Văn hóa cồng chiêng ở miền Tây xứ Nghệ
Ngày đăng: 08/12/2020Bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Tây xứ Nghệ luôn xem cồng chiêng là báu vật, biểu tượng cho quyền lực linh thiêng. Giữ hồn cồng chiêng cũng chính là gìn giữ sợi dây " thanh âm huyền bí" trong các nghi lễ, lễ hội...
Thanh âm huyền bí
Đối với đồng bào các DTTS miền Tây xứ Nghệ, một đời người, từ lúc sinh ra cho đến khi giã biệt cõi trần, âm vang của cồng chiêng là thứ không thể thiếu và không bao giờ được thiếu. Tiếng cồng chiêng có mặt ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới...
Tôi đã đi qua nhiều bản, nhiều mường miền Tây xứ Nghệ, tận mắt chứng kiến nhiều lễ hội của đồng bào các DTTS và nhận thấy rằng, âm thanh cồng chiêng luôn là thứ được cất lên đầu tiên của mỗi nghi lễ. Ở đó, cồng chiêng là sợi dây thanh âm huyền bí, kết nối cõi trần với thần linh, kết nối hữu hình với vô hình. Đồng bào các DTTS nơi miền Tây xứ Nghệ còn xem cồng chiêng là báu vật, là tiếng nói mang tâm tư, tình cảm của mình...
“Nếu người Mông thường dùng cồng chiêng trong nghi lễ cúng tế trang nghiêm, thì người Thái, người Khơ Mú lại dùng cồng chiêng trong ngày hội, ngày tết với ý nghĩa vui vẻ, phấn khởi. Do đó, nhạc cụ cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các DTTS ở miền Tây Nghệ An”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Cụt Thị Hợi cho biết.
Khi tiếng chiêng, tiếng cồng ngân vang giữa thung sâu của đại ngàn, cũng là thời khắc báo hiệu một sự kiện trọng đại đang diễn ra mà con người chính là chủ thể. Theo quan niệm của đồng bào các DTTS ở Nghệ An, vạn vật đều có linh hồn, những thầy cúng, thầy mo cho rằng, chỉ có thanh âm của cồng chiêng mới có thể kết nối các linh hồn, vạn vật với nhau.
Sự hiện diện của văn hóa cồng chiêng không chỉ trong ngôi nhà sàn, bên cạnh cầu thang, bên bếp lửa, mà còn xuất hiện khắp mọi “ngõ ngách” của đời sống hàng ngày. Âm thanh ấy là tiếng nói cộng cảm, là ước mơ, khát vọng, là niềm vui, nỗi buồn và thông điệp trao gửi giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cộng đồng với thế giới thần linh, với môi trường sinh thái. Văn hóa cồng chiêng không chỉ có giá trị âm nhạc, lịch sử, nghệ thuật biểu diễn… mà còn có giá trị về tâm linh, trở thành chất xúc tác không thể thiếu đối với đời sống tinh thần cộng đồng các dân tộc tại địa phương.
Bên ánh lửa bập bùng và bên những chóe rượu cần đã mở sẵn, tiếng ngân vang của cồng chiêng như dẫn lối mỗi người đến với tận cùng của giá trị văn hóa truyền thống. Thanh âm ấy, nói như những già làng, trưởng bản, “cồng chiêng càng to thì tiếng càng trầm và càng nhỏ thì tiếng càng thanh cao” đầy mê hoặc và quyến rũ…
Vậy nhưng, khi đi qua nhiều bản, nhiều mường thì thấy rằng, cồng chiêng chủ yếu do những người cao tuổi sử dụng. Và khi lớp người cao tuổi ấy không còn đủ sức để gìn giữ, thì vật thiêng ấy sẽ đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Như ông Chủ tịch UBND xã Tri Lễ huyện Quế Phong (Nghệ An) Vi Văn Cường từng ngậm ngùi chia sẻ: “Cụ Lô Cù Chính ở bản Cắm có bộ cồng chiêng rất quý, truyền từ đời trước để lại. Nhưng sau khi cụ Chính mất, con cháu đã bán bộ cồng chiêng sang huyện khác”...
