Những đóng góp tiêu biểu trên lĩnh vực văn hóa của Hồi giáo
Ngày đăng: 31/01/2024
Nghi thức cầu nguyện trong thánh đường Hồi giáo
So với các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Bà-la-môn, Phật giáo, Công giáo thì Hồi giáo có tuổi đời muộn hơn rất nhiều, vì vậy mà thần học Hồi giáo cũng như văn hóa Hồi giáo chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi một số tôn giáo ra đời trước đó. Đồng thời, văn hóa Hồi giáo chịu ảnh hưởng khá sâu sắc bởi nền văn hóa ở ba châu lục (Á - Âu - Phi) mà nó “vắt” ngang. Để rồi từ đó sản sinh ra văn hóa Hồi giáo, đa dạng với nhiều nét đặc trưng của ba châu lục, trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến lĩnh vực văn hóa.

1. Kinh Qur’an và triết học Hồi giáo

Kinh Qur’an trong việc hình thành văn hóa Hồi giáo

Kinh Qur’an là kinh điển cơ bản lớn nhất của Hồi giáo, là trái tim, là quyền lực tối thượng trong Hồi giáo. Nội dung của nó bao gồm nhiều phương diện như: tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục tập quán, quy định giáo luật và nguyên tắc giáo lý,... Nó được Hồi giáo lấy làm kim chỉ nam thần thánh trong đời sống tôn giáo và thế tục. Khác với các loại kinh thánh khác, Kinh Qur’an không chỉ đề cập đến các vấn đề thiêng liêng hoặc lịch sử mà còn là một bộ luật đầu tiên và cao nhất của Hồi giáo, chiếm vị trí quan trọng không chỉ trong xã hội mà ngày cả trong chính quyền các quốc gia Hồi giáo. Những điều răn dạy được ghi chép trong Kinh Qur’an là cơ sở để hình thành nên các tập tục và khắc họa nên những nét văn hóa độc đáo tại các quốc gia Hồi giáo mà không nước nào khác có được.

Ngôn ngữ đầu tiên mà Hồi giáo sử dụng là ngôn ngữ A-rập của người Quraysh sống ở Mecca. Các kinh sách quan trọng nhất của Hồi giáo là Kinh Qur’an, các kinh sách Sunnah, Hadith và sách luật Shariah đều được viết bằng tiếng A-rập. Do đó, ngôn ngữ A-rập được coi là ngôn ngữ chính của Hồi giáo, được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia Hồi giáo A-rập. Nhưng Hồi giáo đưa ra một nguyên tắc là để bảo đảm tính thuần khiết của Kinh Qur’an, không để cho kinh bị làm nhơ bẩn, không được dịch Kinh Qur’an ra các ngôn ngữ khác, bắt buộc phải dùng làm ngôn ngữ thông dụng là tiếng A-rập. Sau này, Hồi giáo cho phép được dịch Kinh Qur’an ra các ngôn ngữ khác nhau giúp cho người dân bản địa dễ hiểu ý nghĩa những khi đọc kinh thì bắt buộc phải đọc bằng tiếng A-rập.

Không chỉ là bộ kinh thánh thiêng liêng của tín đồ Hồi giáo, Kinh Qur’an còn là bộ sách tổng hợp tri thức văn hóa, khoa học và nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Bên cạnh những nguyên tắc về tôn giáo quy định nghĩa vụ của tín đồ, Kinh Qur’an còn có những chỉ dẫn về mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội như kinh doanh, hôn nhân, gia đình, các quy tắc về đạo đức,…

Kinh Qur’an còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, có nội dung phong phú, đa dạng, chứa nhiều truyền thuyết sinh động về Hồi giáo. Nó tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nền văn học và văn hóa Hồi giáo, là nguồn cảm hứng cho sáng tác văn học nghệ thuật của nhiều nhà văn, nhà thơ, kiến trúc sư và các nghệ sĩ. Bộ kinh đã ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ A-rập được thống nhất và bảo tồn, được truyền bá rộng rãi trong các nước có Hồi giáo. Hồi giáo được truyền bá đến đâu Kinh Qur’an và ngôn ngữ A-rập được truyền tới đó vì Hồi giáo quy định tín đồ ở bất kỳ nơi đâu đều phải đọc Kinh Qur’an bằng tiếng A-rập. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu và tiếp xúc giữa các nền văn minh và giữa tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới với nhau. Thông qua Kinh Qur’an, ngôn ngữ A-rập được bảo tồn và duy trì sức sống cho đến ngày nay.

