Tổ chức lễ cầu an trực tuyến: Chỉ cần người dân nhất tâm...
Ngày đăng: 23/02/2021Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các khóa lễ cầu an vốn được các chùa, cơ sở thờ tự lên kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đã buộc phải chuyển hướng sang các hình thức tổ chức khác, trong đó có tổ chức online.
Nhiều ngôi chùa lớn thông báo đến phật tử và người dân về việc tổ chức Đại lễ cầu an trực tuyến thay vì các khóa lễ cầu an rải rác theo ngày. Các chuyên gia văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho rằng, việc tổ chức Đại lễ cầu an trực tuyến vẫn có thể truyền tải những thông điệp chính của các nghi lễ đến mọi người dân.
Khuyến khích hình thức trực tuyến
Thực tế đã ghi nhận từ mùa lễ Vu lan năm 2020, một số cơ sở thờ tự đã tổ chức Đại lễ bằng hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, các tín đồ phật tử và người dân đều hưởng ứng giải pháp vừa đảm bảo an toàn, vừa truyền tải được những thông điệp của các nghi lễ tâm linh đến đông đảo người dân.
Cho đến dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì nhiều ngôi chùa, cơ sở tự viện đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động như lễ cầu an, dâng sao giải hạn... theo hình thức trực tuyến. Riêng tại Hà Nội, sau yêu cầu của UBND thành phố về việc các cơ sở thờ tự đóng cửa từ 0h ngày 16.2 để chống dịch, lần lượt các chùa ra thông báo việc chuyển đổi các khóa lễ cầu an đã đăng ký theo ngày sang Đại lễ cầu an trực tuyến, hoặc làm lễ theo giờ đăng ký để các gia đình vái vọng.
Chùa Phúc Khánh là địa chỉ thường xuyên quá tải trong mỗi dịp trước Rằm tháng Giêng, khi hàng ngàn người dân đổ về tham gia các khóa lễ cầu an, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài hàng km. Thế nhưng năm nay cảnh tượng đó sẽ không lặp lại. Nhà chùa đăng thông bạch về việc sẽ tổ chức đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến, thời gian vào 20h ngày 25.2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Tân Sửu). Các nghi lễ diễn ra trong khoảng một giờ do các nhà sư cử hành và sẽ được đăng tải trên các kênh Facebook, Youtube để phật tử cả nước tham gia, theo dõi. Hình thức làm lễ trực tuyến cũng đã được nhà chùa thực hiện trong lễ Vu lan báo hiếu năm 2020. Theo Đại đức Thích Minh Đức, lễ cầu an được tổ chức để mọi người cầu cho quốc thái dân an, chỉ cần người dân nhất tâm thì không nhất thiết phải đến chùa. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện lễ cầu an trực tuyến không chỉ giúp phòng chống dịch mà còn giúp người dân ở mọi miền Tổ quốc đều có thể tham gia, theo dõi.
Để đảm bảo phòng, chống dịch, năm nay nhiều chùa tổ chức lễ cầu an bằng hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Người dân thực hiện nghi thức lễ cầu an tại khu vực chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Hình ảnh này sẽ không lặp lại trong năm nay Ảnh: Thanh Thúy
Theo nội dung thông bạch được dán ngoài cổng, nhà chùa đề nghị các phật tử đã đăng ký làm lễ vào các ngày 6, 7, 8, 9 tháng Giêng chuyển sang dự lễ trực tuyến. Sớ cầu an của các gia đình sẽ được nhà chùa dâng lên chính điện. Sau ngày 14 tháng Giêng, các phật tử đến lễ tạ và nhận lộc như đã đăng ký. Tại chùa Quán Sứ, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhà chùa vẫn nhận cầu an, giải hạn cho người dân trong tháng Giêng năm Tân Sửu 2021. Theo đó, các sãi sẽ hướng dẫn người dân gửi đầy đủ thông tin và gửi cho các sư trong chùa viết sớ. Phiếu đăng ký được gửi cho mỗi người ghi rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam chùa Quán Sứ Hà Nội, Phiếu đăng ký cầu an – giải hạn” và có ghi đầy đủ ngày giờ, số thứ tự để vái vọng, nhận lộc. Theo đúng ngày, giờ trong phiếu, các sư sẽ làm lễ bên trong chùa và người dân có thể vái vọng ở nhà.
Các hình thức tổ chức lễ cầu an trực tuyến hay theo giờ đăng ký, người dân vái vọng tại nhà cũng được nhiều ngôi chùa, cơ sở tự viện khác áp dụng trong mùa lễ hội năm nay để tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hình thức tổ chức lễ cầu an trực tuyến cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các chùa thực hiện.
Phù hợp và đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của người dân
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc, khát vọng phát triển, mọi sự hanh thông trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh, nhu cầu của mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng, Giáo hội khuyến khích tăng ni, phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như Giác ngộ online, Phật giáo.org, Phật sự Online, mạng xã hội Butta.
Với hình thức tổ chức các nghi lễ online, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho rằng là hình thức phù hợp trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Thực tế những năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều cơ sở tự viện trên cả nước đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ trong quản lý điều hành mà còn trong công tác hoằng pháp như tổ chức các đại lễ, các khóa lễ cầu an, lễ Vu Lan… theo hình thức trực tuyến. Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành là một tất yếu. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng hai trung tâm điều hành điện tử tại chùa Quán Sứ và tại TP.HCM.
Người dân đọc thông bạch tại chùa Phúc Khánh
Theo ông Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, việc thực hiện các nghi lễ Phật giáo theo hình thức trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động Phật sự, các hoạt động thuần tuý Phật giáo. Với việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, mọi tương tác trực tiếp được thay bằng gián tiếp, không gian tôn giáo hay các cơ sở tôn giáo được thay bằng không gian mạng. Về cơ bản, nhiều nội dung của nghi lễ sẽ được rút gọn hơn so với tổ chức trực tiếp. Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì với hình thức trực tuyến, thông điệp chính của nghi lễ tôn giáo vẫn có thể truyền tải được đến với tất cả mọi người. Đồng thời, đây cũng là cách thức phù hợp, vẫn có thể đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cũng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hơn một năm qua, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đều tổ chức thực hành các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến. Việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến có những ưu điểm như tiết kiệm chi phí; đồng thời có thể truyền tải đến số lượng đông đảo tín đồ và trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với tổ chức trực tiếp. Trong bối cảnh dịch bệnh và những điều kiện tương tự khác, việc tổ chức những nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến là lựa chọn phù hợp.
Trong điều kiện bình thường, có thể có những nghi lễ tôn giáo vẫn có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Bởi trong tương lai, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của trí tuệ nhân tạo, internet… thì việc thực hành các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến sẽ trở nên phổ biến hơn, không chỉ đối với những tổ chức tôn giáo và cả với mỗi tín đồ./.
Theo baovanhoa.vn