Đền Lăng Sương, tỉnh Phú Thọ thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh, nơi linh thiêng cội nguồn của đất Việt
Ngày đăng: 04/07/2023
Đền Lăng Sương, (theo Ngọc Phả còn gọi là đền Thánh Mẫu) thờ Tản Viên và Thánh Mẫu của ngài cùng hai vị tướng là Cao Sơn và Quý Minh. Đền được ngự tại xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, là một xã miền núi ở tả ngạn sông Đà, có địa hình bán sơn địa, đồi, gò, núi non với những rừng cây xanh ngút ngàn bao bọc, cách đền Hùng khoảng 55km về phía Nam. Dòng sông Đà chảy lượn qua đây đã tạo nên phong cảnh “Sơn thủy hữu tình” cho Lăng Sương. Cách khoảng 1km về phía Đông Nam hữu ngạn sông Đà là ngọn núi Ba Vì (núi Tản Viên) sừng sững bốn mùa mây phủ tựa như một bức tranh thủy mặc sinh động mà uy nghiêm. Vùng đất linh thiêng chứa đầy huyền thoại này tự hào là nơi đã sinh ra Thánh Tản, có thể coi là nơi “chôn rau, cắt rốn” của vị thần tiêu biểu, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn là nơi thờ Thánh Mẫu - người đã sinh thành ra Thánh Tản. Ngoài ra, Lăng Sương còn là địa danh sinh ra mẹ Âu Cơ và cũng là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau nên duyên vợ chồng sinh bọc trăm trứng, nở trăm con - nguồn gốc của dân tộc Việt. Mẹ Âu Cơ được coi là Tổ Mẫu - Người Mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lăng Sương hòa cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu chung của người Việt như: Mẹ Âu Cơ, Mẹ Đất, Mẹ Nước…Vì vậy, người Mẹ được thờ tự ở vị trí rất trang trọng trong đền Lăng Sương. Ai vào đây cũng đều cảm nhận được vẻ linh thiêng, trầm mặc và khi nhìn vào Thánh Mẫu đều thấy lòng mình như ấm lại, thanh thản, nhẹ nhàng… Mùa Xuân trảy hội đền Lăng Sương để hiểu thêm về cội nguồn dân tộc và cầu cho một năm mới an khang thịnh vượng.

Những truyền thuyết của Lăng Sương

Huyện Thanh Thủy nằm ven sông Đà. Từ tiền sử hai nhóm tộc người Âu Việt và Lạc Việt thường đánh nhau ở dòng nước này. Người Âu Việt (Tày, Thái cổ) từ mạn Tây Bắc theo sông Đà xuống cướp phá người Lạc Việt (Việt, Mường cổ) ở vùng Bạch Hạc, Phong Châu và Trung Châu. Người Lạc Việt muốn giữ yên bờ cõi phía dưới phải phòng thủ ở phía trên thượng nguồn sông Đà, mạn Hòa Bình, Thanh Thủy. Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân một lần đi xem xét hình sông thế núi để bố phòng chặn đánh giặc cướp đã gặp người con gái xinh đẹp hái dâu ở bãi Trường Sa Trung Lộ, bãi sông lớn kéo dài từ Tu Vũ xuống Trung Nghĩa. Đó là nàng Âu Cơ. Lạc Long Quân kết tóc xe duyên với Âu Cơ rồi đưa nhau về đất Bạch Hạc sinh sống. Ở đây Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con trai. Họ để lại người con trưởng dựng làm vua Hùng. Đó là Hùng Vương thứ nhất của nước Văn Lang. Bà Âu Cơ đưa 49 người con lên ngàn khai khẩn. Đó là đất Văn Lang huyện Hạ Hòa. Lạc Long Quân đưa 50 người con về khai phá vùng biển. Truyền thuyết Âu Cơ sinh bọc trăm trứng có ngụ ý về bào tộc, nguồn gốc tộc người. Âu Cơ lên rừng, Lạc Long Quân xuống biển ngoài ý nghĩa về âm dương tương hợp tương khắc còn nói đến công việc mở mang bờ cõi của ông cha ta đã trải qua bao gian khổ cảnh cha con vợ chồng phải phân ly. Cũng vì chuyện bờ cõi non sông mà tâm thức dân gian nhiều nơi đã hình dung ra hình tượng hòn Vọng Phu, người đàn bà bồng con chờ chồng.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102165737-1.jpeg