Triết học Hồi giáo

Sự kết hợp giữa triết học Hy Lạp, tư tưởng học thuật Ba Tư, Ấn Độ, di sản triết học Đông, Tây với giáo lý Hồi giáo đã tạo nên triết học Hồi giáo. Triết học Hồi giáo chủ yếu bàn đến những vấn đề về tính độc nhất của đấng Allah và mối quan hệ giữa con người với muôn vật, về sự sinh thành của vũ trụ, về sự tiền định của Thượng đế, về mối quan hệ giữa lý tính và tín ngưỡng, giữa thể xác và linh hồn, về vị trí của Kinh Qur’an,… Triết học Hồi giáo gồm triết học tự nhiên và triết học tôn giáo. Triết học tự nhiên mà đại diện là trường phái Aristote coi trọng tri thức khoa học tự nhiên, nhấn mạnh tác dụng của lý tính, lấy những thành tựu khoa học tự nhiên giải thích các vấn đề triết học, đi sát cuộc sống đời thường, chứa đựng nhiều nhân tố biện chứng và duy vật thô sơ, làm cho triết học dần thoát khỏi sự ràng buộc của giáo lý tôn giáo. Còn triết học tôn giáo thì tiếp thu chủ nghĩa Plato mới và quan điểm của các trường phái triết học tôn giáo khác. Có trường phái nhấn mạnh tác dụng của lý tính và tri thức, có trường phái nhấn mạnh tác dụng của khải huyền, nhưng về mặt triết học, các trường phái đó đều có điểm chung là cố gắng điều hòa tôn giáo và triết học, lý tính và tâm linh, làm cho triết học phục vụ tôn giáo.

Mặc dù trong nội bộ hệ thống triết học Hồi giáo có nhiều trường phái khác nhau nhưng họ đều có đóng góp lớn đối với triết học Hy Lạp với chủ nghĩa duy vật cận đại. Triết học Hồi giáo giúp chúng ta hiểu sâu thêm cội rễ sâu xa của nền văn hóa Hồi giáo từ góc độ tôn giáo và triết học.

2. Nghệ thuật Hồi giáo

Nghệ thuật kiến trúc

Giáo luật Hồi giáo cấm thờ tượng ảnh nên kiến trúc của Hồi giáo có nhiều nét đặc thù và khác biệt so với một số tôn giáo khác như Phật giáo, Công giáo, … Công trình kiến trúc Hồi giáo gồm có: thánh đường, nhà cầu nguyện, trường học tôn giáo, đạo tràng Sufi, trong đó thánh đường được xem là biểu tượng của kiến trúc Hồi giáo.

Tất cả thánh đường Hồi giáo trên khắp thế giới dù lớn hay nhỏ và dù ở bất cứ nơi nào cũng phải hội đủ các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt như: phải có chỗ rửa mặt và tay chân sạch sẽ trước khi cầu nguyện, có lễ đường cầu nguyện, sảnh chính, sảnh bên, có hốc nhỏ chỉ hướng Mecca, có bục giảng, có tháp minaret, có nơi còn xây dựng cả nhà tắm hoặc thư viện. Cùng với sự lớn mạnh của đế quốc Hồi giáo, việc xây dựng thánh đường ngày càng trở nên hiện đại, với những thánh đường to lớn với những kỹ thuật thi công đặc biệt. Bên trong thánh đường trang trí đèn chùm, đèn tường, bục giảng được trang trí bằng những câu kinh lấy trong Qur’an được đúc bằng vàng luôn phát ra những ánh sáng lấp lánh.

Nếu như các hệ phái chính thống cơ sở thờ tự là thánh đường, tiểu thánh đường thì hệ phái Sufi, cơ sở thờ tự được gọi là đạo tràng Sufi. Theo tác giả Vương Tuấn Vinh thì: “Đặc điểm chủ yếu của nghệ thuật kiến trúc Hồi giáo là được cấu tạo từ các dạng hình học, hình hoa văn và hình chữ viết. Xét về mặt kết cấu kiến trúc, mỗi nơi có một phong cách khác nhau. Hình thức của Thổ Nhĩ Kỳ là có nhiều tháp nhọn, ở châu Phi thì có hình vuông, ở Syria có hình đa giác, kiến trúc của Iran gắn với hình thức của khu vực Trung Á,…”.

