Cử tri đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia bầu cử đông đủ
Ngày đăng: 24/05/2021
Ngày 23/5, cùng với cử tri cả nước, cử tri vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cử tri tin tưởng những người được bầu sẽ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu dân cử, giữ đúng lời hứa với dân, dốc hết tâm sức và trí tuệ phục vụ cho lợi ích chung của đất nước.

Tại Tổ bầu cử số 3, ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, có 971 cử tri tham gia bầu cử, trong đó có hơn 50% là cử tri đồng bào Khmer. Ngay từ sáng sớm 23/5, đông đảo cử tri đã có mặt. Các cử tri được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Trong thời gian chờ đến lượt làm thủ tục bầu cử, nhiều cử tri tranh thủ xem lại tiểu sử tóm tắt của các ứng viên được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu. Đồng thời, tổ bầu cử cũng sử dụng loa tuyên truyền hướng dẫn cách thức chọn đại biểu và bỏ phiếu vào thùng phiếu theo quy định, giới thiệu tiểu sử các ứng cử viên. Ngoài ra, tổ cũng liên tục nhắc nhở các cử tri đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách  theo quy định.

Toàn tỉnh Vĩnh Long trên 22.600 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 2,21% dân số. Những ngày qua, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được tỉnh đẩy mạnh, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Thông qua tuyên truyền đã giúp người dân tiếp cận các thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cử tri, nguyên tắc tham gia bầu cử, tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân...để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thể hiện quyền làm chủ của mình.

* Khoảng 6 giờ 30 phút, ngày 23/5, tại điểm bỏ phiếu số 584, thuộc khu phố Long Kim, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã có hàng trăm cử tri theo tôn giáo Cao Đài đã có mặt, chuẩn bị thủ tục cần thiết để tham gia bỏ phiếu bầu cử sớm.

Chức sắc, tín đồ Cao Đài Tây Ninh tham gia bỏ phiếu

Bà Nguyễn Thị Quyên, tín đồ đạo Cao Đài chia sẻ, bà đã có mặt từ rất sớm để tham gia lễ khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại điểm bỏ phiếu số 584, thuộc khu phố Long Kim. Bà hy vọng, những người được lựa chọn hãy thực hiện đúng cam kết theo chương trình hành động của mình; đồng thời phát huy trí tuệ, giúp cho đất nước, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Trần Văn Trắng, Chánh trị sự, Tổ trưởng tổ nghi lễ số 2, họ đạo khu phố Long Kim, phường Long Thành Trung cho biết, trước đó, ông đã phổ biến khá rõ cho các đồng đạo, tín đồ thuộc họ đạo khu phố Long Kim mà ông phụ trách sắp xếp thời gian đi bầu cử sớm và đầy đủ để công tác bầu cử tại địa phương được thuận lợi nhất, đạt kết quả cao.

Đợt bầu cử lần này, phường Long Thành Trung có 16.404 cử tri, với khoảng 90% cử tri theo tôn giáo Cao Đài.

Toàn tỉnh Tây Ninh có trên 1 triệu cử tri tham gia bầu cử, với 176 điểm bỏ phiếu thuộc 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

* Cùng với gần 1 triệu cử tri tỉnh Bình Thuận, sáng 23-5, tại những điểm bỏ phiếu thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, nơi có hơn 80% cử tri là đồng bào dân tộc Chăm cũng đã đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân của mình.

Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà Ni Bình Thuận tham gia bỏ phiếu

Gần như các cử tri người dân tộc Chăm đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất của mình đến điểm bỏ phiếu và tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K, phòng chống dịch trước khi vào điểm bỏ phiếu và thực hiện bỏ phiếu.

Cử tri là thanh niên dân tộc Chăm

Tại điểm bỏ phiếu số 5 của xã Phan Thanh, Sư Cả Xích Dự - Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà Ni tỉnh Bình Thuận có mặt từ rất sớm để dự lễ khai mạc bỏ phiếu.

Sư cả Xích Dự là người đại diện cho gần 20.000 tín đồ Hồi giáo Bà Ni trong tỉnh Bình Thuận, là cầu nối giữa tín đồ Hồi giáo Bà Ni với các cơ quan chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong phối hợp giải quyết các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật.

 

NN tổng hợp