Đồng bào dân tộc, tôn giáo đoàn kết vượt khó
Ngày đăng: 21/11/2022
Thức dậy từ tờ mờ sáng, bà Phùng Kim Phụng (dân tộc Hoa, ngụ phường 6, quận 11, TPHCM) sắp xếp gọn gàng nguyên liệu rồi đẩy xe nước sâm ra trước cửa nhà. Bộ dụng cụ bán nước sâm là phương tiện mưu sinh chính của gia đình bà Phụng, được Ban Dân tộc TPHCM phối hợp địa phương hỗ trợ cách đây vài tháng. Nhờ đó, bà Phụng có nguồn thu nhập ổn định hàng ngày, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước.

Đồng hành chăm lo người khó khăn

Gia đình bà Kim Phụng thuộc diện hộ nghèo, trải qua đợt dịch Covid-19, cuộc sống càng khó khăn hơn. Đầu năm 2022, gia đình bà được tặng phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn và nhiều sự chăm lo khác để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Mới đây, bà còn được tặng nhà tình thương. “Chúng tôi được tặng bảo hiểm y tế, đứa cháu đi học được nhận học bổng nên gia đình không phải lo lắng như trước nữa”, bà Phụng bày tỏ.

Còn chị Bạch Thị Hồng Cúc (dân tộc Mường, ngụ quận Tân Bình) đang theo học lớp cao học tại Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, chính sách hỗ trợ học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số đã giúp chị rất nhiều trong việc trang trải học phí. “Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và mạnh thường quân đã giúp tôi có thêm động lực để cố gắng phấn đấu. Hiện tại tôi đã học xong chương trình và đang làm luận văn tốt nghiệp”, chị Hồng Cúc chia sẻ.

Theo ông Trần Chí Vĩ, Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc TPHCM, thời gian qua, Ban Dân tộc TPHCM phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thoát nghèo, khuyến học, khuyến tài.

Ngoài ra, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc vào các dịp tết cổ truyền cũng được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc TPHCM phối hợp TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức hỗ trợ chi phí học tập, tặng hàng trăm suất học bổng cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên dạy tiếng dân tộc; miễn học phí với học sinh đồng bào dân tộc Chăm, Khmer; chính sách hỗ trợ học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo

Theo ông Trần Chí Vĩ, bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, việc tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng cách trao các phương tiện sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm được xác định là những giải pháp bền vững, lâu dài. “Thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng, thế mạnh kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như có các biện pháp khuyến khích, động viên các doanh nhân, doanh nghiệp là đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng luôn cố gắng đa dạng các hình thức chăm lo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, từ trẻ em đến người già, phụ nữ…, cố gắng để không trường hợp nào bị đói, nghèo, không đủ điều kiện sống”, ông Trần Chí Vĩ chia sẻ.

Sống “tốt đời, đẹp đạo”

Vừa trở về sau chuyến khám bệnh, tặng quà người dân khó khăn tại tỉnh Nghệ An cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 8, Hòa thượng Thích Chơn Tịnh, Trụ trì chùa Thường Quang (quận 8) cùng các phật tử lại tất bật chuẩn bị cho hoạt động trao học bổng trẻ mồ côi. Nhiều năm qua, chùa Thường Quang luôn đồng hành cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 8, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 cùng các tổ chức chính trị xã hội quận chăm lo người dân khó khăn. Nhất là trong đợt dịch Covid-19, các chuyến hàng tặng nhu yếu phẩm, rau củ quả, gạo, tiền luôn được Hòa thượng Thích Chơn Tịnh và phật tử chuyển đến các khu cách ly, khu nhà trọ đông người lao động. Chùa Thường Quang cũng thường xuyên thực hiện các chuyến khám bệnh phát thuốc, xây cầu, xây nhà, mổ mắt cho người nghèo… ở các vùng nông thôn.

Khi dịch Covid-19 xảy ra tại TPHCM, nhiều nhà sư, tăng ni, linh mục, tu sĩ, tình nguyện viên là tín đồ các tôn giáo cũng tích cực tham gia chống dịch. Có thể kể đến Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành (Dương Thị Hường), hội viên Hội Cựu chiến binh quận 3, Trụ trì chùa Vĩnh Xương. Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành đã cùng tăng ni, phật tử tổ chức “ống gạo ATM tình thương” phát hơn 3 tấn gạo, nấu hơn 12.000 suất ăn phục vụ bà con khu cách ly, tặng hơn 6 tấn rau củ quả phục vụ người nghèo. “Bếp ăn từ thiện chùa Vĩnh Xương” cũng ra đời, nấu hơn 20.000 suất ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

Theo Ban Tôn giáo TPHCM (Sở Nội vụ TPHCM), thời gian qua, tín đồ các tôn giáo luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và đồng hành cùng thành phố trong tất cả các hoạt động. Các tổ chức tôn giáo còn tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện, góp phần vào công tác an sinh - xã hội, như: tích cực tham gia và luôn đi đầu trong hưởng ứng cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, lãnh đạo các tôn giáo, tổ chức tôn giáo cũng tích cực chung tay cùng thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với nhiều hoạt động. Hàng ngàn chức sắc, tín đồ và người có đạo không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh đăng ký tham gia tình nguyện công tác tại các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân để tham gia cùng đội ngũ bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19.

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Kết nối tình đồng đạo, nghĩa đồng bào

Thời gian qua, hầu hết các hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp tại thành phố đều kêu gọi, huy động được các tôn giáo và đồng bào dân tộc cùng tham gia. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo và đồng bào dân tộc luôn quan tâm, chia sẻ với những trường hợp khó khăn, yếu thế, cùng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố. Đó là việc tặng nhu yếu phẩm người khó khăn, chăm lo trẻ mồ côi do dịch Covid-19, sửa chữa xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ phương tiện sinh kế... Qua đó, đồng bào dân tộc và các tôn giáo tại TPHCM đã giúp người khó khăn thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Trong đợt dịch Covid-19, những hành động tốt lành và nghĩa cử cao đẹp của các tôn giáo và đồng bào dân tộc đã kết nối tình đồng đạo, nghĩa đồng bào cùng cả hệ thống chính trị nâng cao tinh thần quyết tâm chống dịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đã đề ra.

-----------------------------------------

Những năm qua, với chủ trương đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có môi trường hoạt động tốt, TPHCM đã hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công đại hội theo nhiệm kỳ, bầu ra chức sắc lãnh đạo là những người ưu tú để lãnh đạo tinh thần, dẫn dắt giáo hội đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố trong mọi hoạt động. Đặc biệt, việc tổ chức thành công đại hội trong năm 2022 như: Đại hội đại biểu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM; Đại hội đồng của các tổ chức Tin Lành; Đại hội nhơn sanh của các tổ chức Cao Đài; Đại hội nhiệm kỳ của Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TPHCM. Các dịp lễ trọng như Đại lễ Phật đản,Vu Lan của Phật giáo; Phục sinh, lễ Giáng sinh của khối Kitô giáo… luôn được thành phố quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật… Qua đó, TPHCM đã tạo được sự tin tưởng của chức sắc vào chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; thực hiện sống “tốt đời, đẹp đạo” cùng nhau xây dựng thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Theo sggp.org.vn