Cơ sở tín ngưỡng Chiêu Ứng tự góp phần đa dạng bức tranh văn hóa trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Ngày đăng: 05/09/2023
Người Hoa đến buôn bán, giao thương tại Việt Nam từ rất sớm, dần dần hình thành các khu phố khách (Chinatowns) như đã hình thành tại đô thị thương mại Vân Đồn thế kỷ XV, đô thị Phố Hiến thế kỷ XVI, đô thị Hội An thế kỷ XVII và Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ XVIII, XIX. Vào đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, do những thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, triều Nguyễn đã chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ duy nhất để giao thương, trao đổi buôn bán với thế giới. Vì thế, một số thương nhân người Hoa cũng dần chuyển hướng đến buôn bán và định cư tại Đà Nẵng. Người Hoa định cư tại Đà Nẵng đến từ 05 bang của Trung Quốc là: Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Sùng Chính (Hẹ) (nên còn được gọi là ngũ bang). Người ở mỗi bang lại mang nhiều nét văn hóa riêng biệt, góp phần phân biệt với các cộng đồng khác. Cộng đồng người Hoa ở Thanh Khê có 362 người, chủ yếu đến từ Hải Nam, tập trung sinh sống tại phường Thạc Gián, Vĩnh Trung. Tại Thanh Khê, cộng đồng người Hoa Hải Nam đã xây dựng cơ sở tín ngưỡng Chiêu Ứng tự, vừa là nơi thờ Chiêu Ứng Anh liệt, vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của người Hoa Hải Nam tại địa phương. Tục thờ cúng 108 vị Chiêu Ứng Anh liệt đã trở thành đặc trưng văn hóa và cũng là đặc điểm nhận dạng của cộng đồng người Hoa Hải Nam.

1. Nguồn gốc hình thành cơ sở tín ngưỡng Chiêu Ứng tự

Từ khi đặt chân đến Đà Nẵng, người Hoa Hải Nam sinh sống tập trung, cùng buôn bán, làm ăn và sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Bà (Thiên Hậu Cung, Hải Châu, đây là nơi sinh hoạt của cộng đồng người Hoa ngũ bang). Trong quá trình sinh hoạt tín ngưỡng, các vị cao niên nhận thấy cần có một địa điểm sinh hoạt riêng cho cộng đồng người Hoa Hải Nam, nên các ông: Phan Tiên Vạn, Phan Chánh Phát, Cao Vinh Sanh, Lâm Tiêu Bảng, Phan Thác Sơn và Diệp Thái đã bàn bạc và đứng ra làm người đại diện, quyên góp tiền bạc mua một khu đất rộng 1.500m2 tại khu phố Thạc Gián, nay là phường Thạc Gián (vị trí Chiêu Ứng tự hiện nay có địa chỉ tại số K47/19 đường Lý Thái Tổ). Năm 1970, sau 2 năm xây dựng, Quỳnh Phủ Hội quán hay còn gọi là Hội quán Hải Nam, nay là Chiêu Ứng tự đã xây xong. Trải qua quá trình phát triển, cơ sở Chiêu Ứng tự đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa, lần hoàn thiện gần đây nhất là năm 2015.

Cộng đồng người Hoa Hải Nam đã bầu ra Ban Trị sự để giúp công tác quản lý, lo việc thờ cúng, đối nội, đối ngoại của Hội quán. Hội quán là một hình thức tổ chức hội đồng hương của người Hoa, trước năm 1975 là gọi là bang, sau này đổi hình thức thành hội quán. Hội quán và cơ sở tín ngưỡng được hòa làm một, thực hiện chức năng của một tổ chức xã hội và tín ngưỡng, là không gian văn hóa thỏa mãn nhu cầu nhiều mặt như: sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nơi gặp gỡ trao đổi làm ăn, nơi diễn ra các ngày lễ, tổ chức biểu diễn múa lân và các hình thức nghệ thuật đặc sắc khác.

 Từ năm 2018, thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Trị sự Chiêu Ứng tự được tổ chức bầu cử theo nhiệm kỳ, ban hành quy chế hoạt động, bầu ra trưởng ban, phó ban phụ trách tổng vụ, tài vụ, phúc lợi, giao tế, cúng tế và kỹ thuật, hiện nay, bà Phan Thiếu Vân làm Trưởng Ban trị sự nhiệm kỳ 2019-2024.

