Tiến trình Quan hệ Việt Nam – Vatican
Ngày đăng: 14/07/2021
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Bài viết dưới đây giới thiệu khái lược về tiến trình quan hệ Việt Nam - Vatican:
1. Khái quát tiến trình quan hệ Việt Nam - Vatican
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, trở thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có độc lập, chủ quyền, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có Giáo hội Công giáo và quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Toà thánh Vatican, đã được nêu trong Sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước: “Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và Toà thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”.
Tuy chưa có quan hệ về mặt Nhà nước, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính nghĩa của nhân dân ta, Toà thánh Vatican đã có cuộc tiếp xúc với Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 14/2/1973, Giáo hoàng Phaolo VI tiếp chính thức Bộ trưởng Xuân Thuỷ, trong buổi tiếp Giáo hoàng Phaolo VI đã ca ngợi chương trình hoà giải và hoà hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn độc lập, cũng trong thời gian này Khâm sứ Toà thánh đã rời khỏi Việt Nam. Giữa Chính phủ Việt Nam và Toà thánh Vatican chưa có bất kỳ mối quan hệ chính thức nào. Nhà nước Việt Nam vẫn cho phép Giáo hội Công giáo Việt Nam quan hệ với Vatican về phương diện tôn giáo theo một nguyên tắc chung, vừa tôn trọng tự do, tín ngưỡng của công dân, tôn trọng các mối quan hệ của Giáo hội, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương, chính sách đối ngoại mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tháng 7/1989, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đoàn đại diện Vatican thực hiện chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam. Đoàn do Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình đã có cuộc tiếp xúc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và thăm một số giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Từ tháng 11/1990 đến năm 2008 giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican đã có 17 lần gặp nhau (2 lần tại Vatican vào năm 1992 và 2005) và 15 lần tại Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Tòa thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Vatican dẫn đầu và quan chức của Bộ Truyền giáo. Nội dung chủ yếu của các cuộc gặp là trao đổi, bàn bạc những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề vướng mắc mà hai bên cùng quan tâm. Từ năm 2012-2014, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức 3 đoàn công tác liên ngành đến chào thăm Giáo hoàng Benedict XVI, Giáo hoàng Francis, Quốc Vụ khanh Pietro Parolin và làm việc với Bộ truyền giáo, Bộ Ngoại giao của Tòa thánh.
Sự kiện đánh dấu thiện chí quan hệ giữa hai bên là cuộc gặp giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với Giáo hoàng tại Tòa thánh Vatican. Đặc biệt là cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Giáo hoàng Benedict XVI vào tháng 11/2007 nhân chuyến thăm Italia. Tại Vatican Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican:“Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Toà thánh Vatican. Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Vatican dựa trên cơ sở những nguyên tắc mà hai bên đã thoả thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam muốn Toà thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican”. Ngày 11/12/2009 tại Toà thánh Vatican, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Benedict XVI. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tục khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Toà thánh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần tích cực cho hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Tiếp đó cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Giáo hoàng Benedict XVI (2013) tại Vatican có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên Giáo hoàng đã đón tiếp người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức nguyên thủ quốc gia. Trong buổi tiếp, Tổng Bí thư đánh giá cao chỉ dẫn của Giáo hoàng Benedcit XVI với Công giáo Việt Nam “người giáo dân tốt cũng là công dân tốt”, mong muốn Giáo hoàng, Tòa thánh Vatican tiếp tục chỉ dẫn Công giáo Việt Nam tích cực đóng góp vào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Tòa thánh Vatican đã cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Việt Nam đối với Công giáo, mong muốn quan hệ Việt Nam - Vatican tiếp tục tiến triển. Bên cạnh đó là cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Giáo hoàng Francis (2/2014), cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Francis (18/10/2014), cuộc gặp của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với Giáo hoàng Francis (20/10/2018),….
Đây chính là minh chứng của chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và cũng là kết quả của phương thức và quá trình đối thoại mà hai bên cùng nhau thực hiện từ năm 1990. Thông qua việc duy trì đối thoại và với những kết quả đạt được thông qua con đường đối thoại đã tạo cơ hội cho hai bên có điều kiện xích lại gần nhau hơn, sự hiểu biết lẫn nhau ngày một tăng lên theo thời gian và kết quả đạt được ngày càng mang ý nghĩa tích cực hơn.
