Đền thờ công chúa Lào trên đất Việt
Ngày đăng: 11/04/2019
Chúng tôi về xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, Ninh Bình, viếng lăng mộ và đền thờ công chúa Nhồi Hoa trên núi Phượng; một di tích hiếm hoi về một công chúa Lào qua đời, được phong thần và thờ trên đất Việt.

Theo sử sách, vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), bà được lệnh đưa đàn voi của vua Ai Lao sang cống nạp và giúp huấn luyện voi cho vua Việt. Trên đường trở về đến khu dinh Độc Trang Trại (nay là thôn Thái Sơn, Sơn Lai, Nho Quan) thì bà lâm bệnh đột ngột và tạ thế tại đây. Người dân địa phương đã làm lễ mai táng, xây lăng mộ và lập đền thờ bà.

Ở hậu cung đền thờ có hình ảnh bà và đôi câu đối:

"Long sử hà niên lưu tiết liệt

Phượng sơn chung cổ hưởng linh thanh"

(Sử sách ngàn năm lưu nghĩa tiết

Núi Phượng còn mãi tiếng linh thiêng)

Đền thờ công chúa Nhồi Hoa đã được công nhận là di tích lịch sử. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, người quê hương ở đây, đình và chùa làng ở Sơn Lai còn lưu giữ được sắc phong từ các thời vua Khải Định, Duy Tân giao cho địa phương việc thờ phụng bà. Người dân Sơn Lai nhiều đời đã chăm lo gìn giữ và tu tạo di tích; đặc biệt là những đóng góp trong giai đoạn hiện nay để duy tu và nâng cấp khu đền và lăng mộ.

Tác giả (phải) tại đền thờ công chúa Nhồi Hoa trên núi Phượng

Hội đền mở vào đầu tháng Ba âm lịch, với các nghi thức truyền thống và các trò múa hát dân gian, trong đó có điệu múa Cham Pa của đất nước Lào. Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là một dấu ấn đặc biệt trong quan hệ lịch sử giữa hai nước Việt - Lào.

Theo thethaovanhoa.vn