Cụ ông Mạc Văn Nguyến, bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) nâng niu bảo vật cồng chiêng của tổ tiên
Quyết tâm gìn giữ bảo vật
Khi nhận ra nguy cơ thất truyền vật thiêng của bản, của mường, không ai khác, chính lớp người già lại là những người trăn trở, nặng lòng gìn giữ cồng chiêng như chính con ruột của mình.
Cụ Mạc Văn Nguyến bao năm nay đang giữ gìn bộ chiêng của bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Trước đây, đời cụ, đời ông, đời cha của cụ Nguyến nghèo lắm. Con đông, gia cảnh khó khăn nên các thế hệ cha ông phải quần quật từ mờ sáng tới tận tối mịt vẫn chẳng đủ ăn. Ấy thế mà chẳng ai nỡ bán đổi bộ cồng chiêng có giá trị bằng nhiều con trâu để lấy miếng ăn, đắp đổi qua ngày. Bên chiếc chiêng đồng đã ngả sang màu xanh sẫm, nhuốm bụi thời gian, cụ Nguyến tự hào: "Nó đã được truyền qua năm đời người rồi đấy. Gia bảo của nhà ta đấy".
Hết lật chiếc này, rồi mân mê cái kia, có lẽ cụ Nguyến đang hồi tưởng về những tháng ngày mà trước kia, cha ông của cụ cũng đã từng trân quý những cồng chiêng như báu vật. Cụ Nguyến kể rằng, bộ cồng chiêng ấy được ông nội đổi bằng bốn con bò rất to; đã từng được đánh cho trưởng bản, chúa mường nghe trong mỗi dịp hội bản, lễ mường.
“Nhiều người ở xa đánh tiếng hỏi mua bằng nhiều tiền nhưng ta không bán đâu. Đời con, đời cháu của ta cũng sẽ không bán đâu”, cụ Nguyến khẳng định chắc nịch.
Thế hệ trẻ dân tộc Thổ, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đánh cồng (Ảnh N.A)
Trò chuyện cùng chúng tôi, lãnh đạo huyện Tương Dương (Nghệ An) "khoe" rằng, toàn huyện đang có hơn 40 bộ cồng chiêng ở các bản làng đang được các già làng, trưởng bản lưu giữ. Trưởng phòng Văn hóa thông tin (VHTT) huyện Tương Dương - Lô Thanh Long bấm ngón tay đếm: "Những bản làng gìn giữ cồng chiêng rất tốt như bản Chắn và bản Phòng, xã Thạch Giám; bản Cành Khỉn và bản Cọc, xã Yên Hòa; bản Cáp Chạng, xã Yên Tĩnh… Chúng tôi rất mừng vì hồn cốt của dân tộc vẫn đang được các thế hệ nâng niu, trân quý".
Còn tại huyện Con Cuông, ông Lê Thanh Đô, Trưởng phòng VHTT cung cấp một thông tin khiến chúng ta phải cùng chung vui: Huyện đang có 29 bộ cồng chiêng sử dụng tại 29 CLB dân ca dân tộc Thái. Rất nhiều bộ cồng chiêng trong số này đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Không thể để cồng chiêng xa rời cuộc sống hàng ngày, không thể để hồn cốt văn hóa này bị thất truyền, nhiều địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ cũng đã có cách gìn giữ rất hay. Ngoài việc đưa nội dung bảo tồn gìn giữ cồng chiêng cụ thể hóa bằng Nghị quyết, thì việc đưa nội dung này vào thang tiêu chí để chấm điểm đánh giá làng bản văn hóa, câu lạc bộ dân ca dân vũ… đang rất được mọi người đồng tình, ủng hộ.
Xuôi dòng Lam giang, đồng bào Thái, Thổ ở các bản làng của huyện Con Cuông cũng đang gìn giữ nhiều bộ cồng chiêng quý hiếm. Cũng chẳng ai khác, những người cao tuổi, uy tín, già làng, trưởng bản đã nối tiếp nhau truyền qua bao thế hệ để cồng chiêng mãi mãi trường tồn trong đời sống văn hóa, tâm linh…
Theo dantocvaphattrien