Lễ hội cầu Ngư truyền thống của người dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh
Ngày đăng: 18/03/2022
Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng Hai người dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đều tổ chức Lễ hội Cầu Ngư tại đền Sát Hải Đại Vương nhằm cầu mong một năm Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Đồng thời đây cũng là dịp người dân vùng cửa biển tổ chức ngày giỗ của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, người đã tham gia nhiều cuộc chiến quan trọng, lập được nhiều chiến công lớn khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược. Sau này đã được vua Trần Nhân Tông phong danh hiệu "Sát Hải chàng lại đại tướng quân" và được giao thống lĩnh thủy binh, trông coi 12 cửa sông và bảo vệ vùng duyên hải.

Lễ hội cầu Ngư được người dân tổ chức hàng năm kéo dài 2 ngày, từ ngày 14 đến 15 tháng 2 âm lịch, bao gồm phần Lễ và phần Hội. Năm nay, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không tổ chức phần Hội, thay vào đó chỉ tổ chức phần Lễ. Mở đầu phần Lễ cầu Ngư là lễ nghinh thần (rước thần) cá ông ở cửa biển về tại Đền Sát Hải Đại Vương, tiếp theo đó là dâng hương và lễ cầu an đầu năm mới cho mọi người, mọi nhà, các tổ nghề biển trên địa bàn toàn xã.

 Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển, có tính bền vững, gắn liền với cộng đồng dân cư vùng biển của Thịnh Lộc. Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai…. Đây còn là một nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển./.

Lê Huyền