Giới thiệu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
I. Bố cục của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016. Luật gồm 9 chương, 68 Điều. Cụ thể như sau:
- Chương I - Những quy định chung (gồm 05 điều, từ Điều 1 đến Điều 5)quy định về phạm vi điều chỉnh,đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II – Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (gồm 04 điều, từ Điều 6 đến Điều 9) quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Chương III - Hoạt động tín ngưỡng (gồm 06 điều, từ Điều 10 đến Điều 15) quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng; người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng.
- Chương IV – Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo (gồm 05 điều, từ Điều 16 đến Điều 20) quy định về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; hoạt động của tổ chức sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
- Chương V – Tổ chức tôn giáo (gồm 22 điều, từ Điều 21 đến Điều 42) quy định về điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo; hiến chương của tổ chức tôn giáo; sửa đổi hiến chương; tên của tổ chức tôn giáo; thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc; thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử chức sắc; đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; trình tự, thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.
- Chương VI – Hoạt động tôn giáo; hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo (gồm 13 điều, từ Điều 43 đến Điều 55) quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp; sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm; hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo.
- Chương VII –Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo (gồm 04 điều, từ Điều 56 đến Điều 59) quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo; cải tạo, nâng cấp,xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo; di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.
- Chương VIII – Quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (gồm 06 điều, từ Điều 60 đến Điều 65) quy định về nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ.
- Chương IX – Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 66 đến Điều 68) quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.
II. Nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
1. Về chủ thể thực hiện quyền tín ngưỡng, tôn giáo
Cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào", Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người (khoản 1 Điều 6).
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
2. Về hoạt động tín ngưỡng
Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Nhằm tạo điều kiện cho cơ sở tín ngưỡng hoạt động có hiệu quả, Luật quy định cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng như đăng ký hoạt động tín ngưỡng; thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; đăng ký tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Và việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử. Căn cứ vào kết quả bầu, cử, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý trong thời hạn 05 ngày làm việc. Đây cũng là một trong những quy định mới của Luật so với Pháp lệnh.
Bên cạnh nội dung mới nêu trên, hoạt động tín ngưỡng còn có một số quy định mới được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay như việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng hằng năm của cơ sở tín ngưỡng phải thực hiện đăng ký chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật, các hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đăng ký đã được chấp thuận thì phải đăng ký bổ sung; các lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi thay vì phải xin phép thì nay chỉ phải đăng ký.
3. Về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 16 của Luật đã quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thì nội dung này có nhiều điểm mới như chủ thể được thực hiện quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mà nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức cũng được thực hiện; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người chứ không được xem là một bước để tiến tới đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo.
Về đăng ký hoạt động tôn giáo, Luật quy định để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, đó là có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật; tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở; nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật.
Sau khi được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức được tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý; bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc; sửa chữa, cải tạo trụ sở; tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo; tổ chức đại hội thông qua hiến chương.
4. Về tổ chức tôn giáo
Một trong những điều kiện tiên quyết để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đó là tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đây cũng là nội dung mới của Luật (Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và văn bản hướng dẫn thi hành quy định thời gian hoạt động ổn định, liên tục là 23 năm). Bên cạnh đó, tổ chức còn phải đáp ứng các điều kiện khác như có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Đối với tổ chức tôn giáo được công nhận sau ngày Luật có hiệu lực, thời điểm tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đồng thời với thời điểm tổ chức được công nhận là pháp nhân phi thương mại. Đối với các tổ chức được công nhận trước ngày Luật này có hiệu lực sẽ trở thành pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật có hiệu lực với điều kiện tổ chức phải điều chỉnh, đăng ký hiến chương theo quy định tại đại hội gần nhất.
Sau khi được công nhận là tổ chức tôn giáo, tổ chức được thực hiện phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.
5. Về hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo
Một trong những quy định mới của chương này so với Pháp lệnh đó là việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ thực hiện một lần, đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì thông báo bổ sung; người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, vào học tại cơ sở đào tạo tôn giáo hoặc lớp bồi dưỡng về tôn giáo, được sinh hoạt tôn giáo tập trung, được trực tiếp mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đến giảng đạo, được thuê địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung, được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị; đối với tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được quyền gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.
6. Về phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật cũng có các quy định về trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Để bảo đảm có đầy đủ công cụ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đồng thời bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định về thanh tra chuyên ngành tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và một số biện pháp chế tài khác như đình chỉ,thu hồi, giải thể.
7.Giảm các quy định xin, cho,bổ sung các quy định thông báo
Luật đã giảm các quy định xin, cho,bổ sung các quy định thông báo như: thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo kết quả đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho những người không chuyên hoạt động tôn giáo; thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thông báo hội nghị thường niên. Đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
III. Tổ chức thực hiện Luật
Để triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáotrong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
3. Tổ chức phổ biến, tập huấn nội dung của Luật.