LỄ EID AL-ADHA CỦA NGƯỜI HỒI GIÁO
Ngày đăng: 28/06/2023
Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện bên ngoài một đền thờ ở Aceh, In-đô-nê-xi-a
Lễ Eid al-Adha hay còn gọi là lễ hiến sinh kéo dài 03 ngày, để tưởng nhớ và tôn vinh nhà tiên tri Ibrahim sẵn lòng vâng lời Thượng đế mà hiến tế con trai của mình. Thế nhưng sau đó Thượng đế đã cấp cho ông một con cừu làm vật hiến tế thay thế. Đây là một trong những dịp lễ quan trọng nhất theo lịch Hồi giáo. Vào dịp này, người Hồi giáo thường tập trung tại các thánh đường hoặc nơi công cộng để cầu nguyện và thực hiện nghi lễ hiến sinh các loài vật như: cừu, dê, bò. Thịt của chúng được chia làm 03 phần cho gia đình, bạn bè và những người nghèo khó. Chính vì vậy, lễ Eid al-Adha còn thể hiện sự hướng thiện và ý nghĩa nhân văn của con người.

1. Nguồn gốc lễ Eid al-Adha

“Eid” trong kinh Qur’an nghĩa là “lễ trọng thể”, Eid al-Adha là lễ Hiến sinh, được các nước Hồi giáo tổ chức 03 ngày 02 đêm, hằng năm vào ngày thứ 10, 11, 12 của tháng 12 theo lịch Hồi giáo. Ngày này được coi là ngày nhiều phúc ân nhất trong năm của người Hồi giáo. Năm 2023, Eid al-Adha sẽ bắt đầu từ thứ Ba ngày 27/6 và kết thúc vào thứ Năm ngày 29/6.

Lịch sử đằng sau Eid-al-Adha kể về câu chuyện của nhà tiên tri Ibrahim (còn được gọi là Abraham), trong giấc mơ ông được Allah chỉ dẫn đi xây dựng nền móng của Kaaba (một cấu trúc tựa hình hộp chữ nhật bằng đá đen đặt trong ngôi đền Hồi giáo linh thiêng nhất ở Mecca, Ả-rập Xê-út). Ngay lập tức đáp lại lời kêu gọi của Allah, Ibrahim lên đường đến Mecca cùng với vợ và con trai, Ishmael. Thời điểm đó, Mecca là một sa mạc hoang vắng và cằn cỗi, Ibrahim phải đối mặt với rất nhiều gian khổ. Trong một giấc mơ thần thánh, ông thấy chính mình hy sinh con trai Ishmael vì lợi ích của Allah. Ông nói điều này với con trai, ngay lập tức Ishmael yêu cầu cha mình thực hiện mệnh lệnh của Allah. Lúc này, quỷ Sa-tăng hiện lên, cản trở nhà tiên tri thực hiện mệnh lệnh của Chúa. Đáp lại, Ibrahim đã ném đá vào quỷ Sa-tăng để xua đuổi (hành động ném đá xua đuổi quỷ dữ của nhà tiên tri sau này được các tín đồ Hồi giáo tưởng nhớ và mô phỏng lại bằng nghi thức ném đá ma quỷ trong cuộc hành hương Hajj). Ngay khi Ibrahim chuẩn bị hy sinh Ishmael, Allah đã tha mạng cho cậu bé và thay thế bằng một con cừu. Để tưởng nhớ hành động nhà tiên tri Ibrahim sẵn lòng hy sinh con trai của mình cho Allah, người ta hiến tế cừu, dê, bò trong lễ Eid al-Adha. Do đó, Eid al-Adha còn được gọi là lễ hội Hiến sinh. Lễ hội Hiến sinh diễn ra nhiều nghi thức trọng đại, thiêng liêng như: cầu nguyện, thuyết pháp, hiến tế con vật, ném đá vào cột đá trượng trưng cho xua đuổi quỷ Sa-tăng, đi bộ xung quanh Kaaba ở thánh địa Mecca…

