Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản thế giới
Ngày đăng: 23/02/2022Với những giá trị nổi bật riêng có, quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Trong tâm thức của người Việt, Yên Tử là dãy núi thiêng gắn với danh xưng “đất Phật”, nơi tìm về hành hương, thưởng ngoạn những ngôi chùa tháp cổ kính ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, mây núi phù vân. Vượt ra khỏi không gian cảnh quan, giá trị của quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử bao trùm suốt hơn 700 năm lịch sử, minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trên con đường từ Thăng Long tới đỉnh Yên Tử (nay thuộc TP Uông Bí, Quảng Ninh), dấu chân của bao thế hệ danh nhân lịch sử, nhà tu hành đã để lại Côn Sơn, Thanh Mai (TP Chí Linh, Hải Dương), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (TX Đông Triều, Quảng Ninh)… một hệ thống chùa, am, tháp, đền, các di sản kinh văn… mang tính lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật độc đáo, tạo thành không gian văn hóa – tôn giáo thống nhất của cả khu vực. Đương thời, Yên Tử là Trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt với người sáng lập là Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông – vị vua duy nhất từ bỏ ngai vàng tu hành và đắc đạo.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận định: "Chúng ta không ngạc nhiên tại sao Phật hoàng lại chọn Yên Tử, dù đất nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh, ngọn núi thiêng. Ngài từ bỏ ngai vàng, giao cho thế hệ kế tục để lên núi cao, với tầm nhìn rộng, tuy tu hành nhưng là hướng tới trách nhiệm với quốc gia dân tộc và cộng đồng, và cả tôn giáo nữa. Ngài coi tất cả là một, là sứ mệnh thiêng liêng của mình. Vì thế Yên Tử là 1 vùng đất thiêng, mọi sự nhìn nhận ấy của Ngài đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc và đạo Phật của mình lên cao nhất."
Di tích và Danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) là điểm đến nổi tiếng nhất trong quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm
Nhận diện những giá trị đặc biệt của quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, các cụm di tích cấu thành như Khu di tích danh thắng Yên Tử và Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) đã được xếp hạng từ cấp tỉnh, quốc gia tới quốc gia đặc biệt, từng bước bảo vệ, tôn tạo và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử “quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào danh mục di sản thế giới. Đây là hồ sơ di sản đầu tiên có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, chưa có tiền lệ trong cả nước. Để bảo đảm sự vẹn toàn, quy mô của di sản, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học, tập trung nghiên cứu 3 lĩnh vực Giá trị văn hóa, lịch sử; Hệ thống kiến trúc cảnh quan; Đặc điểm, giá trị địa chất – địa mạo và đa dạng sinh học của quần thể, tạo cơ sở khẳng định về mặt khoa học cho hồ sơ di sản.
Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai (Hải Dương) được mở rộng nghiên cứu, khảo cổ trong thời gian qua, phát lộ nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ cũng gặp khó khăn khi các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế khó tiếp cận, tư vấn tại thực địa. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Yên Tử có giá trị vô cùng to lớn, đa dạng, phạm vi nghiên cứu trải dài hơn 11 nghìn km2, cho nên chúng ta phải làm hồ sơ trên 4 tiêu chí. Trong lịch sử chưa có hồ sơ di sản nào làm trên 4 tiêu chí như vậy, đây cũng là khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên qua quá trình làm việc 2 năm qua, tôi thấy rằng đây không phải là khó khăn mà là sức mạnh tổng hợp, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của 3 tỉnh trong thực hiện."
Ngày 22/1 vừa qua, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã họp bàn, ký cam kết thống nhất lộ trình phối hợp, hoàn thành hồ sơ đề cử trình UNESCO, khẳng định nỗ lực, sự quyết tâm trong hợp tác, khai thác giá trị của di sản chung. Thời gian tới, UBND 3 tỉnh xem xét, chấp thuận về chủ trương và cấp kinh phí cho Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật khảo cổ học tại một số điểm di tích để bổ sung cơ sở khoa học, bằng chứng vật chất làm rõ giá trị của các địa điểm, di tích, phục vụ triển khai nghiên cứu, bổ sung xây dựng hồ sơ Yên Tử. 3 tỉnh cũng sẽ huy động nguồn xã hội hóa cho các nội dung phát sinh trong quá trình xây dựng hồ sơ; chú trọng bảo tồn nguyên trạng, không cấp phép nghiên cứu các dự án vào phần diện tích đã phát hiện khảo cổ, đồng thời chỉnh trang cảnh quan, đón các đoàn nghiên cứu.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Quảng Ninh và Bắc Giang để sớm hoàn thiện hồ sơ. Chúng ta phải có cách làm, phương pháp cụ thể, chi tiết và rất quyết liệt. Nếu như được UNESCO công nhận thì đây thực sự là thành quả về văn hóa đã vượt khỏi không gian của một tỉnh, trở thành di sản chung của nhân loại và đất nước, mà trong đó 3 tỉnh cùng nhau xây dựng, bảo vệ và giữ gìn."
Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương ký kết các biên bản thỏa thuận thực hiện nội dung hợp tác, trong đó có việc hoàn thành Hồ sơ khoa học quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trình UNESCO
Hiện, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã hoàn thành cơ bản khối lượng hồ sơ khoa học Yên Tử. Theo lộ trình, hồ sơ lần 1 đề cử sẽ hoàn thiện trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7; Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris sẽ hoàn thiện trước ngày 31/12/2022./.
Theo vov.vn