Đền Đồng Nhân, Hà Nội ghi nhớ công lao của Hai Bà Trưng, nữ Anh hùng của dân tộc
Ngày đăng: 05/10/2023
Đền Đồng Nhân xưa (hay đền Hai Bà Trưng) là ngôi đền cổ nằm trên đất bãi Đồng Nhân bên bờ sông Hồng, Hà Nội thờ hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đền Đồng Nhân cùng với đình, chùa là quần thể di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2020.

1. Khái quát về hai vị nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị

Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị  quê ở Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội). Vào những năm 40 sau Công nguyên, khi nhà Đông Hán cai trị hà khắc nước Lĩnh Nam (Việt Nam ngày nay), thái thú nhà Đông Hán là Tô Định đã giết hại Thi Sách (chồng bà Trưng Trắc) khi đó làm quan ở quận Giao Chỉ. Hận giặc đàn áp Nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán và được dân chúng ở các nơi hưởng ứng. Sau khi lấy được 65 huyện thành (toàn bộ lãnh thổ Lĩnh Nam hồi đó), Trưng Trắc xưng làm vua. Năm 42, nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện đem quân sang chiếm lại nước Lĩnh Nam, lực lượng của hai Bà yếu thế hơn buộc phải rút về Cấm Khê (nay thuộc huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội) cầm cự gần một năm. Biết không chống đỡ nổi thế quân giặc, Hai Bà rút quân tiếp về địa phận đền Hát Môn (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội) và gieo mình xuống sông Hát tự vẫn vào ngày 6/02 Âm lịch.

Như vậy, sau 03 năm kiên cường chống quân xâm lược phương Bắc (40-43), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã thất bại, song, để lại cho dân tộc tấm gương trung trinh của hai nữ Anh hùng, làm rạng ngời ý chí và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam. Sau này, nhân dân dựng đền để thờ Hai Bà và lễ hội đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội tưởng nhớ hai liệt nữ Anh hùng đó.  

2. Đền Đồng Nhân - nơi thờ tự Hai Bà Trưng

Đền Đồng Nhân cách đường Nguyễn Công Trứ khoảng 500m, là một trong ba ngôi đền nổi tiếng thờ Hai Bà Trưng (ngoài đền Đồng Nhân còn có hai đền ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và đền ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội). Theo truyền thuyết dân gian và tư liệu lịch sử, vào đời Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba (1142) có pho tượng đá nổi trên dòng Nhị Hà, tỏa sáng cả một khúc sông, thuyền bè không dám đến gần. Vua Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Theo ý của các bô lão, người ta lấy vải đỏ buộc vào tượng, làm lễ rồi rước vào. Đó là một pho tượng cao lớn, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay chỉ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Sau đó, Vua cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng ở ngay khu đất bãi sông của làng Đồng Nhân. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bị xói lở nên dân làng phải dời ngôi đền tới khu “cựu Võ sở” (nơi luyện võ thời Lê) thuộc thôn Hương Viên và vẫn giữ tên đền cũ đến ngày nay. Nhiều thế kỷ qua, đền Đồng Nhân là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất kinh thành Thăng Long. 

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102184303-1.jpeg

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa đền Hai Bà Trưng bao gồm các hạng mục chính: đình Đồng Nhân, đền thờ Hai Bà Trưng và chùa Viên Minh. Từ phố Hương Viên qua cổng nghi môn là vào cụm di tích với bốn cột trụ gạch đồ sộ; bên trái là ngôi chùa thờ Phật, tên chữ Viên Minh tự và tấm bia lớn đặt trên lưng rùa dưới bóng cây cổ thụ; bên phải là đình thờ Thành hoàng làng Đồng Nhân với hai tầng tám mái. Nhà tiền tế bảy gian có hàng hiên thấp mái rộng, từ sân trước lên hiên gạch có thềm rồng, các bậc ở giữa có bức phù điêu bằng đá chạm cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn nữ binh đuổi quân giặc Hán. Tiền tế nối với hậu cung bằng tòa thiêu hương xây hai tầng tám mái. Hành lang bên trái có cửa thông sang chùa Viên Minh áp sát tường. Đền Đồng Nhân được xây theo kiểu nội công ngoại quốc trong một khuôn viên khoảng 4.000m2. Trước mặt đền là nguyệt hồ lớn, xung quanh cây cối xanh tươi. Cuối thế kỷ XX, hồ Hương Viên được xây kè đá và đường trải nhựa bao quanh hồ. Năm 2001, một trai đường năm gian bằng gỗ tốt được xây dựng ở phía sau hậu cung trên nền khá cao, có cửa nhìn ra sân sau. Ngôi đền và chùa Viên Minh được trùng tu, mở mang từ cuối năm 2014.  

