Tổng LĐLĐ Việt Nam tọa đàm cấp cao với Công đoàn Thiên Chúa giáo Hà Lan
Ngày đăng: 15/12/2021
Tọa đàm cấp cao với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Công đoàn Thiên Chúa giáo Hà Lan (CNV) diễn ra chiều ngày 14/12 bằng hình thức trực tuyến.

Dự Tọa đàm có các ông: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực và  đại diện lãnh đạo các ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cùng dự có bà Elsbeth Akkerman, Đại Sứ Hà Lan tại Việt Nam, ông Piet Fortuin, Chủ tịch Công đoàn Thiên Chúa giáo Hà Lan.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ mà cá nhân ông Piet Fortuin và CNV đã dành cho Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua. Tọa đàm diễn ra vào thời điểm quan trọng với chủ đề hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng, có tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó người lao động là một trong các nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Đây là cơ hội tốt để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Thiên Chúa giáo Hà Lan chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động công đoàn cũng như trao đổi khả năng hợp tác trong thời gian tới” – ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ

Chia sẻ thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các hoạt động nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, các cấp công đoàn đã cắt giảm tối đa những hoạt động chưa thật cấp thiết, tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch, tích cực đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động. Ở cấp trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực đối thoại với người sử dụng lao động, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Với tinh thần trách nhiệm cao với đoàn viên, người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động, kịp thời ban hành các chính sách, các gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với hơn 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 230 triệu Euro); ban hành chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp, chính sách miễn đóng đoàn phí cho đoàn viên có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Việt Nam đã chủ động tổ chức các hình thức hoạt động chăm lo người lao động thiết thực, hiệu quả với các mô hình, cách làm sáng tạo như siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, ATM gạo, túi an sinh công đoàn… và vận động các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp trên địa bàn miễn, giảm giá thuê nhà, giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kịp thời hỗ trợ công nhân lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi như phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Đại dịch có ảnh hưởng đến số lượng đoàn viên, người lao động của chúng tôi. Mặc dù vậy, sau khi khống chế được đại dịch, một số địa phương thu hút đầu tư, các đoàn viên ở khu vực đó tăng. Tổng thể đến nay số lượng đoàn viên tăng gần 200 nghìn đoàn viên so với thời điểm trước dịch, năm 2019”, ông Nguyễn Đình Khang chia sẻ.

Tại Tọa đàm, ông Piet Fortuin, Chủ tịch CNV cũng cho biết, CNV ra đời năm 1909, hiện có khoảng 355.000 đoàn viên với 2 Công đoàn ngành thành viên là Công đoàn ngành Công nghiệp, Gỗ, Xây dựng, Giao thông và Dịch vụ Hà Lan - CNV Vakmensen (tập hợp người lao động trong khu vực tư nhân) với 135.000 đoàn viên và Công đoàn Kết nối Hà Lan - CNV Connectief (tập hợp người lao động trong ngành dịch vụ công như giáo dục, y tế, phúc lợi nhà nước) với 120.000 đoàn viên. CNV hoạt động trên nguyên tắc tất cả mọi người đều bình đẳng; đoàn kết và đối thoại xã hội.

Các dịch vụ của CNV là đối thoại, thương lượng tập thể, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý (khởi kiện ra tòa án), hỗ trợ hướng nghiệp, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể (thông qua việc thành lập các công ty, đơn vị riêng)… Trong đó, đoàn viên sẽ có một số quyền lợi khác biệt so với người lao động không là đoàn viên được quy định cụ thể trong Thoả ước lao động tập thể và một số dịch vụ do CNV cung cấp miễn phí như tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý.

Bà Elsbeth Akkerman, Đại Sứ Hà Lan tại Việt Nam

Tại toạ đàm, những kinh nghiệm về thiết lập, vận hành hệ thống tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của tổ chức công đoàn; các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên của tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng được hai bên trao đổi, thảo luận.