2. Kiến trúc của Chiêu Ứng tự

 

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102195046-1.png

Chiêu Ứng tự có quy mô khá lớn, gồm: cổng tam quan, đình bát giác và chính điện. Cổng tam quan có phần cửa chính giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên, được xây bằng gạch, đá kiểu mái hai tầng đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, trong đó, mái gian giữa cao, hai bên thấp, góc mái làm cong uốn ngược gọi là đao quật được trang trí: rồng, phượng, thực vật, phong cảnh, chữ Hán, hình học, tượng thần tam đa (Phúc - Lộc - Thọ)… Trên đỉnh là tượng đắp sành “lưỡng long chầu nhật” còn được ví như sự hài hòa của hai cực Âm - Dương trong vũ trụ. Hình ảnh mặt trời được nằm chính giữa tượng trưng cho, ánh sáng được quy tụ thiêng liêng góp phần đem đến sự hưng thịnh, sức sống mạnh mẽ cho con người. Trên lối vào cổng chính có dòng chữ Hán “Hải Nam Hội quán”, chữ tiếng Việt là Chiêu Ứng tự. Hai trụ chính có 2 câu đối: “Quỳnh lâu ngọc vũ quần tiên tập/ Phủ hải quan sơn vạn bảo tôn”.

Qua cổng tam quan là khoảng sân khá rộng, tiền điện là lầu bát giác, bên trên mái khắc ba chữ  “Địa Mẫu cung”. Lầu bát giác tượng trưng cho bát quái, đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ từ triết lý Âm Dương của nền văn hóa Phương Đông. Lầu được xây dựng bằng xi măng, cột đắp phù điêu rồng cuộn quanh, mái 02 tầng, trên đỉnh trang trí hình cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Trần lầu được trang trí bằng hình ảnh long phụng, tranh cảnh vật, các vị thần tiên. Ngoài ra, điểm nhấn là 08 bức hoành phi lớn được trang trí đối xứng nhau với các câu như: “Cầu chi tất ứng/ Đồng tâm thị phước”, “Ân quang phổ chiếu/ Uy linh hiển hách”, “Hải quang nam chiếu/ Liệt khí anh phong”, “Đại nghiệp thiên thu/ Hoàn hải đồng thanh”.

Trong cùng là chính điện, trung tâm thờ tự được trang trí theo sơ đồ nhất định. Cửa chính điện gồm 03 phần, phần giữa ghi “Chiêu Ứng công từ”, bên phải ghi “Phong điều vũ thuận”, bên trái ghi “Quốc thái dân an”. Hai cột lớn treo hai câu đối: “Khí tụ nhi trọng giã vi thần tự cổ anh linh đa do oan tình/ Đức thí ư nhân tắc nghi tế chúc đồng tang tử hựu tại hạ lương”. Trong chính điện, ban giữa thờ Địa Mẫu nương nương trong tư thế ngồi với khuôn mặt phúc hậu, nét mặt đầy đặn, hồng hào, mắt phượng, mày ngài, không kém phần nghiêm nghị, tay phải cầm phất trần, tay trái cầm gương bát quái. Đức Bà Địa Mẫu đản sanh ngày 18/10 Âm lịch. Mỗi năm đến ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch là ngày “Đức Bà Địa Mẫu giáng trần và ban phát kinh thư” và cử hành thánh lễ của Đức Bà Địa Mẫu. Vào ngày vía Đức Bà Địa Mẫu, lễ vật dâng lên ban thờ gồm: hương, hoa, quả và cơm chay. Bên phải là ban thờ Quán Thánh Đế quân với đôi câu đối: “Quan uy hiển hách xưng đại đế/ Thánh đức nghi ngang vạn thế quân”. Vào ngày vía của Quán Thánh Đế quân ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, lễ vật dâng lên ban thờ của gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng được hưởng đức hạnh trung, hiếu, tiết, nghĩa.