Đặc trưng nổi bật của kiến trúc Hồi giáo trước hết là có các ngọn tháp cao với mái vòm trên các tháp cao đặt loa để phát đi tiếng gọi tín đồ về hành lễ, người hành lễ sẽ hướng về thánh địa Mecca. Trần có vòm lõm để khi đọc kinh thì âm thanh sẽ phát tán xa về phía sau cho người ở xa nhất trong phòng có thể nghe được. Bên cạnh thánh đường thường gắn một ngôi sao và vành trăng lưỡi liềm là biểu tượng của Hồi giáo.

http://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102220147-4.jpeg

Biểu tượng của Hồi giáo trên ngọn tháp thánh đường

Những thánh đường trung tâm có thể có đến sáu cái tháp đứng bên cạnh ngôi thánh đường thấp hơn và rộng hơn; bên trong là một cái sân rộng rãi để cho tín đồ cầu nguyện. Ở đó thường có một bể nước để dùng vào việc thanh tẩy trước khi cầu nguyện và đó cũng là nơi hội họp của cộng đồng. Với kiến trúc như vậy, thánh đường Hồi giáo thể hiện rất rõ hai định hướng của Hồi giáo hướng đến Thượng đế và cộng đồng tín đồ, được biểu tượng bằng thánh địa Mecca là trung tâm trên trần thế.

Kiến trúc điển hình của một thánh đường Hồi giáo lấy cảm hứng từ ngôi nhà A-rập với một cái sân rộng rãi và từ các nhà thờ Công giáo với hai hàng cột ở những vùng đất mới chinh phục được. Được trang trí đơn giản hơn rất nhiều so với nhà thờ Công giáo và các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khác, nhưng vẫn gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Thánh đường Hồi giáo phản ánh rõ nét sự chân phương và vẻ uy nghi của Hồi giáo và Thượng đế tối cao. Hồi giáo không thờ ảnh tượng của Allah và các thần thánh nên bên trong và bên ngoài thánh đường luôn luôn để trống, không có hình tượng. Thánh đường Hồi giáo là nơi để họp mặt của các tín đồ để cầu nguyện tập thể. Người Hồi giáo quan niệm ai cũng có thể cầu xin trực tiếp với Thượng đế nên không cần qua một số chức sắc làm trung gian. Hình ảnh cây chà là và các loại cây hoa leo được trang trí trên những cây cột thánh đường Hồi giáo.

Loại hình kiến trúc của Hồi giáo còn có trường học tôn giáo và lăng mộ. Trường học tôn giáo (Madrassa) xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XI ở phần phía Đông của thế giới Hồi giáo. Loại hình kiến trúc này thường có một sảnh lớn ở chính giữa, một số phòng bên làm lớp học, chủ yếu dùng để giảng dạy và nghiên cứu tôn giáo, xã hội, tư pháp trên cơ sở Kinh Qur’an và thánh huấn. Đặc trưng của kiến trúc lăng mộ là nóc tròn, về sau nóc tròn được áp dùng vào xây thánh đường.

Nghệ thuật hội họa

Hội họa ở đây là hội họa thánh, nghĩa là những tác phẩm sáng tác trong và cho cơ sở thờ tự Hồi giáo. Cùng với tiến trình Hồi giáo phát triển, thống nhất là quá trình xác lập hội họa Hồi giáo. Đây là một loại hình nghệ thuật không thuộc về một nước, một dân tộc mà của thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên cùng với nét chung căn bản thì mỗi nước, mỗi dân tộc, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, nền tảng của thẩm mỹ mà hình thành nên phong cách nghệ thuật khác nhau. Nghệ thuật hội họa Hồi giáo với đặc điểm nổi bật, cũng là ba phong cách tiêu biểu của ba nước: Ai Cập, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là ba trụ cột lớn của nghệ thuật Hồi giáo, ba phong cách thể hiện hết sức đầy đủ đặc trưng các phương diện hội họa, thư pháp, trang trí Hồi giáo,…

Người A-rập rất hâm mộ toán học, thiên văn học, và những tri thức khác của La Mã cổ, Hy Lạp cổ. Họ vận dụng thành công nguyên lý hình học vào trong tiết tấu của vận luật, của thi ca và âm nhạc, đồng thời còn áp dụng một cách tài tình vào trong hội họa, thư pháp và thiết kế trang trí, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, phong phú. Nghệ thuật Hồi giáo là sự hòa trộn sứ mệnh của Allah, lời Kinh Qur’an, thư pháp chữ A-rập. Loại hình nghệ thuật này thường vượt qua không gian ba chiều, giàu tính trừu tượng của triết học. Thiết kế họa tiết trang trí là một ví dụ, người ta thường dùng họa tiết dây leo, hoa lá, họa tiết đường nét hình học, người phương Tây gọi đó là trang trí theo kiểu A-rập. Họa tiết dù là hoa lá hay hình học đều hướng tới vô hạn, giống như không gian vô tận của vũ trụ thiên thể bao la, thể hiện đậm nét tâm hồn rộng lớn của người dân du mục sống trên dải đất rộng lớn từ bán đảo A-rập đến sa mạc mênh mông Ai Cập, Trung Á.

