Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu
Ngày đăng: 30/11/2020
Ảnh minh họa.
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal trên phạm vi toàn cầu và tầm quan trọng của chứng nhận Halal, qua đó, giúp thúc đẩy việc tham gia vào thị trường thực phẩm nói chung và thị trường thực phẩm Halal nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 30/11, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng tổ chức Diễn đàn Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại Hà Nội. 

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal trên phạm vi toàn cầu và tầm quan trọng của chứng nhận Halal, qua đó, giúp thúc đẩy việc tham gia vào thị trường thực phẩm nói chung và thị trường thực phẩm Halal nói riêng của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp.

Logo chứng nhận đạt chuẩn Halal trên sản phẩm như là một bằng chứng về niềm tin mà theo đạo Hồi có nghĩa là được phép sử dụng. Chứng nhận Halal có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vì nó không chỉ đạt những yêu cầu về mặt tôn giáo mà còn tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Người theo đạo Hồi chỉ sử dụng những sản phẩm đạt chứng nhận Halal.

Ngành công nghiệp liên quan đến Halal không chỉ là có thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn, mà còn có các nguyên vật liệu để chế biến; mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe; dịch vụ hậu cần; dịch vụ nhà hàng, khách sạn… theo tiêu chuẩn phục vụ người Hồi giáo, thị trường Halal.

Cộng đồng Hồi giáo toàn cầu là 1,8 tỷ người, chiếm 23% tổng dân số thế giới, trong đó châu Á có 1 tỷ người, riêng khu vực Đông Nam Á là 230 triệu người. Nhóm 4 quốc gia – thị trường Hồi giáo đang phát triển là Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh có hơn 700 triệu người tiêu dùng. Dân số cộng đồng Hồi giáo toàn cầu sẽ tăng, dự báo đến 27% vào năm 2050 với khả năng tiêu thụ sản phẩm Halal vào khoảng 15 nghìn tỷ USD. Nhu cầu toàn cầu trị giá tới 1,93 triệu tỷ USD về thực phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo) mới chỉ được đáp ứng xấp xỉ 10%. Các thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm Halal như Malaysia, Indonexia, Brunei và Trung Đông đều rất đang quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam. Bởi Việt Nam có lợi thế về nguồn nông nghiệp như cacao, café, gạo, lúa mạch, các sản phẩm từ biển, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả... hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người Hồi giáo.

Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal (thực phẩm Halal) sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới. Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi có tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có Việt Nam.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Diễn đàn, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham dự, phát biểu và hơn 300 đại biểu Việt Nam, quốc tế sẽ tham gia trực tiếp và trực tuyến Diễn đàn.

Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn lần này sẽ diễn ra 4 phiên, bao gồm: Phiên 1- Tiềm năng Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu; Phiên 2 - Chứng nhận Halal - Chìa khóa tiếp cận thị trường thực phẩm Halal toàn cầu; Phiên 3 - Chiến lược Tiếp cận thị trường Halal toàn cầu; Phiên 4 - Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường thực phẩm Halal toàn cầu./.

Theo dangcongsan.vn