Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đồng hành thực hiện đảm bảo an toàn giao thông
Ngày đăng: 31/12/2024
Đại diện các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng ký kết đồng hành thực hiện đảm bảo trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2025-2030
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 07 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, trong đó, Tin Lành có 06 hệ phái, Cao Đài có 04 hệ phái. Toàn tỉnh có khoảng 830.000 tín đồ, 1.800 chức sắc, 3.800 chức việc, 533 cơ sở tôn giáo hợp pháp.

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức và cá nhân, tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo hoạt động theo quy định. Trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không chỉ thể hiện đức tin, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, mà còn, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường”,… trong đó có công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện an toàn giao thông đạt được nhiều kết quả.

Dựa trên tình hình an toàn giao thông ở tỉnh Lâm Đồng những năm qua cho thấy nguy cơ tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn trên những cung đường mà nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Việc thay đổi hành vi giao thông, tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân là vấn đề quan trọng cần được tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn dân cư. Đối với tôn giáo, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động triển khai các hoạt động, trong đó có việc “Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ và Nhân dân chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông” góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình Các tôn giáo đồng hành thực hiện an toàn giao thông góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho toàn xã hội. Mô hình thực hiện hiệu quả đã được các cấp, ngành Trung ương đánh giá cao và trở thành mô hình điểm để chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc.

Đại diện các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng ký kết đồng hành thực hiện an toàn giao thông năm 2024

Ngay từ năm 2014, các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đã ký kết đồng hành thực hiện an toàn giao thông. Tỉnh đã vận động, tập hợp đoàn kết và phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, nhất là chức sắc, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động các tín đồ và Nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng, giải pháp hữu ích góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông” nhằm hướng đến việc kìm hãm, giảm thiểu tai nạn giao thông và các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra trên địa bàn tỉnh.

Đây là sáng kiến của Linh mục Trần Thả, Quản hạt Di Linh về việc ký kết giao ước đảm bảo trật tự an toàn giao thông giữa giáo hạt Di Linh và các giáo xứ, giáo họ thuộc giáo hạt Di Linh với Ban An toàn Giao thông huyện và các xã, thị trấn. Sáng kiến này đã được bà con Công giáo trên địa bàn huyện Di Linh tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Từ sáng kiến hiệu quả này, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông và lan rộng đến các giáo xứ, giáo họ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức của người dân, góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Từ mô hình ở Di Linh, qua đánh giá, nghiên cứu tìm hiểu cách làm hiệu quả này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh thống nhất với các tổ chức tôn giáo ký kết nội dung “Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện đảm bảo an toàn giao thông” với sự tham gia của 120 chức sắc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài.

Nội dung đồng hành được thống nhất cụ thể gồm: cùng toàn xã hội trong tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông thông qua sinh hoạt tôn giáo và các hình thức phù hợp khác; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông và vận động tín đồ, người thân, cộng đồng khu dân cư cam kết không vi phạm an toàn giao thông, thực hiện văn hóa giao thông; xây dựng và nhân rộng các mô hình về đảm bảo trật tự an toàn giao thông...

Ngay sau ký kết, tỉnh Lâm Đồng đã tuyên truyền rộng rãi nội dung này đến các cơ quan cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban An toàn Giao thông cấp huyện, 147 xã, phường, thị trấn, 1.569 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và 785 cơ sở thờ tự, văn phòng đại diện các tổ chức tôn giáo và chức sắc tiêu biểu trong toàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh đã in ấn hàng nghìn bản tuyên truyền để cấp phát tới các cơ sở thờ tự, văn phòng đại diện các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo trong toàn tỉnh. Hầu hết các tổ chức tôn giáo, các chức sắc đều đồng tình và tích cực tham gia hưởng ứng, vận động tín đồ tích cực tham gia thực hiện các nội dung ký kết. Đặc biệt, thông qua các buổi lễ, rao giảng, hành đạo... nhiều chức sắc đã lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con giáo dân gương mẫu chấp hành tốt các quy định đảm bảo an toàn giao thông. Tại thành phố và nhiều huyện trong tỉnh đã tổ chức triển khai hình thức ký kết với các tổ chức tôn giáo để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, vận động Nhân dân thực hiện, góp phần cùng các cấp, ngành nâng cao ý thức của Nhân dân đã đem lại kết quả tốt, đóng góp vào việc giảm số vụ tai nạn, giảm số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Các tập thể, cá nhân tôn giáo nhận Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 10 năm Các tôn giáo đồng hành thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2024