Nghệ thuật hội họa Hồi giáo chứa đựng trong đó tính mỹ học Hồi giáo, bởi vì văn minh Hồi giáo là xây dựng trên cơ sở mỹ học Hồi giáo. Vào thế kỷ XII, XIII khi mà châu Âu đang chìm trong thời trung cổ thì thế giới Hồi giáo lại có những cống hiến rất lớn lao cho văn minh nhân loại mà nghệ thuật hội họa là một bộ phận cấu thành. Nghệ thuật Hồi giáo chú trọng đến tính thống nhất của nội dung và hình thức. Họ cho rằng cái đẹp có liên quan đến cảm giác nhưng cũng liên quan đến tâm linh, tiêu chuẩn chủ yếu của cái đẹp là sự cân xứng, thống nhất và hài hòa.

Nghệ thuật thư pháp

Nghiên cứu về nghệ thuật thư pháp Hồi giáo không thể không bắt đầu từ hai nhân tố quan trọng: chữ viết và Kinh Qur’an. Ngôn ngữ và toàn bộ Kinh Qur’an hết sức trau chuốt, vận luật chặt chẽ, từ ngữ điêu luyện, được Hồi giáo tôn xưng là kỳ tích bất hủ của A-rập. Quá trình sao chép Kinh Qur’an không chỉ đòi hỏi phải chuẩn xác, đúng quy phạm mà còn phải viết đẹp, dễ đọc, tạo sự hấp dẫn cũng như gây được tính thiêng liêng. Để làm sao cho mọi người cảm thụ được cái đẹp, làm tăng thêm ánh hào quang cho văn minh tinh thần của Hồi giáo.

Trải qua thời gian, thư pháp Hồi giáo vượt ra khỏi sự sao chép Kinh Qur’an đi vào đời sống dân sinh. Các nhà nghệ thuật Hồi giáo đem thư pháp ứng dụng vào các lĩnh vực nghệ thuật tạo hình như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, gốm sứ, dệt may,... làm cho các sản phẩm này mang cái hồn của Hồi giáo. Nghệ thuật thư pháp Hồi giáo tiếp thu văn minh phương Đông và phương Tây để phát triển và phong phú. Khi giao lưu với văn hóa Trung Hoa, họ tiếp thu hội họa hoa cỏ, chim thú áp dụng vào nghệ thuật thư pháp, một số lối viết tạo hình thú hay chim,... đưa cái đẹp thiên nhiên hòa trộn vào thư pháp  tạo cho thư pháp sinh khí mới được người dân hoan nghênh. Thư pháp còn được đưa vào công nghệ khảm trai, khảm bạc, dát vàng,... khiến nó dần dần trở thành nghệ thuật Hồi giáo độc đáo, tạo vị thế xứng đáng trong kho tàng nghệ thuật thế giới.

3. Văn học Hồi giáo

Nhắc đến văn học Hồi giáo, người ta thường nói đến văn học Sufi (Sufi là một phái thần bí chủ nghĩa trong lòng Hồi giáo). Văn học Sufi là văn học do các lãnh tụ và những người truyền bá phái Sufi thần bí vận dụng hình thức văn thơ, thơ ca, văn xuôi, truyện kể,... để biểu đạt tín ngưỡng, tư tưởng triết học, quá trình tu luyện nội tâm và cả những thể nghiệm của mình. Văn học Sufi được sản sinh ra từ văn học A-rập và phát triển thành một loại hình văn học độc lập. Do Sufi là một giáo phái thần bí nên văn học Sufi mang sắc thái thần bí đậm nét. Văn học Sufi có những đặc điểm nổi bật là: Biểu đạt tín ngưỡng trung thành của phái Sufi đối với Allah độc nhất, bao gồm tình yêu thần thánh, kiên định khổ luyện tu hành để được hợp nhất với Chân Chúa, và những thể nghiệm trong các giai đoạn tu trì khác nhau; ca ngợi tiên tri Muhammad luôn tưởng nhớ về thánh địa; tuyên truyền những phẩm chất tốt đẹp của Hồi giáo. Phái Sufi trọng tinh thần trọng trực giác, họ xem tâm linh là một thế giới rộng lớn, hiểu được tâm linh là con đường duy nhất của nhận thức, văn học của họ rất chú trọng về miêu tả và phân tích tâm lý. Văn học Sufi có khuynh hướng nội tâm rất đậm.

