Khái quát về Hội thánh Tin lành Báp tít Việt Nam (Nam Phương)
Ngày đăng: 12/11/2020
Ngày 26/9/2007, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp Giấy đăng ký hoạt động tôn giáo cho Hội thánh Tin lành Báp tít Việt Nam(Số 810/GCN/TGCP), đây là cơ sở bước đầu ghi nhận quá trình hoạt động tôn giáo ổn định của giáo hội để tiến tới công nhận về mặt tổ chức theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Kể từ sau khi được cấp đăng ký hoạt động, hội thánh đã đẩy mạnh hoạt động hơn nữa như mở các lớp bồi dưỡng thần học, in ấn kinh sách, hoạt động từ thiện xã hội.

              

            1.      Lịch sử hệ phái Tin lành Báp tít

            Thế kỷ XVI, trong phong trào cải cách tôn giáo ở Đức, Thụy Sỹ xuất hiện nhóm người cho rằng phải làm lễ Báp tem lại cho người lớn mặc dù họ đã chịu phép Báp tem tuổi sơ sinh - nên được gọi là nhóm Rửa tội lại - Anabaptist, sau gọi là nhóm Báp tít (khác với nhóm Pedobaptist - làm lễ Báp tem cho tuổi sơ sinh hay thiếu nhi). Nhóm Báp tít phát triển khá nhanh và được đánh giá là cánh tay trái của cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu. Tuy nhiên về sau những người Báp tít lại đi theo khuynh hướng cực đoan trong những nội dung cải cách, nên không chỉ bị đạo những người theo Công giáo chống đối mà cả những người theo Tin lành cũng không ủng hộ. Mặc dù bị chống đối, thậm chí ngược đãi, những nhóm Báp tít đã không ngừng mở rộng lực lượng, từ Đức, Thụy Sỹ lan sang Hà Lan, Ý, Na Uy... Tại Hà Lan, họ được ông Meno Simons và những người Mennonite che chở ủng hộ và cũng tại đây, phong trào Báp tít truyền vào nước Anh để đến năm 1638 một giáo hội được thành lập ở Luân Đôn. Giáo hội Báp tít Anh là tổ chức thành lập ra tổ chức truyền giáo của Tin lành sớm nhất thời cận đại. Các ông William Carey, Adomirim Judson, Luther Rice là những người hoạt động rất tích cực cho phong trào truyền giáo của Giáo hội Báp tít Anh.
   Hệ phái Báp tít được truyền từ nước Anh sang vùng đất mới là châu Mỹ. Ở đây hệ phái này phát triển nhanh, trở thành một trong những hệ phái Tin lành có số lượng tín đồ lớn ở nước Mỹ. Hai nhà thờ Báp-tít đầu tiên ở Mỹ là Newport do ông John Clarke xây dựng năm 1638 và Providence do ông Roger Williams xây dựng năm 1639, cả hai người đều đến từ nước Anh nhưng có điều đặc biệt là họ không có quan hệ và biết về công việc của nhau. Chính R. Williams là người lập ra vùng Providence và là người lãnh đạo "Phong trào tự do tôn giáo" ở Mỹ vào thế kỷ XVII. Cùng thời gian này, Tin lành Báp tít cũng được truyền sang Ấn Độ dưới sự dẫn dắt của William Carey nhưng không thành công.
