Đồng chí Lê Quang Đạo - nhà lãnh đạo uy tín, kiên nghị mà gần gũi
Ngày đăng: 09/08/2021
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII (1992). Ảnh: TTXVN
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, với những cương vị quan trọng khác nhau, đồng chí Lê Quang Đạo luôn phấn đấu không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản.

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8.8.1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Sinh thời, ông từng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách: Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Tấm gương người cộng sản

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8.8.1921 - 8.8.2021), PGS.TS Phạm Hồng Chương (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Đồng chí Lê Quang Đạo có hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trưởng thành theo thắng lợi của cách mạng, từ người đảng viên bình thường đến các trọng trách của Đảng, Nhà nước ở nhiều địa phương và Trung ương. Nhân dân ta không chỉ kính trọng đồng chí Lê Quang Đạo về phẩm chất chính trị và tài trí của “người cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính” mà còn là sự tin cậy đối với một nhân cách lớn của một nhà lãnh đạo “có uy tín, kiên nghị mà gần gũi thân thương”.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (27.7.1991). Ảnh: TTXVN

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, nhân cách đó càng được kính trọng hơn qua bản lĩnh cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo khi nêu lên nhiều kiến nghị nghiêm túc, đầy trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và Mặt trận trong các thư gửi Bộ Chính trị.

Ông Chương dẫn một ví dụ, năm 1992, đồng chí Lê Quang Đạo đã đề xuất với Đảng “ý kiến đề nghị đổi mới sự lãnh đạo của Đảng”, trong đó tập trung vào ba vấn đề lớn: Đổi mới việc chuẩn bị và đề ra đường lối, chính sách của Đảng; Đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chức kinh tế và Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. Đây thực sự là những đề nghị tâm huyết và có giá trị thực tiễn cao mà ngày nay Đảng ta đang thực hiện.

Cũng theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, đồng chí Lê Quang Đạo là người kiến nghị phải có luật cụ thể hóa điều 9 của Hiến pháp về vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và góp phần xây dựng và thực hiện được đề xuất đó theo ý Đảng, lòng dân. Tuy nhiên, ông thấy rằng, cần phải thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc một cách thực sự hơn nữa trên cơ sở phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

"Những quan điểm của đồng chí Lê Quang Đạo về phát huy dân chủ ở cơ sở đã có tác động tích cực tới việc ổn định xã hội và tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta. Đây là những bài học lý luận quý báu mà đồng chí đã để lại cho Đảng và cách mạng nước ta" - PGS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Đổi mới hoạt động của Quốc hội

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng với nhiều dấu ấn của mình, đồng chí Lê Quang Đạo cũng được biết đến như một người có nhiều đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.

Theo tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Bắc Ninh biên soạn, ngày 17.6.1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, ông Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội trong thời điểm sau Đại hội VI của Đảng - đại hội khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đòi hỏi Quốc hội - cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.

Trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật.

Ông đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh.

Bên cạnh đó, ông đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, mở đầu thời kỳ đổi mới còn nhiều khó khăn phức tạp.

Ông Lê Quang Đạo cũng rất chú trọng đổi mới phong cách làm việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết trong Quốc hội.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong thời gian giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những quan điểm sâu sắc và đóng góp quan trọng vào việc đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.

 

Nguồn: Laodong.vn