Cũng ở đất Trung Nghĩa nơi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ xưa, 6 đến 700 năm sau đã sản sinh ra vị Thánh Tản Viên Sơn. Thánh Tản Viên Sơn là con rể vua Hùng thứ 18, gắn liền với truyền thuyết vua Hùng kén rể tìm hiền tài truyền ngôi báu, dẫn đến cuộc đọ sức quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Theo truyền thuyết ở đây thì ở thôn Lăng Sương làng Trung Nghĩa xưa có ông Nguyễn Cao Hành kết hôn với vợ là Đinh Thị Đen, người Mường ở Lịch Gia, Mông Hóa, Hòa Bình. Ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Tỵ, tức năm 304 của thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên bà Đen đã sinh ra người con trai đặt tên Nguyễn Tuấn. Tuấn được người mẹ nuôi tên là Ma Thị đưa sang núi Tản Viên học thầy là tiên ông trên núi Tản. Khi thành tài đã cùng hai em con chú là Cao Sơn, Quý Minh ra giúp vua Hùng diệt giặc. Nguyễn Tuấn được Vua Hùng gả Ngọc Hoa công chúa. Ông vừa là anh hùng trận mạc, vừa là anh hùng văn hóa vì đã dạy dân đắp đê chống lũ lụt. Vua Hùng thứ 18 không có con trai. Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán để trăm họ được bình yên chấm dứt chiến tranh liên miên nhiều trăm năm giữa hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt cho ra đời nhà nước Âu Lạc mà Cổ Loa là thành lũy của nhà nước cổ đại còn dấu tích đến ngày nay. Nguyễn Tuấn vì có công lớn với dân tộc được tôn là Tản Viên Sơn Thánh. Ông là sự hóa thân của hồn thiêng sông núi, có sức mạnh vô biên. Tương truyền khi đánh nhau với Thủy Tinh (ý nói đến việc chống lũ lụt) Tản Viên đã vác đất đá ném xuống thành núi Chẹ ở bờ bên kia làng Trung Nghĩa nơi ông ra đời.

Tương truyền khi mẹ ông trở dạ bà được đặt lên võng điều. Nay là nhà Võng trong quần thể di tích thờ Thánh Mẫu và Thánh Tản Viên. Cạnh đó, bên bờ giếng Thiên Thanh xây hình chữ Vương, có hòn đá Quỳ, tương truyền khi sinh nở bà quỳ xuống hòn đá, nay có vết hình bàn chân phải, gối chân trái và hình bàn tay của bà in trên đá. Hòn đá có từ thuở xa xưa nhưng bị mất đi sau nhiều phen loạn lạc. Năm 2002, huyện Thanh Thủy chuẩn bị đón lễ tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ông Hoàng Dân Mạc, khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy lên đền Lăng Sương cho đào đất trồng cây lưu niệm đã khai quật được hòn đá Quỳ vô giá này. Cạnh đá Quỳ còn có hòn đá "chẹn bụng" bà dùng chẹn bụng sau khi sinh nở. Ngoài ra còn có đôi sọt. Tương truyền là đôi sọt của bà bán măng. Sau khi sinh, bà bảo người bán măng đem sọt đi gánh nước về để tắm cho Thánh Tản.

Người dân Trung Nghĩa kể rằng, cha của Thánh Tản, ông Nguyễn Cao Hành đã di rời phần mộ tổ tiên lên vùng núi Thu Tinh huyện Thanh Sơn. Gia đình ông chuyển lên đó sinh sống. Truyền thuyết ở Thanh Sơn cho biết một lần bà Đinh Thị Đen qua đồng Móng làng Tất Thắng ướm chân vào hòn đá rồi về đầu thai Thánh Tản Viên. Vì thế, Tản Viên là con của đá, vị thần này vì thế có sức mạnh vững chắc như đá. Truyền thuyết về hòn đá bà ướm chân để thụ thai cũng như hòn đá Quỳ ở di tích đền Lăng Sương nói đến tục thờ đá của người Việt.

