Khai mạc Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26)
Ngày đăng: 02/11/2021Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) đã diễn ra Glasgow, Scotland, Anh chiều ngày 1/11/ 2021.
Tham dự lễ khai mạc có trên 1000 đại biểu đại diện 197 bên tham gia Công ước, với trên 100 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hồng y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin. Do không thể trực tiếp tham dự, Nữ hoàng Anh Elisabeth và Giáo hoàng Francis đã có thông điệp Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự COP26 và làm việc tại Anh từ 31/10 đến 3/11.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Các đại biểu được yêu cầu gửi kết quả âm tính từ các bài kiểm tra COVID-19 hàng ngày trước khi được phép vào “vùng xanh” của hội nghị COP26 dành cho các đại biểu chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức phi chính phủ và các nhà báo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow, Scotland, Anh ngày 1/11/ 2021. Ảnh REUTERS / Yves Herman / Pool
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói với các nhà lãnh đạo rằng thất bại tại một hội nghị về sự nóng lên toàn cầu có nghĩa là họ phải quay lại với những cam kết cải thiện hàng năm thay vì theo thời gian biểu 5 năm hiện tại. “Nếu các cam kết không còn hiệu lực vào cuối COP này, các quốc gia phải xem xét lại các kế hoạch và chính sách khí hậu quốc gia của mình - không phải năm năm (mà là) hàng năm và mọi thời điểm”, ông nói. Ông cho rằng rằng thường có "thâm hụt tín nhiệm và dư thừa sự nhầm lẫn về việc cắt giảm khí thải và mục tiêu bằng không". Ông cũng cho biết Liên hợp quốc đang thành lập một nhóm chuyên gia để đo lường và phân tích các cam kết bằng 0 ròng của các tổ chức phi nhà nước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khai mạc hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 được chờ đợi từ lâu ở Glasgow, Scotland bằng cách cảnh báo rằng nhân loại đã hết thời về vấn đề biến đổi khí hậu, nói rằng "bây giờ còn một phút nữa là nửa đêm và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ".
n
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phiên khai mạc COP 26
Phát biểu tại lễ khai mạc Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời "phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu".
"Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ COP26.
Thủ tướng nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. "Các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu", Thủ tướng phát biểu.
Ông khẳng định mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
COP26 có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 197 bên tham gia Công ước, lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ. Ước tính 120 nhà lãnh đạo thế giới và 25.000 đại biểu từ khoảng 200 quốc gia đã đến Glasgow cho hội nghị quan trọng kéo dài đến ngày 12/11 này.
Mục tiêu của hội nghị là đạt được tiến bộ thực sự trong việc hướng tới mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C. Đây được coi là cấp độ then chốt cần thiết để tránh những hậu quả tàn phá nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia đang cảnh báo rằng nhiệt độ tăng cao không được kiểm soát sẽ làm tan chảy phần lớn băng trên hành tinh, làm tăng mực nước biển toàn cầu và làm tăng đáng kể khả năng và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là người nghèo.
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26, các lãnh đạo tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. COP26 được coi là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại./.
PTT (tổng hợp)