Chuyện kể về hai nhà sư trẻ ở chùa Pháp Minh, Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 25/08/2023Chùa Pháp Minh, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1967, với lầu bát giác và ngôi chính điện lợp tôn khá khiêm tốn. Sau năm 1975, chùa không có sư trụ trì, cỏ lau um tùm, che gần hết cả lối đi. Năm 2011, nhà sư trẻ Thích Tâm Nhơn, (thế danh Lê Văn Đoàn, sinh năm 1987) phát nguyện về trụ trì chùa. Trước cảnh cỏ cây rậm rạp, sư trụ trì không quản ngại phát cây, dọn cỏ,... Cảm động trước hình ảnh lao động của nhà sư trẻ, một số người dân, phật tử trong xã đến phụ giúp, góp nhặt vật liệu lợp mái, sửa sang lại chùa. Sau nhiều tháng, chùa cảnh được phong quang, làm nơi ở cho nhà sư, nơi tu tập cho bà con Phật giáo.
Từ khi về trụ trì chùa, Đại đức Thích Tâm Nhơn đã áp dụng triết lý “Phật pháp bất ly thế gian pháp” của Phật giáo, gắn hoạt động Phật sự với các hoạt động xã hội ở địa phương. Chùa Pháp Minh dần dần thu hút lớp thanh thiếu niên, cùng các phật tử hảo tâm thực hiện hoạt động tu tập, giáo dục đạo đức lối sống đoàn kết, thực hiện hạnh nguyện “từ bi trí tuệ” giúp đỡ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Qua hoạt động thiện nguyện, Đại đức tập hợp những người mến mộ đạo Phật, thu hút thanh, thiếu niên, vừa học Phật vừa làm việc thiện nguyện góp phần xây dựng nếp sống nhân ái, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường làm đẹp chùa, đẹp quê hương. Tại chùa Pháp Minh, Đại đức trụ trì dành một phòng để vừa làm phòng khách vừa làm phòng truyền thống, trang trọng treo những tấm ảnh hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh tụ khác. Phòng truyền thống của chùa thu hút nhiều thanh niên, bà con phật tử tới chùa lễ Phật, tham quan, nghiên cứu.
Năm 2017, được sự ủng hộ của Nhân dân địa phương, Đại đức trụ trì chùa đã dựng tượng Quán Thế Âm cao 11m, thể hiện nguyện vọng của người dân phát tâm cầu cho “Quốc thái dân an”, cuộc sống của bà con luôn được an lành. Năm 2020, trong đại dịch COVID-19, chùa Pháp Minh được lấy làm nơi tập trung thi hài người mất do bệnh dịch COVID-19 trước khi đưa đi hỏa táng. Thời điểm đó, Đại đức trụ trì đã không quản khó khăn, vất vả, chủ động đứng ra lo liệu, vận động lòng hảo tâm của các tổ chức, cơ sở, cá nhân có điều kiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn có người mất do dịch COVID-19; cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ những người mất chưa kịp hỏa táng được bảo quản trong container lạnh và việc các gia đình nhận lại tro cốt của người thân sau hỏa táng. Tổng số có 599 người chết do dịch COVID-19 đưa đến chùa được thực hiện theo quy trình an toàn vệ sinh và tâm linh chu đáo.
Năm 2022, thể theo nguyện vọng của nhiều người dân địa phương, được chính quyền ủng hộ, chùa xây dựng tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, trong có tháp để thờ người mất do đại dịch COVID-19 và những người dân địa phương mất mà gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm góp phần vào vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới tại địa phương trong việc tang ma. Đại đức trụ trì đã vận động xã hội hóa để giúp thực hiện hỏa táng, hỗ trợ quan tài, chi phí hỏa táng và đưa tro cốt về tháp Địa Tạng Vương tại chùa miễn phí. Việc làm này đã góp phần tiết kiệm đất làm nghĩa trang, tạo môi trường trong sạch và xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương được bà con nhân dân trong xã ủng hộ, chính quyền đánh giá cao. Đến tháng 6/2023, trên 130 người dân trong xã, sau khi mất được chùa Pháp Minh giúp hỏa táng và đưa tro cốt, hương linh về tháp Địa Tạng Vương trong chùa.