Xa xưa Lăng Sương là một thôn, bản của làng Trung Nghĩa. Sang thời Lê, triều đình quy định các địa bàn cư trú của người thiểu số là động gọi là các động Man (động của người Man) gọi theo cách phiếm chỉ của giới nhà nho phong kiến để phân biệt với các thôn làng của người Kinh. Họ ở trong các động như: động Lăng Sương, Trung Nghĩa huyện Thanh Thủy, động Trúc Phê, Hưng Hóa, động Khuất Lão, Văn Lang (huyện Tam Nông) động Tiên Du huyện Phù Ninh, động Hoa Khê ở thị xã Phú Thọ... Về sau lại có nhiều dòng người di cư lên Phú Thọ đã làm cho cư dân ở các động Man bị tiếp biến văn hóa mà thành người Kinh. Các họ gốc Mường ở Phú Thọ, đặc biệt ở Trung Nghĩa là Nguyễn, Bùi, Đinh, Hà, Cao, Phùng, Quách. Còn gốc Tày là họ Ma. Có người đổi thành họ Mai, họ Mè. Cha mẹ Tản Viên là người Lạc Việt, người Mường. Ngài lại có mẹ nuôi là bà Ma Thị. Bà Ma Thị là người Tày Thái cổ. Phú Thọ đất Tổ, nước Văn Lang của người Lạc Việt, Việt Mường. Nhưng một bộ phận người Tày họ Ma lại không theo Thục Đế mà về theo vua Hùng. Đến thời Hùng Duệ Vương, vua Hùng thứ 18, con cháu họ Ma người Tày còn ở Cẩm Khê, thị xã Phú Thọ và ở cạnh núi Hùng. Nay di tích còn lại dấu tích thành Mè, chợ Mè (thành, chợ của người họ Mè, họ Ma) và các tên xóm: bản tên đồng đất vẫn được gọi theo ngữ hệ Tày Thái cổ. Tản Viên con bà Đinh Thị Đen, họ Mường nhưng lại có mẹ nuôi họ Ma, họ của người Tày. Tản Viên nhờ có tích hợp văn hóa, có nhiều công tích mà được người Việt tôn lên hàng Thánh. Đứng đầu Tứ Bất Tử trong thần điện Việt Nam là nhờ vậy.

Đền Lăng Sương

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102165737-2.jpeg

Nằm trên mặt bằng khá rộng, đền Lăng Sương có kiến trúc mang nhiều đường nét cổ kính, mềm mại mà khoẻ khoắn, gần gũi mà thâm nghiêm. Theo các tài liệu còn lưu giữ tại đây thì đền Lăng Sương được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương, năm 258 trước Công nguyên. Thục Phán cho xây dựng ngôi đền là để tạ ơn Thánh Tản Viên, người đó có công tiến cử mình giữ ngai vàng thay vua Hùng thứ 18. Và thờ Thánh Mẫu người đã có công sinh ra Thánh Tản. Đến thời Tiền Lê, ngôi đền được xây dựng lại bằng gạch ngói. Thời Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) ngôi đền đã được khắc bia đá để lưu truyền cho hậu thế. Trải qua bao mưa, nắng, giặc dã, ngôi đền bị hư hỏng nhiều. Năm 1991, chính quyền và Nhân dân địa phương đã tôn tạo đền trên khu đất rộng với diện tích 3.000m2.

Trước cổng đền có hai câu đối:

Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc địch

Địa lưu Thần tích hiển Nam Bang

Dịch nghĩa:

Trời sinh Thánh dẹp giặc phương Bắc

Đất lưu Thần tích hiển Thánh trời Nam

Và:
Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần

Bả thác long linh giáng hạ trần

Dịch nghĩa:

Lăng Sương ngọc sáng, ngọc tinh thần

Mang dấu rồng thiêng xuống hạ trần

Chỉ qua 2 câu đối súc tích, nhưng cũng đủ cho khách thập phương cảm nhận được ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh của đền Lăng Sương. Ngoài đền chính, tại đây còn quần tụ các công trình như miếu Hai Cô, Giếng Thiên Thanh, Nhà bia, Nhà võng, Tả mạc, Hữu mạc và lăng Thánh Mẫu - mỗi công trình được gắn với những truyền tích lịch sử huyền thoại... Đây là một quần thể di tích có liên quan chặt chẽ với nhau và có mối quan hệ mật thiết với khi di tích lịch sử đền Hùng.

Đền chính có kiến trúc kiểu chức công (I) gồm 3 gian đại bái, ống muốn và 3 gian hậu cung. Trong tòa đại bái có xây bệ thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên dẹp giặc Thục. Tòa hậu cung bài trí long ngai thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Tản Viên) và thờ đức Thánh Tản. Trong tòa hậu cung còn thờ Thánh phụ Tản Viên là ông Cao Hành, bà dưỡng mẫu (mẹ nuôi) là Ma Thị và công chúa Ngọc Hoa (vợ Tản Viên). Cách khu đền Lăng Sương khoảng 50m về phía Đông Bắc, tương truyền có ngôi mộ của Thánh Mẫu nay ở đó đã được xây thành lăng tẩm. Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình đức Thánh Tản và cũng là nơi thờ gốc trong hệ thống các di tích thờ đức Thánh Tản ở Việt Nam.

