Vì một mùa lễ hội an toàn, văn minh!
Ngày đăng: 06/01/2021Làm thế nào để hoạt động lễ hội năm 2021 được diễn ra bình thường, nề nếp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân? Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Trong năm 2020, nhiều địa phương trên cả nước đã tạm dừng tổ chức các lễ hội để phòng, chống dịch COVID-19, theo bà điều này có ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân không?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành các Công điện và công văn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh này trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
Bộ thường xuyên chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh; kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gây ra.
Nhìn chung, công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo ở Trung ương và địa phương đã kịp thời đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tránh để tình trạng dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trong đó có các nội dung như: Tăng cường kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và việc giảm hẳn quy mô các lễ hội đang diễn ra tại các địa phương; dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các địa phương đã công bố dịch. Các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra....
Việc dừng tổ chức lễ hội vẫn đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Quan trọng nhất là nhờ có công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng, nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh được nâng cao.
PV: Bà đánh giá thế nào về sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương, kể cả các tổ chức tôn giáo trong việc quản lý lễ hội năm vừa qua?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Đối với các bộ, ngành ở trung ương: Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng đồng tiền Việt Nam mệnh giá nhỏ tại các di tích, lễ hội; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải... tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời định hướng các cơ quan truyền thông tuyên truyền những nét đẹp văn hóa trong lễ hội và kịp thời đưa tin công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội năm 2020. Năm 2019, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy chế phối hợp số 02/QCPH-BNV-BVHTTDL giữa hai Bộ trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Quy chế đã cụ thể hóa và quy định rõ nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của hai Bộ; Triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch có nội dung liên quan đến tín ngưỡng; Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng; Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tín ngưỡng.
Đối với địa phương: Thực hiện tinh thần quán triệt sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động tổ chức lễ hội; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức lễ hội; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội tại địa phương. Hầu hết các địa phương đã có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thành phố, cán bộ văn hóa xã hội các xã, phường, thị trấn và Ban quản lý di tích cơ sở thực hiện Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, đồng thời công bố thủ tục hành chính về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền.
|
Đông đảo du khách thập phương về dự Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018. |
PV: Trong trạng thái bình thường mới, Bộ VHTTDL có những định hướng và giải pháp cụ thể như thế nào để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội năm 2021, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội năm 2021, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện những nội dung sau:
Một là, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản của Đảng và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; Rà soát, thống kê, phân loại lễ hội: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bốn là, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Năm là, trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
PV: Thưa Cục trưởng, kể từ khi có Nghị định 110 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, công tác này đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội, được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước. Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định). Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật độc lập dưới hình thức Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; là hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, ngành và địa phương làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Với những quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, Nghị định là căn cứ để Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền các cấp, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Nghị định, ý thức trách nhiệm của ban tổ chức và người tham gia lễ hội trong thời gian gần đây đã được nâng lên rất nhiều. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đi vào nề nếp, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội; góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Nhìn chung, các hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước trong những năm gần đây được tổ chức an toàn, đáp ứng nhu cầu tinh thần trong đời sống của nhân dân. Ý thức tham gia lễ hội của cộng đồng thực sự có những chuyển biến tích cực.
PV: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng các vấn nạn bói toán, trò chơi trá hình, đốt nhiều vàng mã … vẫn tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc lễ hội truyền thống. Với vai trò cơ quan quản lý, ngành đã có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết tình trạng đó, thưa đồng chí?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Để khắc phục những hiện tượng nêu trên, thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 848/QĐ-BVHTTDL ngày 08/3/2019 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; Quyết định số 1983/QĐ-BVHTTDL ngày 04/6/2019 phê duyệt Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn 2020-2021; Quyết định số 3020/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2019 ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục giai đoạn 2020-2022.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng giao trách nhiệm cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương để đánh giá thực trạng, những tồn tại, vướng mắc, từ đó tham mưu đề xuất nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Các địa phương cũng cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh. Tăng cường phối hợp liên ngành. Có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong xử lý những hiện tượng tiêu cực như bói toán, đốt vàng mã tràn lan, biến tướng lễ hội…
Bên cạnh việc tạo ra những hành lang pháp lý cho các hoạt động lễ hội phát triển, cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến những chính sách bảo tồn các lễ hội truyền thống, khuyến khích người dân tham gia lễ hội với cách hành xử văn minh, lịch sự, qua đó góp phần xây dựng nhân cách hướng thiện của con người. Đồng thời, công tác tuyên truyền về lễ hội cần phải được thông tin đầy đủ, đúng mực, khách quan - coi đây là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của các lễ hội truyền thống.
Chúng tôi cho rằng, bất cứ một hoạt động mang tính chất cộng đồng nào cũng luôn phải có sự định hướng, quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động đó phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và mỗi người dân. Muốn vậy, công tác định hướng, quản lý phải được thực hiện nghiêm túc, sát sao, thường xuyên, liên tục; phải phát huy được sức mạnh tổng thể của các kênh thông tin, tuyên truyền...
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo dangcongsan.vn