Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai trên 7.000 tỷ đồng từ thiện xã hội trong nhiệm kỳ VIII
Ngày đăng: 29/11/2022
Thượng tọa Thích Đức Thiện báo cáo kết quả công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII của GHPGVN tại Đại hội
“Trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã huy động, triển khai hơn 7.133 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội”, đó là nội dung được Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, phiên Khai mạc sáng 28/11/2022.

Theo đó, công tác từ thiện xã hội là những hoạt động Phật sự đạo đức, mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội.

Hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, Covid-19

Trước thảm họa thiên tai, bão lũ, lũ ống, lũ quét, hạn hán xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển, thông qua Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN đã có thông báo, thông bạch, công văn vận động tài chính, phẩm vật cứu trợ, động viên tinh thần, ổn định đời sống cho đồng bào bị thiên tai gặp nhiều khó khăn, nhằm sớm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.   

Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã tích cực phát động nhiều Phật sự hướng về vùng tâm dịch, chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện thu dung.

Các chùa, cơ sở tự viện trong vùng tâm dịch mỗi ngày đã nấu hàng ngàn suất cơm từ thiện gửi tặng đồng bào khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, cũng như quan tâm đến các y, bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch…

Không chỉ triển khai các hoạt động cứu trợ trong nước, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Sri Lanka và Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội về việc hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lương thực, vật tư y tế thiết yếu, thuốc men... do ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội,  Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt trầm trọng lương thực, vật tư y tế thiết yếu, cạn kiệt thuốc men... Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN kêu gọi tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện quyên góp, ủng hộ giúp đỡ người dân Sri Lanka vượt qua thời điểm khó khăn.

Hoạt động của các Tuệ Tĩnh Đường, phòng khám Đông y, Tây y

Hiện nay, toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 Lương y, 40 Bác sĩ đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.

https://www.phattuvietnam.net/wp-content/uploads/2020/02/4-2-640x480.jpg

Người dân đến khám bệnh tại Tuệ Tĩnh đường Linh Quang (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng)

Hoạt động của các nhà dưỡng lão, cơ sở nuôi trẻ mồ côi

Hiện nay, GHPGVN đang triển khai 120 lớp học tình thương trên cả nước, với 5.678 em, 199 giáo viên; 64 Cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi, khuyết tật đã có pháp nhân, được cơ quan chức năng cấp phép thành lập; 15 Trung tâm nuôi dưỡng 527 cụ già, neo đơn; 46 Trung tâm nuôi dạy 1.429 trẻ mồ côi, trẻ em chất độc màu da cam, và 1 Trung tâm phục hồi chức năng.

Để có cuộc sống ổn định về vật chất, một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành  đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc…, như Trường dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh (Thừa Thiên Huế), chùa Long Phước, Long Thành (Long An), Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Trường dạy nghề điêu khắc gỗ chùa KomPong Chrây (chùa Hang, Trà Vinh).

Tham gia phong trào phòng chống HIV/AIDS

Tại một số tỉnh thành, Ban Trị sự Phật giáo đã thành lập văn phòng tư vấn, cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, như TP. Hồ Chí Minh có chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp), chùa Diệu Giác (Quận 2); tại Hà Nội có chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am; TP. Hải Phòng có chùa Bảo Quang; TP. Đà Nẵng có chùa Quang Minh (quận Liên Chiểu).

Thừa Thiên Huế tổ chức lớp dạy châm cứu, 02 lớp dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức; mở phòng tư vấn sức khoẻ, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho tăng ni, Phật tử, tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị, tham quan học tập phòng chống HIV/AIDS ở trong và ngoài nước. 

Công tác cứu trợ

Trong nhiệm kỳ VIII, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố và tăng ni, Phật tử cả nước đã nỗ lực vận động tài chính, phẩm vật, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ hàng chục ngàn ca phẩu thuật đục thủy tinh thể, hàng chục ca mổ tim, hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đại đoàn kết; ủng hộ và nuôi dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây cầu bê tông, làm đường xi măng, tặng xuồng, giếng nước sạch, xe lăn, xe lắc giúp đỡ người tàn tật, đồng bào nghèo, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa xe đạp, tặng máy vi tính cho học sinh nghèo…

Tổng trị giá các hoạt động cứu trợ trong nhiệm kỳ VIII lên tới hơn 7.133 tỷ đồng. Trong đó, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh vận động, triển khai 3.500 tỷ đồng, Phân ban Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới các tỉnh thành là 1.170 tỷ đồng; Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương 420 tỷ đồng; Các Phân ban thuộc Ban Từ thiện Xã hội Trung ương: Phân ban Từ thiện Xã hội Khất sĩ 270 tỷ đồng, Phân ban Cứu trợ Nhân đạo 70 tỷ đồng, Phân ban Từ thiện Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế 30 tỷ đồng, Phân ban Y tế 15 tỷ đồng, Phân ban Giáo dục 50 tỷ đồng.

https://tapchivanhoaphatgiao.com/wp-content/uploads/2020/10/h25.png

Trong suốt chặng đường 40 năm thành lập, phát triển và hội nhập, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội luôn được coi là một trong những trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Giáo hội chỉ đạo tăng ni, Phật tử và các chùa, tự viện thực hiện thường xuyên, kịp thời, đã phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội./.

Ngọc Linh