 Ngày lễ này cũng đánh dấu sự kết thúc của Hajj, một cuộc hành hương hằng năm đến thánh địa Mecca ở Ả-rập Xê-út. Đây là cuộc hành hương mà tất cả những người Hồi giáo có thể lực và tài chính có nghĩa vụ phải thực hiện một lần trong đời, người Hồi giáo bắt đầu bằng cách cầu nguyện và đi bộ 07 vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh khối Kaaba nằm trong thánh địa Mecca. Sau đó, họ tập trung ở thành phố Mina thuộc phía Đông thánh địa Mecca để thu thập đá thiêng trước khi tham gia nghi lễ ném đá ma quỷ. Đá thiêng được lấy từ thảo nguyên Muzdalifah, gần thành phố Mina ngay trong ngày trước khi nghi lễ ném đá ma quỷ được tiến hành. Jamarat là điểm dừng cuối cùng của cuộc hành hương Hajj, tại đây tín đồ Hồi giáo thực hiện nghi lễ ném 07 viên đá vào 03 cây cột lớn trong nghi lễ ném đá ma quỷ tượng trưng cho việc xua đuổi quỷ Sa-tăng. Đây là nghi lễ Hồi giáo cuối cùng trong cuộc hành hương Hajj trước khi lễ Eid al-Adha bắt đầu. Cuộc hành hương được cho là để tẩy sạch tâm hồn tội lỗi và khơi dậy cảm giác bình đẳng, tình chị em, tình anh em. Hằng năm, khoảng 03 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố Mecca và Medina ở Ả-rập Xê-út để làm lễ.

2. Lễ Eid al-Adha

Theo phong tục truyền thống, hằng năm, người Hồi giáo bắt đầu lễ Eid al-Adha bằng cách cầu nguyện vào buổi sáng. Sáng ngày thứ nhất, người ta tổ chức một buổi cầu nguyện chung từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ sáng. Để chúc mừng ngày lễ, người ta chào hỏi nhau bằng cách nói “Eid mubarak”. “Mubarak” trong tiếng Ả-rập được dịch là “ban phước” và được hiểu đơn giản là chúc ai đó một ngày lễ hạnh phúc.

 Eid al-Adha là lễ hội hiến tế, nên sau lễ cầu nguyện, người ta tiến hành giết thịt dê, cừu, bò. Thịt sau đó được chia thành ba phần: một phần được chia cho gia đình người làm lễ, phần thứ hai được chia cho họ hàng, làng xóm và bạn bè, còn phần thứ ba được phân phát cho những người nghèo khổ, kém may mắn. Trước khi làm lễ hiến tế, người Hồi giáo phải hô to: “Allah”, bằng cách này, người ta tôn vinh con vật đã hy sinh mạng sống của mình để nuôi sống con người. Giáo luật có quy định đối với người làm lễ hiến sinh và vật hiến tế như sau: những ai muốn thực hiện lễ hiến sinh không được phép nhổ, cắt lông, tóc, móng tay, móng chân của mình từ ngày đầu tiên của tháng Dhu al-Hijjah (tháng 12 theo lịch Hồi giáo) cho tới khi thực hiện xong lễ hiến sinh; đối với vật hiến tế phải thuộc các loài gia súc như: lạc đà, bò, dê, cừu, không được phép hiến tế các con vật khác ngoài chúng. Các con vật dùng làm hiến tế phải đạt được số tuổi theo quy định: đối với cừu phải ít nhất đủ 6 tháng tuổi, dê ít nhất một năm tuổi, bò ít nhất 2 năm tuổi, lạc đà ít nhất 5 năm tuổi. Các con vật hiến tế phải lành lặn, khỏe mạnh không có bất cứ dị tật nào. Chỉ cần một con cừu hay một con dê là đủ để làm lễ cho một gia đình, được phép bảy hộ hiến tế chung một con bò. Với các con vật hiến tế, không được bán bất cứ thứ gì từ con vật hiến tế, khuyến khích chia thịt con vật hiến tế thành 03 phần: một phần để ăn, một phần làm quà biếu, một phần đem phân phát cho người nghèo. Một người được phép đưa tiền và ủy thác cho người khác làm hiến tế thay như: có thể đưa tiền cho tổ chức từ thiện chuyên giết mổ, phân phát thịt hiến tế.

