Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị viện trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26)
Ngày đăng: 13/10/2021Hội nghị Nghị viện trước thềm kỳ họp Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã diễn ra ngày 8-9/10 tại Rome, Italia.
Hội nghị do Quốc hội Italy phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức với mục đích thiết lập nền tảng cho COP26 đã quy tụ nhiều nhà lãnh đạo và đại diện quốc hội các nước trên thế giới.
Theo TTXVN, Đoàn Việt Nam tham dự sự kiện này do ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio khẳng định: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể trì hoãn. Chúng ta phải cùng nhau hành động và ngay lập tức. Vấn đề khí hậu không còn khoảng cách giữa các quốc gia, chúng ta cần một cam kết toàn cầu.”
Ông Di Maio cũng đánh giá cao việc Mỹ trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hiệp định này. Ông khẳng định: “Việc Washington tái gia nhập Hiệp định Paris là thông điệp rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng Mỹ muốn đảm nhận vai trò thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu… Mỗi quốc gia sẽ phải thực hiện phần việc của mình và áp dụng các chiến lược khác nhau phù hợp với đặc thù của từng quốc gia.”
Sau khi cuộc họp kết thúc tại Rome, Giáo hoàng Francis đã tiếp những người tham dự hội nghị tại Đại Thính đường Phao-lô VI của Vatican vào sáng thứ Bảy và khích lệ các nỗ lực của các đại biểu hội nghị vì lợi ích chung và vì tương lai của các thế hệ sau.
Hội nghị Nghị viện trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 26 nằm trong chuỗi sự kiện trước thềm COP26 do Italy và Anh đồng chủ tịch.
Trước đó, vào ngày 4/10/2021, Hội nghị "Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26" do Vatican, Anh và Ý đồng tổ chức. Sự kiện đã quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo đại diện cho tất cả các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới, bao gồm Phật giáo, Cơ đốc giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Do Thái giáo, Đạo Sikh, Đạo giáo và Zoroastrianism, trong đó có Giáo hoàng Francis, Tổng giám mục Anh giáo Justin Welby, Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew.
Giáo hoàng Francis tham gia Hội nghị "Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26" với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác ngày 4/10/2021 tại Vatican trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng 11 ở Anh (Ảnh: Vatican Media/REUTERS)
Hội nghị đã đưa ra lời kêu gọi chung được đồng ký bởi gần 40 lãnh đạo tôn giáo, trong đó kêu gọi thế giới đạt mức phát thải carbon bằng không càng sớm càng tốt, để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp; đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo tôn giáo có cam kết hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thông qua giáo dục và ảnh hưởng đến các tín đồ truyền thống của họ về các vấn đề môi trường, đồng thời làm xanh hóa các tài sản của các tổ chức dựa trên đức tin, chẳng hạn như các cơ sở thờ tự và các khoản đầu tư của họ.
Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng", cũng đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Bộ trưởng Alok Sharma của Anh, Chủ tịch COP26 sẽ diễn ra ở Glasgow vào tháng 11 tới đây./.
Bùi Quang Nhượng (tổng hợp từ Vietnam+, vaticannews.va/en, gov.uk)