Tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 06/02/2018Chiều ngày 5/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) tổ chức hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của mô hình điểm tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dự và chủ trì hội nghị. Ông Eivind Archer, giám đốc NCA Việt Nam và đại diện các tổ chức tôn giáo cùng tham dự.
Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn của khu vực, của toàn cầu và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới.
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững.
Các chuyên gia môi trường thế giới cảnh báo, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Ông Eivind Archer, giám đốc NCA Việt Nam cho rằng, việc các tổ chức tôn giáo cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau.
Từ nhiều năm nay, tổ chức NCA Việt Nam đã có nhiều kết quả tốt đẹp trong việc xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2018, NCA sẽ tích cực phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ để khắc phục việc này nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường được xem là vấn đề toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Vì vậy, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường phải được bắt đầu từ chính gia đình, từ các ngôi chùa cho đến xã hội. Trước thực trạng đó, GHPG Việt Nam cũng đã có các chương trình hành động, đồng thời hướng dẫn 63 Ban Trị sự GHPG Việt Nam trên cả nước, các ngôi chùa, các học viện để mọi người cùng nâng cao ý thức bảo vệ.
GHPG Việt Nam cũng đã đã chỉ đạo các ngôi chùa trồng nhiều cây xanh để giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, để các ngôi chùa không chỉ là nơi hành lễ mà còn là nơi ngắm cảnh.
Hòa thượng Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân, Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, trước thực trạng môi trường sống đang ngày càng bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến một cách phức tạp thì việc chung tay góp sức của chùa Pháp Vân nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung vào những vấn đề này là rất cần thiết.
Chính vì vậy triển khai hoạt động đầu tiên trong mô hình điểm của Phật giáo phía Bắc về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại chùa Pháp Vân thông qua việc tổ chức các chiến dịch ra quân làm sạch môi trường tại các cụm dân cư và ven hồ Linh Đàm; gây quỹ và cứu trợ đồng bào các tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình…
Tại Hà Nội, chùa đã tổ chức phát cháo, phát quà cho người nhiễm HIV, các bệnh nhân tại Bệnh viện 09, bệnh viện Thanh Nhàn…trong những năm qua.
Linh mục Phêrô Đào Bá Thuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Bác ái - Xã hội, Tổng Giáo phận Hà Nội đã hướng dẫn thực hiện Chương trình phối hợp gắn với thực hiện Thông điệp của Giáo hoàng Phanxicô tại các giáo phận trong cả nước với đường hướng “người tín hữu Công giáo có ý thức và có hành vi tích cực để bảo vệ môi trường và làm giảm biến đổi khí hậu”. Để thực hiện các chương trình, Giáo phận đã thành lập Ban Môi trường chịu trách nhiệm. Tại huyện Phú Xuyên, Giáo phận đã ra quân trồng cây xanh, dọn dẹp rác thải; đồng thời tuyên truyền tới từng hộ gia đình phải làm sạch đường làng, ngõ xóm ngay từ đầu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực cho rằng: sau gần 3 năm triển khai chương trình phối hợp giữa Mặt trận, ngành Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo ở địa phương, đến nay cả nước đã xây dựng được 322 mô hình điểm. Các tôn giáo đã triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình. Đây là việc làm nhân đạo, có ý nghĩa để làm sao cả xã hội cùng cung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Lược theo daidoanket.vn