Việt Nam đảm bảo tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong sáu tháng đầu năm 2023
Ngày đăng: 13/07/2023
Đại hội đồng lần thứ I Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, ngày 30/5/2023
Trong sáu tháng đầu năm 2023, ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, kỷ luật hành chính được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Nội vụ nhiều chủ trương công tác lớn trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân.

Khi được hỏi về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết: kết quả sáu tháng đầu năm, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo; tiếp nhận và tham mưu, xử lý, giải quyết đối với các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; xây dựng, sửa đổi hiến chương, điều lệ, đường hướng hành đạo; hướng dẫn đăng ký chương trình hoạt động hằng năm,… được các tổ chức tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVI nhiệm kỳ 2023-2024 của Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam, từ ngày 26-28/5/2023

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các nhu cầu chính đáng về đất đai, xây dựng của các tổ chức tôn giáo; việc rà soát về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các cơ sở tôn giáo đã được các địa phương quan tâm, thực hiện theo quy định của pháp luật; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo tăng đáng kể. Qua đó, đã tạo được sự tin tưởng của chức sắc tín đồ và các tầng lớp nhân dân vào chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai đảm bảo tính pháp lý, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các cơ sở tôn giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở và cá nhân tôn giáo được thực hiện quyền của người sử dụng đất.

https://haiphong.gov.vn/upload/haiphong/product/2023/4/f4797a8dce11124f4b00-1238786c6d834742ada00c02e8cd8353.jpg?maxwidth=2048

Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng hiến chương, điều lệ, tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra và thực hiện đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc.

Nhiều tổ chức tôn giáo đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ để tổng kết chương trình hoạt động nhiệm kỳ vừa qua, đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới; các hội nghị thường niên, hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở thờ tự tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều lễ hội tín ngưỡng được khôi phục, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự; giá trị tích cực của đạo lý và truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước được phát huy. Một số lễ hội như: lễ hội đền Đông Cuông ở Yên Bái; lễ hội đền Tranh ở Hải Dương,… mới được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã làm phong phú thêm đời sống tín ngưỡng của Nhân dân và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. 

Lễ rước Mẫu qua sông trong lễ hội đền Đông Cuông ở Yên Bái

Các tổ chức tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, hoạt động thuần túy tôn giáo, theo đúng hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước phê duyệt. Trên địa bàn cả nước, các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động, thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ và Nhân dân tham gia; nhiều tổ chức tôn giáo đã tổ chức các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thường niên theo quy định của pháp luật, tiếp tục xác định đường hướng hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và giáo hội ngày càng cởi mở, gắn bó hơn; củng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền.

Nguyễn Lê