quan trọng đã được tổ chức, như: tiệc chiêu đãi quốc tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính chủ trì vào ngày 05/5/2025; Lễ khai mạc Đại lễ vào ngày 06/5/2025 với sự tham dự và phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường; chuỗi hội thảo khoa học thu hút hơn 930 bài tham luận và Lễ bế mạc vào ngày 08/5/2025 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Đại lễ đã công bố “Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh”, khẳng định cam kết của cộng đồng Phật giáo thế giới trong việc vận dụng trí tuệ Phật giáo để kiến tạo hòa bình, bảo vệ phẩm giá con người.
Bên cạnh sự kiện chính thức, nhiều hoạt động bên lề cũng góp phần vào thành công của Đại lễ, bao gồm việc cung rước và chiêm bái Xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ tại 9 tỉnh, thành phố, thu hút hơn 16 triệu lượt Phật tử, Nhân dân tham gia.
Nghi thức rước và tôn trí trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (Thành phố Hồ Chí Minh), thu hút hàng trăm nghìn tăng, ni, Phật tử.
Các hoạt động tri ân, tưởng niệm, cầu nguyện hòa bình như lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và sự kiện thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, cùng nhiều hoạt động nghi lễ và văn hóa Phật giáo khác như Lễ thượng cờ Phật giáo 500m2 và 108 quốc kỳ các nước, Triển lãm bảo vật quốc gia và nghệ thuật Phật giáo.
Hoạt động từ thiện xã hội diễn ra trong khuôn khổ Đại lễ do Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Uỷ ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức, đã trao tặng 230 suất quà, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhiễm chất độc màu da cam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ DT&TG Đào Ngọc Dung cùng Ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2025 thăm Trung tâm Điều dưỡng, Phục hồi chức năng - Trợ giúp trẻ em và Hỗ trợ người khuyết tật ở TP.HCM, ngày 05/5
Khẳng định kết quả tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung cho rằng, Đại lễ Vesak 2025 có nhiều “cái nhất”, “lần đầu tiên” đáng ghi nhận.
Là lần thứ tư Việt Nam đăng cai nhưng là lần đầu tiên Bộ Dân tộc và Tôn giáo (một bộ mới) đóng vai trò chủ trì.
Đây cũng là lần đầu tiên GHPGVN trực tiếp chủ trì tổ chức.
Lần đầu tiên xá lợi Phật được cung rước và trưng bày phục vụ Nhân dân chiêm bái với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại các kỳ Vesak.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 cũng là sự kiện được tổ chức với phạm vi và số lượng hoạt động lớn nhất chưa từng có.
Sự thành công của Đại lễ Vesak 2025 có được nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban Bí thư và lãnh đạo Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và chủ động của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Đặc biệt, vai trò của Tổ công tác liên ngành là rất quan trọng.
Xá lợi Đức Phật - Bảo vật Quốc gia Ấn Độ được cung rước, tôn trí và chiêm bái tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025
Công tác chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho GHPGVN đăng cai Đại lễ Vesak 2025, Tổ công tác liên ngành với vai trò thường trực của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn GHPGVN xây dựng Đề án chi tiết tổ chức Đại lễ.
Tổ công tác liên ngành đã lấy ý kiến từ nhiều phía, hướng dẫn GHPGVN hoàn thiện Đề án, sau đó trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đồng thuận cao từ cấp cao nhất của Chính phủ.
Tổ công tác liên ngành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kịch bản chi tiết cho các chương trình, sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên thủ quốc gia, đảm bảo công tác lễ tân được thực hiện chu đáo và trọng thị.
Các nội dung, tham luận, phát biểu và ấn phẩm phát hành tại Đại lễ đều được thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo không có tài liệu vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước.
Thứ trưởng Bộ DT&TG - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Nguyễn Hải Trung phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác hướng dẫn, giúp đỡ GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Hỗ trợ toàn diện từ các Bộ, ngành và địa phương
Thường trực Tổ công tác liên ngành đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với GHPGVN, tham mưu lãnh đạo Chính phủ chủ trì Hội nghị hướng dẫn, giúp đỡ GHPGVN, đồng thời tổ chức 02 Hội nghị của Tổ công tác liên ngành.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng chủ động cung cấp thông tin, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các bộ, ngành liên quan, kịp thời nắm bắt tình hình và đôn đốc các cơ quan, tổ chức triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Sự hỗ trợ về cơ sở vật chất cũng là một yếu tố then chốt. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò địa phương đăng cai, đã triển khai nhiều dự án nâng cấp, duy tu cơ sở hạ tầng, bao gồm cải tạo đường sá, công viên, và tạm giao đất để tổ chức các lễ hội Phật giáo.
Các chùa, tự viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh trang trí chào mừng Đại lễ Vesak 2025
Công tác bảo đảm an ninh trật tự được Bộ Công an chỉ đạo xuyên suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu trong nước và quốc tế, tăng ni, tín đồ Phật tử tham dự Đại lễ. Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn GHPGVN về công tác lễ tân, ngoại giao, hỗ trợ xác định khách mời cấp cao và việc cung rước Xá lợi Phật của Ấn Độ về Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện một cách bài bản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã theo dõi dư luận, cung cấp thông tin đối ngoại và chỉ đạo các đơn vị báo chí, phương tiện thông tin đại chúng cập nhật kịp thời các hoạt động, thông tin về Đại lễ và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.
Đài Truyền hình Việt Nam đã trực tiếp truyền hình Lễ khai mạc và bế mạc, cùng các chương trình văn hóa nghệ thuật Phật giáo. Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ thiết lập, vận hành Trung tâm Báo chí với đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác đưa tin.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và bố trí lực lượng y tế túc trực tại các địa điểm diễn ra Đại lễ và khách sạn.
Những bài học kinh nghiệm
Thành công của Đại lễ Vesak 2025 đã để lại nhiều bài học quý giá.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Phó Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Vũ Hoài Bắc báo cáo kết quả công tác hướng dẫn, giúp đỡ GHPGVN đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025
Việc quán triệt và thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, bám sát Đề án tổng thể và Đề án chi tiết, là yếu tố then chốt.
Sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng với sự chủ động vào cuộc từ sớm, đã giúp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Việc tham mưu, giải quyết các công việc đúng quy định pháp luật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tổ chức tôn giáo, đã góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa GHPGVN và Nhà nước.
“Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh” cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tham gia của các cơ quan chức năng, tạo sức lan tỏa lớn về những đóng góp và giá trị tích cực của Phật giáo.
Thành công rực rỡ của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 là sự kết tinh của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ GHPGVN và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng, địa phương, trong đó then chốt là vai trò chỉ đạo và điều phối của Tổ công tác liên ngành.
Đại lễ Vesak 2025 không chỉ nâng tầm vị thế, uy tín của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh đó, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Hữu Hưng