2. Đàm phán quan hệ Việt Nam - Vatican
Từ năm 2009, Việt Nam và Vatican đã thống nhất thành lập Tổ công tác hỗn hợp của mỗi bên do một Thứ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn để bàn về việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, đến nay Tổ công tác Hỗn hợp đã qua 5 vòng đàm phán và đã đạt được kết quả nhất định. Vòng đàm phán thứ nhất (tháng 2/2009 tại Hà Nội); vòng 2 (tháng 6/2010 tại Roma); vòng 3 (tháng 2/2012 tại Hà Nội); vòng 4 (tháng 6/2013 tại Roma) và vòng 5 diễn ra vào tháng 9/2014 tại Hà Nội. Các cuộc họp đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Vatican, đến Công giáo Việt Nam, hoạt động của Đặc phái viên và những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Tại cuộc họp vòng 2 hai bên nhất trí Giáo hoàng sẽ bước đầu cử đặc phái viên không thường trú của Vatican đến Việt Nam, nhằm tăng cường quan hệ giữa Vatican và Việt Nam cũng như quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Năm 2011, Giáo hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Đến nay, Đặc phái viên đã vào Việt Nam 41 lần, chào thăm lãnh đạo các cấp chính quyền, hoạt động mục vụ ở 63 tỉnh, thành phố, có những chỉ dẫn giáo dân hoạt động thuần túy tôn giáo, chấp hành quy định pháp luật Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam và Vatican thống nhất những nguyên tắc chung, đồng thời thống nhất những vấn đề vướng mắc giải quyết thông qua đối thoại, hai bên đã có những thiện chí tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ, cụ thể:
- Giáo hoàng Benedict XVI gửi Huấn từ cho Hội đồng Giám mục Việt Nam (2009), chỉ dẫn người Công giáo Việt Nam gắn bó với đất nước, người Công giáo tốt cũng là công dân tốt; gửi Sứ điệp trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, trong đó nhắc đến sai lỗi của Giáo hội và xin mọi người tha thứ,…Giáo hoàng Francis trong buổi tiếp Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định: Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt. Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước. Người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc, những chỉ dẫn của 2 Giáo hoàng đã tác động đến chức sắc, giáo dân, tạo thuận lợi cho những người Công giáo theo đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
- Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các đoàn Vatican tham gia các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của đoàn Tòa thánh Vatican đến Việt Nam năm 1989, đến nay các đoàn Vatican đã đến thăm và hoạt động mục vụ ở hầu hết các giáo phận, tham dự các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Có thể kể đến một số đoàn chức sắc cao cấp của Tòa thánh Vatican như đoàn do Hồng y Etchegaray, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình đến Việt Nam năm 1989. Đoàn Hồng y Sepe, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo đến năm 2005. Đoàn Hồng y Ivan Dias đến Việt Nam dự Lễ Bế mạc Năm Thánh vào đầu năm 2011. Đặc phái viên của Vatican đã vào Việt Nam 41 lần từ năm 2011. Qua các chuyến thăm, đoàn Vatican đã cảm nhận được và xúc động về sự đón tiếp chu đáo của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Trung ương liên quan cũng như chính quyền các cấp nơi đoàn đến thăm, cảm nhận được đời sống đạo tự do, sôi động của Công giáo Việt Nam và những tình cảm mà chức sắc, giáo dân Công giáo Việt Nam dành cho Đoàn. Đồng thời, phía Vatican cũng thông qua đó hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam và về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán của Việt Nam.
Có thể nói, thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi, hai bên ngày càng hiểu nhau hơn và thấy việc tôn trọng những nguyên tắc giữa hai bên là cần thiết, cũng như tôn trọng những vấn đề hai bên cùng quan tâm trao đổi trong những lần gặp. Cũng có thể khẳng định rằng các cuộc đối thoại là phương thức thích hợp nhất, góp phần tạo không khí thân thiện để hiểu nhau hơn và để cùng nhau giải quyết các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Với tiềm năng và thiện chí của hai phía sẽ tạo những cơ sở triển vọng cho việc xác lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican./.
Thạc sĩ Đào Thị Đượm