Bên phải là ban thờ bài vị “Sắc phong truy hồn Chiêu Ứng Anh liệt nhứt bách hữu bát công chi thần vị”, hai bên có 2 câu đối: “Chiêu trứ anh linh nhơn hư xúc vươn/ Ứng thừa liệt nghiệp văn phát ngư phong”. Vía ngày giỗ tổ chư vị Chiêu Ứng là ngày 16/6 Âm lịch hằng năm, lễ vật dâng lên gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng luôn hành chánh đạo và ăn nên làm ra. Bên trái ban thờ Địa Mẫu nương nương là ban thờ Tài Bạch Chánh Thần, đản sinh vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch, lễ vật dâng lên ngài gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng được mùa và tài lộc. Tiếp theo là ban thờ Nguyệt Lão Thần quân, tục lệ dân gian gần đây chiêm bái Nguyệt lão vào 03 ngày trong năm: ngày 14/2 Dương lịch, ngày 07/7 Âm lịch và Rằm tháng 8 Âm lịch là ngày đản sinh Nguyệt lão. Lễ vật trong ngày vía Nguyệt Lão được dâng lên ban thờ gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng tình duyên viên mãn và gia đình hạnh phúc.

Các chi tiết trang trí trong nội thất ban thờ được sơn son thếp vàng lộng lẫy với các họa tiết chạm khắc đều tinh xảo. Cách bày biện, trang trí tuân thủ lối cổ truyền, mang màu sắc dân gian biểu thị về ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tuân thủ theo luật phong thủy, Âm Dương ngũ hành của triết lý phương Đông. Ngoài ra, chính điện còn có khám thờ Thần Bạch Hổ, tương truyền thần dùng nanh để trừ tà, ngậm tiền tài mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nên thường được gọi là “Hổ gia bảo tiền lai”. Bên cạnh khám thờ có đặt một tô nước đầy, bên trong có mấy đồng tiền mà tục gọi là “tiền thủy”. Đồng thời, thần Hổ cũng là thần hộ mệnh của các em thiếu nhi.

Ngôi chính điện được trang trí bằng những hình vẽ như: long phượng, cảnh bát tiên quá hải, nhị vị tiên đồng cưỡi rồng, phượng theo truyền thống đạo giáo, thuyền buồm và mô hình thu nhỏ của chiếc thuyền buồm mà Tổ tiên người Hoa Hải Nam đã dùng để buôn bán trên biển. Thờ bát bửu bằng gỗ biểu tượng cho sức mạnh và uy quyền, chuông, trống được đúc từ Hồng Công năm 1968.

Trên đường vào chính điện có 02 dãy nhà, bên hữu là Văn Trang lầu, bên tả là Cang Phong lầu. Tại Văn Trang Lầu có ban thờ Phúc Đức Chính Thần, đản sinh vào ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch, lễ vật dâng lên gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng hưởng phước và đức. Ngoài ra, dãy nhà còn làm nơi đặt văn phòng của Ban Trị sự, đặt các hành phi, câu đối, ảnh hoạt động của cơ sở tín ngưỡng qua các thời kỳ, bảng ghi danh công đức của những người có công đóng góp công sức, tiền bạc cho quá trình xây dựng và phát triển của Chiêu Ứng tự. Cang Phong lầu là dãy nhà sinh hoạt chung của bà con khi đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Bên trong cùng của dãy nhà là Hoài Ân đường, nơi đặt ban thờ linh các vị tiền bối có công đóng góp cho Chiêu Ứng tự, được ban trị sự và bà con đồng hương Hải Nam hương khói thường xuyên.