Di tích Lăng Sương còn ngôi miếu thờ nữ thổ thần là Bạch Tinh Thần Nữ cùng 2 người hầu thánh mẫu là Đào Hoa và Quế Hoa. Trên mái đền còn hình hai con bạch xà lớn. Ngoài truyền thuyết về Tản Viên với con rắn và gậy đầu sinh đầu tử thì hình tượng rắn trong đền Lăng Sương còn gắn với tín ngưỡng thờ rắn của người Việt cổ. Con rắn biểu hiện cho việc làm ra mây mưa. Cư dân nông nghiệp lúa nước cần nước nên thờ rắn để cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt. Con rắn vì thế được hình tượng hóa thành con rồng biết bay. Con rồng từ trong dân gian đã đi vào cung đình biểu tượng cho sức mạnh quyền uy của đấng quân vương. Đền miếu ở Lăng Sương vì thế đã tích hợp được nhiều lớp tín ngưỡng của dân gian.

Ngày nay, di tích Lăng Sương đã được nhân dân địa phương xây dựng khá hoành tráng trên diện tích 3.000m2, ngoài những nhà tả mạc, hữu mạc, nhà võng đang xây dựng, dự án di tích Lăng Sương còn khu lễ hội và một số công trình khác.

Lễ hội đền Lăng Sương

Lễ hội đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản sông Đà và những di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh. Với bề dày lịch sử lâu đời và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc còn lưu giữ cho đến ngày nay, đền Lăng Sương là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên đất Phú Thọ, cũng như hành trình về với cội nguồn dân tộc. Hàng năm, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng (ngày giỗ chính, là ngày sinh Thánh Tản) và 25/10 Âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) lễ hội đền Lăng Sương lại thu hút một lượng du khách khá lớn từ các địa phương lân cận về bái lễ, tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu và Đức Thánh Tản Viên. Lễ hội mở trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, ngày 15 tháng Giêng - ngày sinh của Đức Thánh là ngày lễ chính. Từ những ngày trong Tết, làng xóm đã rậm rịch mở hội. Nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội. Phần lễ được tiến hành long trọng đậm nét cổ truyền, với lễ cáo tế vào ngày 14 để xin phép thần cho được mở hội, lễ đón rước bà mẹ nuôi của Thánh Tản là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ từ núi Tản Viên sang đền Lăng Sương dự hội và lễ tế chính vào ngày 15, lễ yên vị vào chiều ngày 16. Sáng 15 tháng Giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước kéo quân từ Đền ra sông Đà. Đoàn rước có ba kiệu bát cống. Một kiệu rước lư hương, một kiệu rước nải quả, một kiệu rước nước lấy từ sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước của người Việt xa xưa. Phần hội với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, đu tiên, đấu vật, chọi gà, kéo co... được tổ chức náo nhiệt, cuốn hút người dân và du khách gần xa hòa vào không khí rộn rã của lễ hội ngày Xuân.

https://cms.btgcp.gov.vn/upload-img/userfiles/images/image-20240102165737-3.jpeg

Về ngày giỗ Thánh Mẫu có liên quan đến sự tích gò Đống Bò cách đền chính hơn 500m ở giữa cánh đồng Đầm Đành. Tương truyền hàng năm cứ đến ngày 24/10 Âm lịch có một con bò lớn không biết ở đâu tự nhiên đến cho dân làng mổ thịt để hai giáp Đông, Tây chia nhau mang về làm cỗ dâng lên đền cúng tế giỗ Đức Thánh Mẫu vào ngày 25/10 hôm sau. Ngày tế giỗ Mẫu 25/10 hằng năm đều có sự tham gia của các làng kết nước nghĩa là những địa phương quanh vùng có thờ cúng Tản Viên.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền lăng Sương đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 12/7/2005. Năm 2018, lễ hội đền Lăng Sương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3325?QQĐ- BVHTTDL ngày 04/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng dân cư.

Di tích đền Lăng Sương được lập quy hoạch tổng thể, được đầu tư tu bổ, tôn tao với quy mô lớn nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích. Bao gồm các hạng mục: nghi môn, ao sen, nhà che giếng Thiên Thanh, nhà bia, miếu hai cô, nhà để kiệu, nhà ban quản lý di tích, nhà thủ từ, nhà bếp, vệ sinh, nhà dịch vụ, cổng phụ, hệ thống sân vường tường rào… để giữ gìn công trình văn hóa truyền thống cho đồng bào cả nước về đây tham quan và thực hành tín ngưỡng.

Người dân vùng đền Lăng Sương tự hào bao nhiêu thì lại càng ý thức rõ trọng trách của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của các di sản văn hóa, xây dựng Lăng Sương thành một điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách thập phương muốn tìm về với nguồn cội đất Tổ linh thiêng - đến đền Hùng, kinh đô đầu tiên của dân tộc, đến đền Mẹ Âu Cơ tại Hạ Hòa và đến đền Lăng Sương, nơi sinh ra Thánh Tản Viên, mẹ Âu Cơ và nữ tướng Thiều Hoa thì mới trọn vẹn cuộc hành hương về với đất Tổ.

Nguyễn Xuân