Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí
Ngày đăng: 14/12/2020
Hội thảo "Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí". (Ảnh: báo nhân dân)
Ngày 11/12, tại Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí”.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo… đến từ nhiều cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương.

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung: Vai trò của truyền thông đối với Phật giáo; Nữ giới đối với báo chí Phật giáo giai đoạn trước và sau năm 1975; Nữ giới đối với báo chí Phật giáo đương đại; Đóng góp của nữ giới Phật giáo trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá những thuận lợi và thách thức, đặc biệt chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan phần nào cản trở sự tham gia của nữ giới Phật giáo vào công tác báo chí, truyền thông; đề xuất các giải pháp để tăng cường tiếng nói của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí và đời sống chính trị-xã hội.Thông qua tham luận, các đại biểu đã phân tích thực trạng và khẳng định những thành tựu đạt được của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; Nhìn nhận vai trò, ảnh hưởng của nữ giới Phật giáo đến việc lan tỏa những giá trị tích cực của Phật giáo, chấn hưng Phật giáo thông qua báo chí và việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: Trong các giáo hội Phật giáo trên thế giới, nữ giới chiếm một tỷ lệ đáng kể và có nhiều đóng góp cho Phật sự, góp phần quan trọng vào việc hoằng dương chính pháp.

Ở nước ta, nữ giới Phật giáo đã thể hiện khả năng linh hoạt và trí tuệ, vượt qua rào cản truyền thống, góp phần công sức đáng kể vào sự nghiệp xương minh Phật pháp. Trong lĩnh vực báo chí, nữ giới Phật giáo đã trải qua một hành trình dài, từ chỗ bị động, nhỏ lẻ, ý nghĩa và giá trị mang lại còn hạn chế, đến nay tiếng nói của họ đã trở nên mạnh mẽ, có khả năng lan tỏa rộng khắp đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, việc tổ chức Hội thảo này có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, vừa giúp ích cho sự nhân rộng và lan tỏa các giá trị Phật giáo tốt đẹp trong đời sống xã hội, vừa có thể thúc đẩy các hoạt động nhằm gia tăng giá trị nhân văn cho báo chí, gắn kết tôn giáo và báo chí, phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, noi theo những tấm gương tài đức, hết lòng vì đạo pháp và dân tộc của các vị danh Ni.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thu Trang)

Cũng tại Hội thảo, Thượng tọa. TS. Thích Giác Hoàng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam bày tỏ mong muốn, qua cuộc hội thảo sẽ cổ vũ tinh thần cho nữ giới Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia hơn nữa các hoạt động Phật sự, đặc biệt là công tác truyền thông qua báo chí và các kênh khác, góp phần thúc đẩy các hoạt động Phật sự ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp hơn./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn