Điểm đặc biệt của cộng đồng tín đồ Islam ở Hà Nội
Ngày đăng: 22/07/2019
Hiện nay ở Việt Nam có năm tổ chức Islam được Nhà nước công nhận hoạt động ở năm tỉnh, thành phố; đó là bốn Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tại: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh An Giang, tỉnh Tây Ninh; và Ban Quản trị thánh đường Hồi giáo Al Noor ở thành phố Hà Nội. Mỗi cộng đồng Islam tại nước ta có những nét đặc trưng, trong đó, cộng đồng Islam ở Hà Nội với phần lớn tín đồ là người nước ngoài là một điểm riêng có, đặc biệt so với các địa phương khác.

Từ trước tới nay, cộng đồng Islam ở Hà Nội chỉ có duy nhất một cơ sở tôn giáo, đó là Thánh đường Hồi giáo Al Noor. Thánh đường được đưa vào sử dụng từ năm 1890, nằm tại số 12, phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm.

Theo thông tin của Ban Quản trị Thánh đường, tại Hà Nội đang có khoảng 900 tín đồ Islam (được gọi là các Muslim) tham gia sinh hoạt tôn giáo, trong đó có khoảng 650 người nước ngoài. Các Muslim người nước ngoài chủ yếu là cán bộ, nhân viên ngoại giao (khoảng 200 người, đang làm việc tại gần 20 đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội) và các thương nhân, người làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng tôi quan sát thấy, tại các buổi hành lễ tập trung vào trưa thứ Sáu hàng tuần theo quy định trong Giáo luật Islam (bắt buộc với nam giới, chỉ vắng mặt nếu có lý do thỏa đáng) ở Thánh đường Al Noor, thông thường có khoảng 150 đến 200 tín đồ tham gia, số tín đồ người Việt rất ít ỏi, chỉ khoảng 10 tới 15 người, còn lại là người nước ngoài (trong đó thường có khoảng bảy, tám tín đồ là đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước).

Bên cạnh những buổi hành lễ, mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt xã hội khác do Ban Quản trị (gồm năm người, toàn bộ là người Việt Nam) tổ chức đều có sự tham gia của các tín đồ người nước ngoài, và họ cũng luôn chiếm số đông trong tất cả các hoạt động đó.

Một buổi hành lễ tập trung của tín đồ Islam tại Thánh đường Al Noor

Sau mỗi buổi hành lễ, các tín đồ thường gặp gỡ, trao đổi với nhau trong sự gần gũi, thân mật, vui vẻ. Và thông tin chúng tôi biết được, là đã có nhiều  hợp đồng kinh tế, thỏa thuận hợp tác được ký kết mà điểm khởi đầu chính từ những buổi gặp gỡ này.

Ngoài các tín đồ tới sinh hoạt tôn giáo thường xuyên, hàng ngày Thánh đường cũng đón tiếp các đoàn khách nước ngoài là các tín đồ Islam tới Hà Nội du lịch, đến thăm Thánh đường (trung bình mỗi ngày có khoảng hai đoàn). Tất cả các đoàn tín đồ là khách du lịch tới thăm, Thánh đường đều sắp xếp các chức sắc, chức việc là thành viên Ban Quản trị hoặc Imâm tiếp đón (Imâm là người chịu trách nhiệm hướng dẫn hành lễ, nghi thức tôn giáo, phổ biến giáo lý, giáo luật cho các tín đồ).

Một hoạt động liên quan tới nước ngoài nữa tại Thánh đường, đó là việc đại sứ quán các nước thường xuyên tổ chức nhiều buổi gặp mặt mang tính chất ngoại giao khi quốc gia của họ có những sự kiện lớn, trong những buổi gặp mặt ấy, các đại sứ quán cũng thường xuyên mời đại diện Ban Quản trị, tín đồ của Thánh đường tới dự.

Với đặc điểm liên quan tới nhiều người nước ngoài, trong đó có nhiều quan chức ngoại giao, nên hoạt động tại Thánh đường Al Noor có tính nhạy cảm cao, dễ trở thành vấn đề mang tính quốc tế, tác động tới hình ảnh thậm chí tới quan hệ đối ngoại của Đất nước. Ý thức được việc đó, Ban Quản trị cũng như các chức sắc, chức việc của Thánh đường đã cởi mở, thân thiện, nghiêm túc, cẩn thận, và luôn tuân thủ các quy định pháp luật liên quan trong mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, cũng như trong các hoạt động xã hội khác.

Tín đồ Islam vui vẻ trò chuyện sau buổi lễ

Chúng tôi cũng nhận thấy, tại Thánh đường Al Noor, không có sự phân biệt đối xử giữa tín đồ Việt Nam với tín đồ nước ngoài, giữa hệ phái này với hệ phái khác, tất cả mọi người cùng bình đẳng trong mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo.

Được biết, các cơ quan quản lý nhà nước như từ cơ sở đến thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan khác đã tạo những điều kiện thuận lợi, góp nhiều ý kiến bổ ích, hiệu quả, để cộng đồng tín đồ Islam ở Hà Nội được hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, trong sự bình an, đoàn kết.

Với ý thức trách nhiệm cùng sự giúp đỡ, tạo điều kiện như vậy, nên trong thời gian qua, hoạt động của Ban Quản trị Thánh đường Al Noor, các chức sắc, chức việc, cũng như các tín đồ Islam ở Hà Nội không chỉ đáp ứng được nhu cầu hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, mà còn góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa nước ta với các nước khác đặc biệt là các nước theo Islam, nâng cao hình ảnh, vị thế của Hà Nội, của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Chúng tôi nhận định, sự phát triển quan hệ nhiều mặt theo hướng tích cực giữa Việt Nam với thế giới trong đó có các nước theo Islam trong những năm vừa qua, có sự góp sức một phần từ hoạt động tôn giáo cũng như từ cộng đồng tín đồ Islam ở Hà Nội.

Như vậy, khi chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn, khách quan, hợp lý, thì đặc điểm về tín đồ chủ yếu là người nước ngoài, hơn nữa lại là các cán bộ ngoại giao, trong đó có nhiều vị đại sứ và các thương nhân của cộng đồng Islam ở Hà Nội đã và sẽ tiếp tục trở thành điểm mạnh, cơ hội để từ đó chúng ta củng cố, phát triển ngoại giao, kinh tế, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới./.

 

Sơn Ca