3. Tục thờ 108 vị Chiêu Ứng Anh liệt

Tục thờ 108 vị Chiêu Ứng Anh liệt của người Hoa Hải Nam bắt nguồn từ câu chuyện có thật, được ghi chép trong Đại Nam thực lục: Chưởng vệ Phạm Xích và Lang trung Tôn Thất Thiều quản giết oan 76 người trên 03 chiếc thuyền ở biển Quảng Nam, Quảng Ngãi rồi mạo xưng có công. Để an ủi vong hồn người chết oan, Vua cho lập trai đàn chẩn tế ở cửa biển Thuận An, đồng thời, sắc phong cho những vong linh là Chiêu Ứng Anh liệt. Hiện nay, tại Chiêu Ứng tự có bản sao của sắc phong của Vua Duy Tân, bản gốc được lưu giữ ở Phan Thiết với nội dung như sau: “Sắc tỉnh Bình Thuận, phủ Hàm Thuận, ban Quỳnh Châu phụng mệnh lập linh từ người nhà Thanh 108 người, linh vị thờ ban bố công việc làm ăn từ trước đến nay mọi việc đều tốt đẹp thuận lợi nay ban bố đến toàn thể dân chúng biết được việc này. Mùng 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ Bảy. Đồng thời, cho phép lập miếu thờ phượng ở nhiều nơi như: ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên  Huế, thành lập Chiêu Ứng từ đối diện cồn Phú Cát; ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có Quỳnh Phủ Hội quán, còn gọi là Hải Nam Hội quán, được xây dựng năm 1875; ở tỉnh Khánh Hòa có hai miếu thờ 108 vị Chiêu Ứng ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang và thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cũng có Chiêu Ứng từ, người địa phương quen gọi là chùa Tàu ra đời từ năm 1851; Ở thành phố Cà Mau có Hải Nam cổ miếu.

Hằng năm, vào ngày 16/6 Âm lịch, cộng đồng người Hoa Hải Nam ở Chiêu Ứng tự tổ chức lễ Giỗ 108 vị Chiêu Ứng Anh liệt với lòng thành kính tưởng nhớ những người đồng hương đã khuất. Phần nghi lễ gồm lễ cúng theo nghi thức cổ truyền, lễ vật dâng lên ban thờ gồm: hương, hoa, quả, heo quay, tam sanh. Cầu cho đại chúng luôn hành chánh đạo và ăn nên làm ra. Thời gian diễn ra lễ chính từ 9-10 giờ trưa, tất cả những người trong ban tổ chức, khách mời và con cháu trong cộng đồng, theo thứ tự hàng ngũ đứng trước các ban thờ  dâng hương khấn vái. Khai lễ, vị chánh tế sẽ đọc văn tế bằng tiếng Hải Nam, vái xướng, đọc tên các bài vị những anh linh được vua sắc phong nhằm ca ngợi những vị tiền bối đã có công với cộng đồng người Hoa, cầu cho mưa thuận gió hòa, con cháu hưởng phúc đức Tổ tiên, mỗi phần cúng lễ đều dâng lên một tuần rượu, chuông trống được đánh suốt thời gian hành lễ. Sau 03 tuần rượu, những người tham gia lễ cùng khấn vái theo vị chánh tế và dâng hương lên ban thờ. Sau khai lễ, một hồi chuông trống được gióng lên và mọi người dâng lễ vật tùy theo tấm lòng. Phần hội gồm hoạt động múa lân, phát thưởng khuyến học, bốc thăm quay số trúng thưởng và phần tiệc liên hoan.

Trong quá trình phát triển của cộng đồng người Hoa Hải Nam, ý nghĩa trọng tâm của tục thờ cúng Chiêu Ứng biến đổi theo thời gian. Ban đầu, họ thờ Chiêu Ứng với ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, gửi gắm sự cầu mong được phò hộ an toàn cho những chuyến hải trình của mình. Dần dần qua thời gian, đời sống phát triển, tín ngưỡng Chiêu Ứng trở thành biểu tượng văn hóa đặc thù giúp người Hải Nam thể hiện những giá trị đặc sắc cộng đồng, khu biệt và nhận dạng cộng đồng mình với những cộng đồng người Hoa khác.

Quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa giữa người Việt và người Hoa đã diễn ra lâu dài và sâu sắc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa cộng đồng các dân tộc. Văn hóa người Hoa đã trở thành một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo mối quan hệ gắn bó, bền chặt. Bên cạnh đó, những phẩm chất, giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống của người Hoa vẫn được giữ gìn và phát huy như: tính cố kết cộng đồng cao; phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động, hòa đồng với cư dân địa phương; văn hóa ẩm thực; văn hóa kiến trúc; hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo, lễ nghi truyền thống,… Những tín ngưỡng truyền thống của người Hoa đã đồng hành cùng họ suốt nhiều thế kỷ  trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng người Hoa, là yếu tố căn bản làm nên bản sắc văn hóa riêng của họ.

Đỗ Đức Tứ

Chuyên viên Phòng Nội vụ quận Thanh Khê