Vào thế kỷ XVIII, Tin lành Báp tít phát triển mạnh, trở thành một trong những hệ phái Tin lành lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, là một hệ phái mang tư tưởng tự do nên Tin lành Báp tít dễ bị phân rẽ, đôi khi chỉ vì những lý do đơn giản về tôn giáo hoặc chính trị xã hội. Năm 1671 tại vùng Providence được xem là cái nôi của Tin lành Báp tít Mỹ hình thành một tổ chức mới: Hội nghị Tin lành Báp tít Cơ đốc Phục lâm. Ở miền Nam nước Mỹ, những người Báp tít đã hợp với người Trưởng lão theo tư tưởng Calvin chống lại các hoạt động của những giáo sĩ được đưa từ nơi khác đến, mà sau này được gọi là Tin lành Báp tít Giáo sĩ. Đặc biệt vào giữa thế kỷ XIX, Ban Trị sự Uỷ ban Truyền giáo ở hải ngoại của Tin lành Báp tít Mỹ đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của công cuộc giải phóng nô lệ, đã có nhiều cuộc tranh luận, thậm chí đả kích lẫn nhau xung quanh vấn đề này. Ban Trị sự Uỷ ban truyền giáo hải ngoại đã cấm không cho bất kỳ ai có nuôi nô lệ được trở thành giáo sĩ. Ngoài vấn đề nô lệ, vấn đề tài chính cũng tạo ra và làm gay gắt thêm mâu thuẫn nội bộ. Cuối cùng, năm 1845 tổ chức lấy tên là Hội nghị Tin lành Báp tít miền Nam nước Mỹ được thành lập. Đây là một tổ chức Tin lành có sức hút mạnh mẽ người tin theo, lúc đầu, nó chỉ có 351.951 tín đồ và 300 chi hội, nhưng đến năm 1890 có 1.235.908 tín đồ, năm 1954 là 8.169.491 tín đồ và 29.899 chi hội. Năm 1907 tổ chức Đại hội Tin lành Báp tít miền Bắc nước Mỹ được thành lập, đến năm 1950, đổi tên thành Đại hội Tin lành Báp tít Mỹ. Tiếp theo các chi hội ở miền Đông, miền Tây nước Mỹ cũng tách ra thành lập các tổ chức riêng với những tên gọi khác nhau.
Giáo lý Tin lành Báp tít được xây dựng khá sớm, dựa trên hai bản tín điều: một là bản tín điều Philadelphia được soạn vào năm 1689 tại Luân Đôn, sau đó bổ sung điều chỉnh vào năm 1742; hai là bản tín điều soạn năm 1832 tại New Hampshire. Cả hai bản tín điều này đều đi theo xu hướng thần học của J. Calvin. Tin lành Báp tít tin vào giá trị và tính chất mong ước của Kinh thánh, tin quyền cai trị cao cả của Chúa Kitô, tin sự bất diệt của linh hồn, tin tình huynh đệ của con người, tin vào thắng lợi cuối cùng của “Nước ngàn năm Thiên chúa” trong tương lai, tin con người ai cũng có quyền thông công và tiếp nhận sự dạy dỗ của Thiên Chúa...
Tin lành Báp tít thực hành hai lễ (bí tích) Báp tem và Tiệc thánh nhưng coi đó là hình thức lễ nghi hơn là những lời cầu nguyện. Lễ Báp tem chỉ được thực hiện cho người lớn tuổi bằng cách dìm mình xuống nước. Tin lành Báp tít cũng tiếp nhận tín đồ của các hệ phái Tin lành khác hoặc Công giáo đã thực hiện lễ nghi rửa tội ở độ tuổi sơ sinh nhưng phải được rửa tội lại theo nghi lễ của họ. Các hình thức trong sinh hoạt tôn giáo hàng ngày cũng mang truyền thống Tin lành như: đọc Kinh thánh, hát Thánh ca, cầu nguyện, dâng lễ... nhưng trình tự buổi lễ do các chi hội và mục sư chủ tọa quyết định.
Tin lành Báp tít là một trong những hệ phái phủ nhận tuyệt đối giáo quyền Roma (Vatican) và chủ trương xây dựng các hội thánh độc lập ở cơ sở theo hướng tự trị, tự dưỡng, tự mở mang. Tin lành Báp tít có hai chức vụ đạo: Mục sư (Mục sư còn gọi là Giám mục hay Trưởng lão) và Chấp sự. Việc phong các chức vụ đạo nói trên cũng giao cho hội thánh cơ sở thực hiện. Thông thường các hội thánh cơ sở trong cùng một tổ chức liên lạc với nhau thành một nhóm liên chi hội trong một phạm vi địa lý nhất định (địa hạt). Việc liên kết còn được mở rộng ra các tổ chức khác nhau của Tin lành Báp tít. Đầu thế kỷ XX tổ chức Tin lành Báp tít miền Nam đã đứng ra vận động một số tổ chức Báp tít khác thành lập tổ chức "Liên hiệp Tin lành Báp tít Thế giới" - trụ sở của tổ chức này đặt tại Washington (Mỹ). Ngoài ra Tin lành Báp tít có mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức Tin lành khác, nhất là Tin lành Giám lý, Tin lành Trưởng lão. Nói tóm lại Tin lành Báp tít là một trong những phái đề cao tính tự do tôn giáo, tính dân chủ trong tổ chức và dễ dàng trong việc hành đạo, do đó trong lịch sử phát triển, Tin lành Báp tít có sức thu hút mạnh mẽ đối với những người có tư tưởng cấp tiến trong giai cấp tư sản, tiểu tư sản, thị dân nói chung.
