Thành lập Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia tại Cần Thơ
Ngày đăng: 08/08/2019Sáng 6/8, Tổ chức NHO-QSCert (thuộc Công ty trách nhiệm hữ hạn NHONHO - đơn vị chuyên đánh giá, cấp chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho hàng hóa Việt Nam) và Tổ chức RSD Management Solution (Malaysia) ký kết thành lập Trung tâm chứng nhận Halal VietNam-Maylaysia tại Cần Thơ.
Đây là trung tâm cấp chứng nhận Halal (sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng và người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal) đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn NHONHO cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông có xu hướng nhập khẩu rất lớn từ phía Việt Nam, nhất là những mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản của Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông ngày càng gia tăng.
“Theo số liệu thống kê, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông đạt 12 tỷ USD và đến năm 2018 giá trị kim ngạch đã tăng lên 14 tỷ USD. Cho thấy tiềm năng thị trường này rất lớn” - ông Nghị nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghị, một trong những rào cản quan trọng mà các nhà xuất khẩu phải vượt qua khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này là phải được cấp và tuân thủ chứng nhận Halal.
Sau khi thành lập, Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia tại Cần Thơ sẽ cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp có nhu cầu để có thể xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia theo đạo Hồi; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận hiệu quả với chứng nhận Halal.
Trao chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp tại lễ ký kết. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ông Nor Helmy Mustapha, chuyên gia tổ chức RSD Management Solution, cho biết mục tiêu của RSD là thành lập một tổ chức cấp chứng nhận Halal tại Cần Thơ và giúp Cần Thơ trở thành một địa điểm du lịch quen thuộc dành cho cộng đồng người Hồi giáo.
“Chúng tôi hy vọng các hoạt động của trung tâm sẽ được tiến hành thuận lợi để đưa nơi đây trở thành một tổ chức của Malaysia được tín nhiệm tại Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ của Halal từ Malaysia đến Cần Thơ để phục vụ hoạt động tại đây” - ông nói.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, các nông sản chủ lực của thành phố Cần Thơ như lúa chất lượng cao, thủy sản, trái cây... được sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ cho người sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Phạm Trường Yên đánh giá việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal tại Cần Thơ là điều kiện tốt để nông sản hàng hoá của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận với thị trường xuất khẩu mới, thị trường các quốc gia khu vực Trung Đông với hơn 1,8 tỷ người; góp phần nâng cao giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngay sau lễ ký kết, Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam-Malaysia đã trao Chứng nhận Halal cho 3 doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai./.
Thanh Liêm (TTXVN/Vietnam+)