Thông qua mô hình giao ước thi đua “Các tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đồng hành thực hiện đảm bảo an toàn giao thông” có hiệu quả của Lâm Đồng đã được các cấp, ngành Trung ương đánh giá cao và trở thành mô hình điểm để chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc. Cụ thể, các tổ chức tôn giáo đã đồng hành, chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình về đảm bảo an toàn giao thông như: Cơ sở thờ tự an toàn giao thông, Đoạn đường tự quản an toàn giao thông, Khu dân cư an toàn giao thông... gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, sống tốt đời - đẹp đạo... ngay trong cơ sở tôn giáo, cộng đồng tôn giáo của mình. Từ các mô hình đó, các cộng đồng tôn giáo đã có nhiều việc làm thiết thực, phù hợp với đặc thù của các địa bàn. Tiêu biểu như: giáo xứ Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng đã vận động giáo dân đóng góp tiền, vật tư, công lao động để lắp đặt hơn 500 tấm đan hai bên mương nước với đoạn đường dài trên 10km và lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa, phát quang nơi che khuất tầm nhìn trên cả tuyến đường, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn giao thông cho người dân đi lại với tổng kinh phí gần 01 tỷ đồng... Những năm qua, tại tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với trên 98% dân cư là giáo dân Công giáo, các linh mục quản xứ đã chủ động, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động giáo dân hiến trên 18.000m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông; hằng tuần, tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố, quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần không để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn nhiều năm qua. Tại thành phố Bảo Lộc, nhất là ở những vùng Công giáo toàn tòng, các chức sắc vận động xây dựng các mô hình tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội tại tuyến đường Tạ Thị Kiều và tuyến đường Lê Đình Chinh, xã Lộc Thanh; xây dựng mô hình An toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình tại giáo họ Mỹ Thanh thuộc giáo xứ Tân Thanh, giáo họ 5 thuộc giáo xứ Tân Bình; xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông và không có tệ nạn xã hội với 60 thành viên tham gia hoạt động thường xuyên tại giáo họ Đức Bà... Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh cho thấy, khi không may xảy ra tai nạn giao thông mà người bị nạn hay người gây tai nạn là tín đồ các tôn giáo thì cùng với quy định của pháp luật, yếu tố đạo đức, văn hóa tôn giáo đã góp phần giải quyết vấn đề nhanh chóng, êm đẹp hơn.

Các tập thể, cá nhân tôn giáo nhận Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 10 năm Các tôn giáo đồng hành thực hiện bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2024

Sự đồng hành của các tôn giáo trong thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được thực hiện trên nhiều mặt qua việc các tôn giáo tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025. Ban An toàn Giao thông tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương, tổ chức tôn giáo. Cấp phát hàng trăm bộ tài liệu, cẩm nang, tờ rơi... về các quy định pháp luật và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo trong tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2026; tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng nhóm đối tượng, trong đó có tuyên truyền trực tiếp nội dung này cho hơn 900 nghìn tín đồ các tôn giáo trên toàn tỉnh...

Công an tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Giai đoạn này có các hoạt động tiêu biểu như: trong công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Hội thánh Cơ đốc Phục lâm R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng duy trì đều đặn việc dành khoảng 15 phút trong các buổi lễ vào thứ Bảy hằng tuần tại nhà thờ để tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở tín đồ về thực hiện an toàn giao thông. Từ năm 2017 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Lạt đã duy trì việc 02 năm/lần tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào tháng An toàn giao thông và ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hàng năm. Đây là hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần xoa dịu nỗi đau do tai nạn giao thông, đồng thời, mang lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt... đã phối hợp với Công an thành phố Đà Lạt tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho hàng trăm tăng, ni, phật tử... Song song với việc tuyên truyền, các chức sắc tôn giáo còn gương mẫu thực hiện trước, đồng thời, tích cực vận động tín đồ, người thân, cộng đồng khu dân cư không vi phạm an toàn giao thông bằng nhiều cách, như Linh mục Trần Thả, Quản hạt quản xứ Di Linh suốt hơn 10 năm qua vẫn luôn kiên trì vận động, thuyết phục giáo dân đồng lòng thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tại các cơ sở tôn giáo nằm dọc quốc lộ, tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo sinh sống, các chức sắc thường xuyên, liên tục vận động tín đồ và Nhân dân chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Khi tổ chức các hoạt động tôn giáo đông người với nhiều phương tiện giao thông, các cơ sở tôn giáo đều có bộ phận an ninh trật tự, phân công chức sắc, tín đồ làm công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Tai nạn giao thông là nỗi đau dài không chỉ với người trong cuộc, với gia đình của họ mà là nỗi đau của toàn xã hội, vì vậy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó, có phần trách nhiệm không nhỏ của các tổ chức, chức sắc tôn giáo. Cùng với Nhân dân và ban, ngành, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các tôn giáo ở tỉnh Lâm Đồng là một trong những thành tố tích cực góp phần thực hiện hiệu quả việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đem lại bình yên cho mỗi khu dân cư.

Anh Vũ