Trong tổng số hơn 20 tổ chức Tin lành Báp tít lớn trên thế giới thì tổ chức Tin lành Báp tít miền Nam nước Mỹ (Southern Baptist Convention - SBC), thành lập năm 1845 là lớn nhất. Hiện nay tổ chức này có khoảng 27 triệu tín đồ, 37.286 chi hội ở 37 quốc gia, có 9.000 nhà truyền giáo chuyên nghiệp ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở 5 châu lục, có 8.986 chủng sinh, 137.000 học sinh ở 594 trường trung học, đại học thuộc 75 nước, 36.000 trường Chủ nhật với 7.942.106 học sinh và 24 nhà xuất bản với 26 triệu ấn phẩm vào năm 1982...
2. Tin lành Báp tít ở Việt Nam
Hệ phái Tin lành Báp tít truyền vào Việt Nam thuộc Giáo hội Tin lành Báp tít miền Nam nước Mỹ. Vào tháng 11 năm 1959, vợ chồng mục sư H.P. Hayes đến Sài Gòn truyền đạo và đến 18/11/1962, Hội thánh Báp tít đầu tiên được thành lập ở đường Công Lý thành phố Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Hồ Chí Minh). Năm 1966 chính quyền Sài Gòn đã công nhận về mặt tổ chức cho giáo hội này. Tuy nhiên những hoạt động truyền giáo sau đó của giáo hội Báp tít có vẻ dè dặt và rời rạc mặc dù đây là một hệ phái Tin lành có tiềm lực mạnh về kinh tế.
Từ năm 1962 đến năm 1975 lần lượt có 13 vợ chồng mục sư Tin lành Báp tít người nước ngoài đến miền Nam truyền đạo, tuy nhiên các hoạt động của hệ phái Báp tít chỉ tập trung ở một số đô thị như Sài Gòn, Chợ Lớn, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng... Đến năm 1975, Tin lành Báp tít xây dựng được 16 chi hội (Sài Gòn: 5 chi hội, Đà Lạt: 1 chi hội, Cần Thơ: 1 chi hội, Phan Rang: 1 chi hội, Quy Nhơn: 1 chi hội, Quảng Ngãi: 1 chi hội, Đà Nẵng: 1 chi hội, Huế: 1 chi hội...) với khoảng gần 10 ngàn tín đồ, 9 mục sư, truyền đạo người Việt và một số cơ sở tôn giáo, xã hội như Viện Thần học, Cơ quan Xã hội Báp tít, Trung tâm thiếu nhi... Với thực lực như nói trên, nhưng do đặc điểm quản lý trao quyền tự chủ cho các chi hội ở cơ sở, nên việc hình thành giáo hội chung ít được quan tâm. Tổ chức của Hội thánh Báp tít ở miền Nam trước 1975 mang tính liên hiệp hơn là một tổ chức giáo quyền thực thụ.
Ngay từ khi truyền vào Việt Nam, Tin lành Báp tít đã không xây dựng được hệ thống tổ chức chặt chẽ dẫn đến có sự chia tách thành nhiều nhóm Báp tít khác nhau. Đặc biệt kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới về kinh tế và chủ trương chính sách mới về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đã có rất nhiều tổ chức Báp tít được thành lập mới hoặc tái lập. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay có 11 nhóm Báp tít khác nhau như: Tổng hội Báp tít Việt Nam (Ân Điển – Nam Phương), Hội Thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương), Hội thánh Báp tít Độc lập, Hội thánh Báp tít Liên hiệp, Hội thánh Báp tít Đấng Christ, Hội thánh Tin lành Báp tít tại Việt Nam, Hội Thánh Tin lành Liên hiệp Báp tít Việt Nam…hoạt động ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng người tin theo khoảng 30 ngàn người.
3. Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương)
Sau 1975, ngoài Hội thánh (chi hội) Ân Điển ở quận Phú Nhuận TP. Hồ Chí Minh còn hoạt động thì các chi hội, điểm nhóm còn lại sinh hoạt tại tư gia và ngừng hoạt động. Năm 1989 Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương) được thành lập mới trên cơ sở tách ra từ Hội thánh Báp tít Việt Nam (Ân Điển – Nam Phương). Cho đến nay phạm vị hoạt động của Hội thánh đã được mở rộng khắp cả nước, tín đồ đã có ở 42 tỉnh, thành phố với trên 18 ngàn người, ở 409 điểm nhóm, 92 chức sắc sinh hoạt tôn giáo khá ổn định, tuân thủ pháp luật, tập trung lớn ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, TP.Cần Thơ, Ninh Thuận. Trụ sở tạm thời hiện nay của hội thánh đặt tại 334/104/13/1 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 26/9/2007, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cấp Giấy đăng ký hoạt động tôn giáo cho giáo hội (Số 810/GCN/TGCP), đây là cơ sở bước đầu ghi nhận quá trình hoạt động tôn giáo ổn định của giáo hội để tiến tới công nhận về mặt tổ chức theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Kể từ sau khi được cấp đăng ký hoạt động, hội thánh đã đẩy mạnh hoạt động hơn nữa như mở các lớp bồi dưỡng thần học, in ấn kinh sách, hoạt động từ thiện xã hội.
Được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, từ ngày 8-10/8/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương) tổ chức Đại hội đồng lần thứ nhất (lần thứ 7 theo lịch sử giáo hội). Đại hội đã thông qua Hiến chương, quy chế mục sư; bầu Ban Chấp hành mới gồm 21 thành viên do mục sư Nguyễn Thông làm Chủ tịch; thông qua kế hoạch nhiệm kỳ 2008-2012; bồi linh cho chức sắc và tín đồ. Hiến chương của giáo hội gồm có 10 chương, 74 điều, có nội dung tốt thể hiện qua tôn chỉ, mục đích và đường hướng hoạt động, gắn bó với dân tộc, trung thành với Tổ quốc và chấp hành pháp luật: “Sống phúc âm, phục sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc, gắn bó Dân tộc và tuân thủ luật pháp”.
Trên cơ sở tổng kết của Đại hội đồng, hội thánh đã gửi hồ sơ tới Ban Tôn giáo Chính phủ xin được công nhận về mặt tổ chức. Sau khi xem xét hồ sơ và ý kiến của các ngành chức năng, được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ (công văn số 2458/VPCP-NC, ngày 17/4/2008 của Văn phòng Chính phủ), ngày 03/10/2008 Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký Quyết định số 199/QĐ-TGCP về việc công nhận tổ chức tôn giáo cho Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương). Ngày 13/10/2008 tại trụ sở của Ban Tôn giáo Chính phủ, 53 Tràng Thi, Hà Nội, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao Quyết định công nhận về mặt tổ chức cho mục sư Nguyễn Thông – Chủ tịch Ban Chấp hành hội thánh. Trong buổi nhận Quyết định công nhận về tổ chức, mục sư Nguyễn Thông thay mặt giáo hội cảm ơn các cấp chính quyền Trung ương và địa phương đã giúp đỡ và tạo điều kiện để giáo hội được hoạt động thuận lợi trong thời gian qua và có được tư cách pháp nhân như ngày nay. Qua đây giáo hội cung xin hứa sẽ hướng dẫn tín đồ của mình luôn hoạt động tuân thủ pháp luật, góp phần xây đất nước ngày một giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Sự kiện Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành Quyết định công nhận về mặt tổ chức cho Hội thánh Báp tít Việt Nam (Nam Phương) theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định rõ hơn chủ trương, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là tổ chức (hệ phái) Tin lành thứ 3 ở Việt Nam được công nhận kể từ khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời (2004) và đưa tổng số tổ chức Tin lành được Nhà nước công nhận lên 7 tổ chức./.
 
Vụ Tin lành
Ban Tôn giáo Chính phủ