Một khu chợ gia súc phục vụ lễ Aid al-Adha ở Pa-ki-xtan

Thịt các con vật hiến tế được dùng để làm các món ăn mặn đặc trưng của ngày lễ, như: maqluba - món cơm úp ngược với thịt và rau của các quốc gia Ả-rập; rendang - cà ri khô nấu từ thịt bò từ Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a; tagine - thịt gà hoặc cừu nấu với trái cây khô và gia vị của các nước Bắc Phi; kobeba - bánh thịt bò giòn Ai Cập (còn được gọi là kibbeh và kibbe ở các khu vực khác của Trung Đông); biryani - cơm trộn thịt cùng các loại gia vị: quế, đinh hương, tiêu đen, gừng, ớt bột ngọt, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu của Ấn Độ, bolani - bánh mì chiên với nhân khoai tây và hành lá của Áp-ga-ni-xtan… Ngoài tham dự lễ cầu nguyện, làm hiến tế và ném đá ma quỷ, người Hồi giáo còn tham gia các hoạt động như: đi thăm mộ người thân, bạn bè tại nghĩa trang, trình diễn múa truyền thống tận hưởng niềm vui của lễ Eid al-Adha.

Vào lễ Eid al-Adha, mọi người diện những bộ quần áo mới, đẹp nhất để đi chơi, thăm họ hàng, bạn bè. Không có trang phục cố định cho toàn bộ cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, trang phục ở mỗi nơi lại mang cho mình nét truyền thống văn hóa đặc sắc ở nơi đó. Ở Oman, đàn ông mặc Dishdasha, một loại trang phục truyền thống dài đến mắt cá chân, thường có màu trắng, đầu đội mũ Kummah hoặc khăn xếp Massar. Phụ nữ mặc những chiếc váy sặc sỡ cùng khăn trùm đầu, trên tay vẽ những mẫu vẽ henna tuyệt đẹp, làm tôn lên nét nữ tính của người phụ nữ Oman. Ở Pakistan, đàn ông và phụ nữ mặc Shalwaar Kameez truyền thống. Shalwaar là loại quần có độ rộng nhất định ở thắt lưng, dần được thu hẹp lại xuống dưới, trong khi Kameez là một chiếc áo sơ mi dài hoặc áo dài. Đối với người Hồi giáo ở các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE, nam giới mặc trang phục truyền thống gồm có: Thobe, Keffiyeh và Agal trong đó: Thobe (cũng là Gandurah, Disdasha, và Kandura) là một chiếc áo choàng rộng, màu trắng, dài đến mắt cá chân của nam giới; Keffiyeh hay Ghutrah là một loại khăn trùm đầu của nam; Agal là một dải màu đen được sử dụng để giữ cho Keffiyeh ở đúng vị trí. Trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo ở UAE gồm có: Abaya, áo choàng đen dài được mặc bên trên các trang phục, bên dưới lớp áo choàng là Kaftan (còn được gọi là Jalabiya), người ta thêu lên Kaftan những bức tranh nhiều màu sắc nổi bật, đây là phiên bản nữ của Thobe dành cho nam, thay vì Thobe màu trắng của nam giới, trang phục dành cho phái nữ có kiểu dáng và màu sắc nữ tính hơn. Mặc cùng với Kaftan là quần rộng Sirwal và khăn trùm đầu Hijab…