Tại sảnh tiền tế bày tượng thờ hai con voi có ngà thật bằng gỗ sơn đen châu đầu vào gian giữa. Giáp tường hồi có bia đá và các văn bản giới thiệu di tích. Trong tòa thiêu hương đặt ngai thờ và một bức khảm thể hiện hình Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Ở hậu cung có tượng Trưng Trắc mặc áo vàng, và Trưng Nhị mặc áo đỏ cùng sáu nữ tướng dàn hai bên, gồm tượng Lê Chân, Hòa Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính. Hiện nay, trong đền vẫn còn giữ được khá nhiều các đồ tế sơn son thếp vàng như bát bửu, lộ bộ, các bức hoành phi, câu đối có niên đại thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nội dung ca ngợi công đức Hai Bà Trưng. Trên sân rộng trước bái đường có tấm bia Trưng Vương sự tích bi ký, văn do TS. Vũ Tông Phan, một nhà giáo nổi tiếng của Hà Nội soạn năm 1840. Bia khắc chữ một mặt, khổ 105cm x 153cm. Toàn văn gồm 13 dòng chữ Hán dài 400 chữ, nội dung ca ngợi uy danh lẫy lừng khắp Lĩnh Nam của Hai Bà trong việc đánh bại đội quân hùng mạnh Mã Viện, làm cho người Hán phải mất ăn mất ngủ. 

Ngày 04/4/2026, tại sân đền Đồng Nhân, đông đảo nhân dân Hà Nội long trọng tổ chức lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh thể hiện tinh thần đoàn kết chống thực dân ngay giữa thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp.

Đền Đồng Nhân được Bộ Văn hóa công nhận công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1962.

3. Lễ hội đền Đồng Nhân

Lễ hội đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân Hà Nội, diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 6/02 hằng năm. Lễ hội gồm hai phần:

Phần lễ

Bắt đầu bằng lễ mở cửa đền vào ngày sáng mùng 3. Sáng ngày mùng 4, các cụ ông phường Đồng Nhân trong trang phục truyền thống làm lễ bao sái đồ thờ và lễ tế yết xin đức Thánh khai hội. Sau đó, là lễ dâng cúng trà rượu vào hậu cung theo tục lệ xưa do các cụ bà đảm nhiệm. Tiếp theo đội tế nữ phường Đồng Nhân làm lễ dâng hương. Sáng ngày mùng 5, tổ chức đoàn rước kiệu trong tiếng trống, tiếng chiêng và cờ quạt, tán lọng rực rỡ. Đoàn rước đi ra đường Nguyễn Công Trứ rồi tiến về bờ sông Hồng đến miếu thờ Hai Bà ở đường Bạch Đằng thì dừng kiệu. Đội rước nước khiêng 2 chóe xuống thuyền đã chờ sẵn, rồi chèo thuyền ra giữa dòng sông Hồng (nơi tượng của Hai Bà nổi trước kia) múc nước vào đôi chóe. Nước đem về được nấu với trầm hương để làm lễ tắm tượng và dâng cúng Thánh. Tiếp đó, đội rước nước chèo thuyền vào bờ rồi nhập vào đoàn rước chính để trở lại đền. Khi đoàn rước đã yên vị tại đền, đội tế nữ làm lễ dâng hương lễ Thánh.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102184303-2.jpeg

Sau tuần tế là tiết mục múa đèn (tiết mục đặc sắc nhất của phần lễ) được thực hiện bởi mười cô gái độ tuổi thanh xuân, tầm vóc giống nhau, mặc áo dài đen, quần hồng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn lụa màu. Mỗi người cầm trên tay hai cây đèn làm bằng đài gỗ, dán giấy màu xung quanh và thắp nến cháy sáng sắp thành hàng trước hương án và múa uyển chuyển, lúc lên lúc xuống, lúc đan xen, lúc tách hàng theo tiếng trống cơm nhịp nhàng, duyên dáng dưới sự dẫn dắt của hai cô gái đánh bồng (do nam giới cải trang). Đến tối, lễ mộc dục được diễn ra khoảng 19 giờ với lễ lục cúng do các vị sư làm lễ, dâng sáu lễ vật gồm: hương, đèn, hoa, oản, trà và quả. Ngoài ra, bà con ở địa phương còn mang lễ vật là các loại hoa trái, bánh chưng, bánh dày đến dâng lễ tại đền.

Phần hội

Ngày mùng 6 là chương trình biểu diễn hoạt cảnh, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tiếp đó tổ chức lễ mít tinh và đón người của các xã về dự hội. Theo tục lệ truyền thống, đúng 12 giờ trưa, cỗ chay của ông chủ cỗ và của dân làng được rước vào để làm lễ Thánh. Sau đó là lễ tế hội đồng của bốn xã, phường kết chạ là: Đồng Nhân, Mê Linh, Hát Môn, Phụng Công.  Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội đóng cửa đền của đội tế nam Đồng Nhân vào lúc xế chiều. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: chương trình biểu diễn nghệ thuật, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, hát quan họ trên thuyền, hát chầu văn, biểu diễn võ thuật, múa roi, thi đấu cờ, chọi gà... Hết ngày mùng 6/02 kết thúc hội, dâng hương và đóng cửa đền.  

Lễ hội đền Đồng Nhân được tổ chức hằng năm nhằm hướng cho con cháu đời sau luôn nhớ về cội nguồn, không quên ơn các vị Anh hùng dân tộc đã có công chống giặc giữ nước. Lễ hội từ lâu đã đi sâu vào tâm khảm người Việt. Hằng năm, ngoài dịp lễ hội, đền Đồng Nhân còn mở cửa thường xuyên cho du khách viếng thăm. Đặc biệt, trong những ngày Tết, Nhân dân Thủ đô và khách thập phương nườm nượp đến đây tưởng niệm công đức Hai Bà Trưng, chiêm bái ở hai bên đền các ban thờ Phật, thờ Mẫu trong chùa Viên Minh và ban thờ Thành hoàng trong đình làng Đồng Nhân.

Nguyễn Lê