Hiện nay, chùa Pháp Minh có Đại đức Thích Tâm Nhơn, trụ trì chùa Pháp Minh và sư đệ là Đại đức Thích Minh Tâm, thế danh Võ Minh Phát, sinh năm 1992, đang theo học cao học Tôn giáo khóa 27 (2020-2023) và khóa 29 (2022-2025) tại Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đại đức Thích Minh Tâm chia sẻ: lúc đầu, vì chùa còn nhiều khó khăn nên, Đại đức Tâm Nhơn quyết định để sư đi học trước. Học xong rồi về lo việc chùa cho Sư Tâm Nhơn đi học. Đến khi sư vào học thấy ổn định, chương trình học có rất nhiều bài dạy hay và thiết thực, vậy là Đại đức Tâm Nhơn quyết định đăng ký thi vào học khóa sau. Vậy là hai anh em cùng đi học trong khoảng thời gian gần nhau. Khi được hỏi tại sao chọn học cao học Tôn giáo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Minh Tâm chỉ tay về phía Đại đức Thích Tâm Nhơn cười nói: sư Tâm Nhơn nói là làm nhà sư, tu Phật đương nhiên cần học để hiểu sâu về Phật giáo; việc học và tu theo Phật giáo là việc cả đời. Khi đó, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chiêu sinh mở lớp cao học Tôn giáo cho đối tượng ngoài cơ quan nhà nước, đây là cơ hội để được học, nghiên cứu tôn giáo qua phương pháp luận khoa học thế học và được hiểu biết hơn về Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị,… Nghĩ theo hướng đó mà hai anh em đã quyết tâm đăng ký theo học chương trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đại đức Thích Tâm Nhơn và Đại đức Thích Minh Tâm chia sẻ về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nội dung các bức ảnh tại phòng khách chùa Pháp Minh
Về với ngôi chùa nhỏ Pháp Minh, nghe Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Hùng nói chuyện về hoạt động của các nhà sư tại chùa đã dọn dẹp phong quang, cải tạo phong cảnh, không gian chùa thoáng đãng hơn xưa rất nhiều. Ngoài ra, hai nhà sư trẻ còn làm nhiều việc giúp cho Nhân dân địa phương hiểu về tôn giáo đặc biệt là đạo Phật, giúp cho Nhân dân xã Tân Quý Tây xây dựng nếp sống văn hóa mới. Xã Tân Quý Tây có truyền thống cách mạng nhưng xa trung tâm Thành phố nên kinh tế phát triển chậm, nhiều nội dung về tôn giáo bà con nhân dân cũng chưa nắm kỹ. Hai nhà sư đang theo học cao học Tôn giáo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo nên cũng hiểu thêm một số kiến thức về tôn giáo và chính trị mang tính thời sự. Hai nhà sư đã trao đổi với Nhân dân và cán bộ địa phương trong việc vận động bà con nói chung và tín đồ tôn giáo nói riêng về xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Dần dần, chùa Pháp Minh trở thành nơi trao đổi về những vấn đề giúp cho công tác tôn giáo ở địa phương tốt hơn, giúp mối quan hệ đạo và đời gắn bó hơn.
Có thể thấy, Đại đức Thích Tâm Nhơn và Đại đức Thích Minh Tâm đã áp dụng kiến thức trong học tập để nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong xây dựng xã hội ở địa phương và vận động tín đồ tôn giáo tích cực hoạt động đạo gắn với xây dựng đời. Bởi hai sư thầy hiểu rõ mục tiêu của Đảng và mục tiêu của tôn giáo rất gần nhau, đó là xây dựng xã hội tốt đẹp vì hạnh phúc của con người, vì tương đồng đó mà các tôn giáo ở Việt Nam luôn xác định phương châm hành động vì mục tiêu “tốt đời đẹp đạo”.
TS. Bùi Hữu Dược
Giảng viên cao cấp Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh