Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác tổ chức bầu cử
Ngày đăng: 16/04/2021
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sáng 15/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ công tác bầu cử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và hơn 3.100 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.  

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực cho biết, đến thời điểm này, các công việc của bầu cử, cũng như các công việc của MTTQ Việt Nam đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Công tác hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời.

Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử của Hội đồng Bầu cử quốc gia, MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn công tác bầu cử vào ngày 22/1 với hơn 8.500 đại biểu tham dự tại 64 điểm cầu trên cả nước và Hội nghị tập huấn công tác giám sát bầu cử bầu cử ngày 23/2 với hơn 7.600 đại biểu tham dự.

Ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, với mục đích nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn, hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm  cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Quá trình giám sát phải phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam, các thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử.

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực. Từ nội dung giám sát, ông Ngô Sách Thực cho rằng, kinh nghiệm bước đầu qua giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.  

“Lịch công tác giám sát đợt 1 tiến hành ở 16 tỉnh, thành phố vừa qua của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được sắp xếp để cơ bản không trùng với lịch các đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Qua giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại bầu cử”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh, đồng thời lưu ý các địa phương tập trung sớm giải quyết các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không nên để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy ưu điểm, triển khai tốt hơn hoạt động giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tiếp theo.

Với tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu những điểm khó khăn, bất cập trong triển khai các nội dung về công tác bầu cử của MTTQ Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát (đợt 1) công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, nội dung giám sát tập trung vào việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; việc thực hiện các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND; việc lập, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử; việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả kiểm tra, giám sát bầu cử.

Ông Phan Văn Vượng khẳng định, công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, đúng luật. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp.

Ông Phan Văn Vượng cho biết, dự kiến, đợt giám sát thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20/4-22/5, với việc triển khai 5 đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Theo baochinhphu.vn