Trả lời câu hỏi của ông Piet Fortuin, Chủ tịch CNV về những biện pháp hỗ trợ người lao động khó khăn hồi hương trong đại dịch sẵn sàng trở lại làm việc, ông Nguyễn Đình Khang cho biết: “Tới nay, tại các khu công nghiệp ở các địa phương, người lao động trở lại làm việc trên 90%. Để làm được điều này, chúng tôi phối hợp với nhiều cơ quan, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động tổ chức đón công nhân trở lại làm việc. Đồng thời, hỗ trợ người lao động trong việc thuê nhà, rồi thoả thuận với người sử dụng lao động ứng trước tiền lương nhằm đảm bảo cuộc sống”. Nâng cao chất lượng đối thoai, xây dựng thoả ước lao động tập thể ngành Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Liên đoàn luôn nhận được sự ủng hộ, tình cảm hợp tác hữu nghị, đoàn kết của các bạn bè quốc tế, trong đó có CNV thông qua dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt May” giai đoạn 2018 – 2020. Sau 03 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao năng lực thương lượng tập thể, đối thoại xã hội không chỉ của cán bộ công đoàn mà còn cả người sử dụng lao động ở Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề kinh nghiệm đối thoại, thương lượng tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, thương lượng cấp ngành, ông Piet Fortuin, Chủ tịch CNV chia sẻ: “Khi chúng tôi đàm phán, thương lượng các thoả ước lao động tập thể, các bản thoả ước sẽ có giá trị ràng buộc, được công nhận bởi Chính phủ, các doanh nghiệp phải tuân theo thoả ước này”.

 Ông Piet Fortuin nói thêm, CNV sẽ theo dõi việc thực hiện các thoả ước với các đoàn viên, người đại diện công đoàn cơ sở để tìm hiểu thoả ước có được thực hiện, tuân thủ tại từng doanh nghiệp hay không. “Chúng tôi cũng trao đổi, tuyên truyền cho người lao động để họ nắm rõ nội dung thoả ước. Thông thường các thoả ước của chúng tôi có giá trị 2-3 năm. Sau đó chúng tôi có thể ra hạn hoặc bổ sung nội dung mới”, Chủ tịch CNV.

Tiếp tục mối quan hệ hợp tác song phương

Trao đổi về nội dung hợp tác thời gian tới, ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác song phương chính thức giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNV được thúc đẩy và tăng cường hơn nữa, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ dự án mà sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. CNV tiếp tục hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về kỹ năng tổ chức, huy động sự tham gia tích cực của đoàn viên; kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, thương lượng cấp ngành; xây dựng và tham gia xây dựng tiền lương, thương lượng tập thể về tiền lương tại doanh nghiệp; thiết lập, vận hành hệ thống tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của tổ chức công đoàn; các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên của tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; thiết lập kênh trao đổi, đối thoại, hợp tác với các nhãn hàng Châu Âu nói chung và của Hà Lan nói riêng có chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng mời đoàn cấp cao của Công đoàn Thiên Chúa giáo Hà Lan do ông Chủ tịch dẫn đầu sẽ sang thăm và làm việc trực tiếp tại Việt Nam vào thời gian phù hợp, thuận tiện trong năm 2022 nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Tại Tọa đàm, CNV cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về kỹ năng tổ chức, huy động sự tham gia tích cực của đoàn viên; kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, thương lượng cấp ngành; xây dựng và tham gia xây dựng tiền lương, thương lượng tập thể về tiền lương tại doanh nghiệp; thiết lập, vận hành hệ thống tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của tổ chức công đoàn; các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên của tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết 32 thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp năm 2023; mở rộng thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia trong ngành dệt may và trong các ngành mới ….

Hỗ trợ Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội để kết nối với đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động hiệu quả.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Khang đánh giá: “Những thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ tại tọa đàm hết sức thú vị, có giá trị và ý nghĩa thực tiễn đối với hoạt động công đoàn của hai tổ chức“. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNV tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, từ đó góp phần nâng cao năng lực đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động của tổ chức công đoàn hai nước.

 

Nguồn: congdoan.vn