3. Lễ Eid al-Adha trở lại sau đại dịch COVID-19

Cũng giống như các lễ hội ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, Eid al-Adha cũng chịu thay đổi do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Trong những năm vừa qua, cộng đồng Hồi giáo trên thế giới đã, đang tìm những cách mới để ăn mừng lễ Hiến sinh Eid al-Adha cho phù hợp với tình hình của đại dịch COVID-19. Ngay từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo người dân nên hủy bỏ các buổi tụ tập cầu nguyện, thay vào đó là hình thức cầu nguyện trực tuyến. Ở hầu hết các quốc gia, nhà thờ Hồi giáo đóng cửa. Trong trường hợp được mở cửa thì việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, sử dụng thảm cầu nguyện cá nhân được thực hiện nghiêm ngặt. Thánh địa Mecca và Medina ở Ả-rập Xê-út, hằng năm, thu hút khoảng 03 triệu lượt tín đồ Hồi giáo hành hương từ khắp nơi trên thế giới nhưng giờ đây chỉ mở cửa cho tín đồ trong nước. Tại In-đô-nê-xi-a, chính quyền ban hành lệnh cấm đi lại trong nước, dù vẫn cho phép các tín đồ tụ tập để cầu nguyện song Chính phủ nước này yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tại I-rắc, năm 2020, chính quyền đã quyết định áp dụng giới nghiêm từ ngày 30/7 đến ngày 09/8, bao gồm cả ngày lễ Eid al-Adha. Giới nghiêm được thực hiện từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, riêng ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy áp dụng giới nghiêm cả ngày. Ở Pa-ki-xtan, để tránh tập trung đông người, nhiều trang web cung cấp các phương tiện mua hàng trực tuyến phục vụ lễ Eid al-Adha. Để phục vụ cho lễ Hiến sinh, người mua cũng có thể yêu cầu nhà cung cấp giết mổ động vật và giao thịt đến tận nhà, giúp giảm bớt sự đông đúc tại các khu chợ gia súc, tạo điều kiện cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được phát huy hiệu quả. Ở Ấn Độ, Băng-la-đét, nhiều ứng dụng và trang web đã xuất hiện, động vật được bán trực tuyến để hạn chế sự tiếp xúc với virút corona. Lễ Eid al-Adha, năm 2021, cũng được kiểm soát chặt chẽ để có một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Phát huy nét đẹp của lễ Aid al-Adha, một số người Hồi giáo trả giá trị của một con vật cho một trong số các tổ chức từ thiện Hồi giáo trên khắp thế giới thu tiền cho việc hiến tế động vật ở vùng sâu, vùng xa, phân phát thịt cho các nhóm nghèo, bao gồm người tị nạn, người già và người tàn tật.

Bên trong một nhà thờ Hồi giáo ở Nga, nghi thức cầu nguyện được thực hiện với sự tham gia của một số người tối thiểu

Sau 02 năm phải giảm quy mô, thậm chí hạn chế do đại dịch COVID-19, năm 2022, lễ hội Eid al-Adha của cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới đã được tổ chức trở lại. Tuy nhiên, lạm phát cao ở toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi đã là ảnh hưởng đáng kể đến không khí mừng lễ Eid al-Adha. Lạm phát đẩy giá các loại hàng hóa tăng cao khiến nhiều gia đình Hồi giáo phải góp tiền mua chung gia súc để hiến tế, thậm chí cắt giảm các loại mứt, kẹo tiếp khách trong dịp lễ Eid al-Adha. Ở Pa-ki-xtan, lạm phát khiến giá gia súc tăng đáng kể, nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều người Pa-ki-xtan. Tại Tuy-ni-di, lạm phát tăng lên 8,1%, mức cao nhất kể từ tháng 10/1991 khiến người dân giảm tối đa tiêu dùng xuống mức cơ bản nhất. Li-băng vốn đang đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ trước tới nay khi đồng nội tệ mất giá thảm hại, ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình, lễ Eid al-Adha năm nay cũng được tổ chức với phương châm “thắt lưng buộc bụng”. Ở In-đô-nê-xi-a, năm 2022, lễ hội giảm nhiệt do tình hình dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho thương lái. Năm nay, để khuyến khích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đối phó với suy thoái, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đã cho phép người dân nghỉ năm ngày nhân dịp lễ hội Eid al-Adha với hy vọng kích thích nền kinh tế phát triển.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Người Hồi giáo trên thế giới đón lễ Eid al-Adha theo “cách mới”, https://vov.vn/the-gioi/nguoi-hoi-giao-tren-the-gioi-don-le-eid-aladha-theo-cach-moi-1077631.vov

2. Lễ Hajj và Eid al-Adha của Đạo Hồi, https://tinhte.vn/thread/the-big-picture-le-hajj-va-eid-al-adha-cua-dao-hoi.927102/

3. Người Hồi giáo trên khắp thế giới bắt đầu đón lễ Eid al-Adha, https://baoquangninh.com.vn/nguoi-hoi-giao-tren-khap-the-gioi-bat-dau-don-le-eid-al-adha-2398682.html

4. Chùm ảnh ngày lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo giữa đại dịch COVID-19, https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/le-ky-niem-eid-al-adha-cua-nguoi-hoi-giao-giua-dai-dich-covid-19-260173.html?gidzl=4VyHHeOdDdWQwHD6XpmmVH_j4aAURZ0fLBv5HSDdO7zVvXPEmMSoTbs_7qd3QsXr3xfAHJ2lu1G8ZomnVG

5. Gần hai tỷ người Hồi giáo trên thế giới đón lễ Hiến sinh, baonhandan.vn, thứ Hai, ngày 12/08/2019.

 

Thùy Linh