Văn học Sufi không đặt nhiệm vụ cho mình phải miêu tả thế giới bên ngoài mà dành nhiều tâm trí, dụng công khắc họa những ý nghĩa và cảnh giới của thể nghiệm nội tâm, những xao động linh hồn, mà cảm quan phi lý tính cảm nhận được. Ngôn ngữ của văn học Sufi độc đáo, nhà thơ dùng ngôn ngữ mông lung hoặc trong suốt, thông tục hoặc quái dị, đau khổ hoặc hy vọng,... để diễn đạt hành trình đi tìm kiểu ý nghĩa của sự sống và thời gian, tiền định và số mệnh con người. Văn xuôi cũng là một trong hai trụ cột chính của văn học Sufi. Văn xuôi Sufi đa dạng về hình thức như: điếu văn, cách ngôn, thư tín khuyên răn, lời cầu nguyện, độc thoại nội tâm,...

Trong quá trình phát triển, văn học Sufi đã vượt ra ngoài biên giới A-rập, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa Hồi giáo. Văn học Sufi góp phần thúc đẩy phát triển văn học A-rập, cải cách nội dung truyền thống, tạo nên thư pháp nghệ thuật mới. Vì vậy văn học Sufi được mọi người nhìn nhận là tinh túy và đỉnh cao của văn học A-rập.

Bên cạnh đó, bộ truyện “Nghìn lẻ một đêm” cũng là tác phẩm điển hình của văn học Hồi giáo. “Nghìn lẻ một đêm” được ví như viên ngọc lấp lánh của văn học dân gian A-rập nhưng không hoàn toàn là những câu chuyện của A-rập. Nó được hình thành với ba nguồn gốc: những câu chuyện của Ấn Độ và Ba Tư nhuốm đậm tính huyền thoại, những câu chuyện của Iraq, những câu chuyện Ai Cập (gồm nhiều truyền thuyết thần thoại và mạo hiểm, được viết từ thế kỷ XIII - XIV). Đồng thời những câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm” còn chịu ảnh hưởng bởi bốn tôn giáo: Hồi giáo, Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Bái hỏa giáo. Tuy nhiên Hồi giáo là tôn giáo chiếm vị trí chủ đạo và xuyên suốt. Các câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm” thấm đượm tình cảm Hồi giáo trong từng con chữ, từng câu văn. Bất kỳ lúc nào và ở đâu người đọc đều cảm nhận sự ca tụng Hồi giáo và tinh thần của nó. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc và chủ đạo từ Hồi giáo nên nhiều nhân vật chính trong tập truyện được dựng lên với niềm tin tuyệt đối vào Allah, phục tùng Thượng đế nên có được sức mạnh và dũng khí. Tinh thần Hồi giáo gia tăng thêm sắc thái tình cảm hữu ái khoan dung, khiến cho các nhân vật chính dù rơi vào tình huống như thế nào cũng không kết cục bi thảm, nhìn chung là công chính, viên mãn. “Nghìn lẻ một đêm” từ chỗ là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian đến chỗ được hình thành sách (thế kỷ XVI) phải mất 8 thế kỷ. Đây là giai đoạn Hồi giáo từ chỗ cực thịnh đến suy vi.

Có thể nói, ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo đã lan tỏa ngoài khu vực mà nó xuất hiện với những công trình kiến trúc Hồi giáo, thành tựu về văn học, nghệ thuật, toán học, thiên văn học, địa lý học,… đóng góp to lớn cho văn hóa nhân loại. Trong lĩnh vực thần học và triết học, người Hồi giáo cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng và đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ tư tưởng phương Tây. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ dẫn dắt thế giới trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, y học,… Hồi giáo dần mất đi sức vươn lên mạnh mẽ của mình do các lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở xã hội Hồi giáo. Giới tu sỹ cho rằng mình có quyền diễn dịch Kinh Qur’an theo ý mình, còn giới cầm quyền sợ rằng sự tự do trong việc mở mang trí tuệ sẽ đe dọa quyền lực độc tài của họ. Giới trí thức Hồi giáo, vì vậy, đã co mình lại chỉ biết đi theo những gì mà một vài học giả đã diễn giải kinh sách thay vì nghiên cứu kỹ và tìm kiếm chỉ dẫn từ Kinh Qur’an. Bên cạnh đó, một số tín đồ Hồi giáo cho rằng khoa học kỹ thuật và tiến trình hiện đại hóa sẽ dẫn đến sự thế tục hóa Hồi giáo, làm cho xã hội Hồi giáo mất đi bản sắc và bị “Âu hóa”, từ đó tìm cách chống đối lại tiến trình hiện đại hóa ở một số xã hội Hồi giáo.

Minh Thu