Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Ngày đăng: 13/01/2021Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.
Hàng năm có hàng chục di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước và nhân dân đầu tư tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, trong đó, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là một điểm nhấn quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Du lịch và nhiều ngành nghề dịch vụ khác. ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch bảo tồn được thực hiện hiệu quả, đã và đang đóng góp thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân như việc nghiên cứu nhận diện, phục hồi di sản; đầu tư phát triển các nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong gia đình, làng xóm, cơ quan, đơn vị, dần hình thành các chuẩn mực đạo đức mới trong xã hội, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu thế phát triển, hội nhập hiện nay. Nét đẹp văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình từ truyền thống đến hiện đại đang từng bước tạo sắc thái riêng, ấn tượng trong bức tranh chung của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm hạn chế đáng kể trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư là tỉnh Ninh Bình chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện về Hoa Lư, xứng đáng với vị thế là kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng Ninh Bình chưa đủ điều kiện tái hiện không gian văn hóa lịch sử kinh thành Hoa Lư. Việc đầu tư, tu bổ khu di tích Cố đô Hoa Lư đã được quan tâm nhưng còn dàn trải, chưa đáp ứng tốt nhu cầu bảo tồn gắn với phát triển du lịch…
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Cố đô, tạo nền tảng để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững cần triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp: Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, nhận diện giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình. Từ đó có cơ sở khoa học để đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị, mở rộng, bổ sung thêm các điểm di tích lịch sử, văn hóa có hàm lượng khoa học cao trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về giá trị của di sản cho cộng đồng để cộng đồng tự nguyện, tự giác tham gia có trách nhiệm vào công tác bảo vệ. Đặc biệt quan tâm đào tạo tại chỗ những người dân có tay nghề, có kiến thức, có hiểu biết về di sản trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn, đồng thời khuyến khích cộng đồng tạo ra những sản phẩm đặc thù, riêng có của địa phương, đảm bảo vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân.
Cần áp dụng đồng thời các giải pháp kỹ thuật cổ truyền và khoa học công nghệ hiện đại để giữ được yếu tố gốc, giữ được cơ sở dữ liệu quan trọng của quá khứ nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản một cách căn cơ, có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu về di sản văn hóa để khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở, phù hợp với yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng 4.0 nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học đối với các di tich lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tăng cường năng lực quản lý và phát triển các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững. Cần đặt mục tiêu hướng tới của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, một đội ngũ thợ lành nghề được trang bị và nắm vững những quy định của Luật Di sản văn hóa và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; được trang bị các phương pháp khoa học về bảo tồn truyền thống và hiện đại; có năng lực phối hợp và liên kết với các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn để quản lý và triển khai tốt các hoạt động bảo tồn di sản; sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản...
Theo ninhbinh.vn