Tính nhân văn, bác ái, tinh thần cộng đồng cao đẹp là nét tương đồng nổi bật trong hoạt động từ thiện nhân đạo của các tôn giáo tỉnh Đồng Tháp
Ngày đăng: 16/06/2022
Tỉnh Đồng Tháp có nhiều tôn giáo (Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cơ đốc Phục lâm Việt Nam,…. Có 09 tổ chức cấp tỉnh, 12 tổ chức cấp huyện, 179 tổ chức cấp xã, 1.201 chức sắc, 1.929 chức việc và 445.790 tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số toàn tỉnh.

Thượng tọa Thích Thiện Quý, Trụ trì chùa Tâm Thành, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp được vinh danh là công dân tiêu biểu đất Sen Hồng năm 2021. (Hình ảnh trên là một trong những lần thiếu tài xế, Thượng tọa Thích Thiện Quý đích thân lái xe chở quà phát cho đồng bào vùng dịch)

Mặc dù hoàn cảnh ra đời, quy mô tổ chức, cơ chế hoạt động, tầm ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo khác nhau, vì vậy nhận thức, quan điểm cá nhân, ý thức hệ tôn giáo của tín đồ các tôn giáo cũng rất khác nhau, nhưng nét tương đồng, điểm chung, điểm nổi bật của các tôn giáo nói chung ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng là luôn đề cao tính hướng thiện, nhân đạo qua phương châm hành đạo của mỗi tổ chức. Thể hiện như phương châm hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp  - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Công giáo là “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, của Phật giáo Hòa Hảo” là “ Vì Đạo pháp, Vì Dân tộc”,…Và, trong từng thời điểm lịch sử cụ thể, những phương châm ấy được hiện thực bằng những việc làm, những nghĩa cử có tính nhân văn, nhân ái sâu sắc, tính cộng đồng bền vững và cao đẹp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm các tổ chức tôn giáo ở Đồng Tháp vận động các nhà hảo tâm, các nhà mạnh thường quân, các tín đồ tâm đạo đóng góp hàng trăm tỷ đồng tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo qua nhiều hình thức thiết thực, góp phần cùng  chính         quyền, Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của địa phương.

Tín đồ các tôn giáo, đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, họ ngồi lại với nhau làm việc một cách chăm chỉ, cần mẫn không so đo, vụ lợi mà vì lòng tương thân, tương ái. Từ việc lớn đến việc bé như: Xây cầu, làm đường nông thôn; Tổ cấp cơm – cháo – nước miễn phí tại các bệnh viện, trường học; các quán cơm từ thiện; “ quầy hàng 0 đồng”; “chuyến xe 0 đồng” tổ chức xe đưa rước bệnh nhân miễn phí; tặng xe lăn, xe đạp, dụng cụ học tập cho người tàn tật, học sinh nghèo; cứu trợ đồng bào bị thiên tai,…

Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp do Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Đồng Tháp điều hành

Đặc biệt, hoạt động từ thiện nhân đạo của tín đồ các tôn giáo ở Đồng Tháp ngày càng thu hút và có sức lan tỏa mạnh mẽ, rõ nét hơn qua đại dịch Covid-19. Ở đây, câu nói “Tất cả vì đồng bào vùng dịch” được nhiều người biết đến và chung tay hành động. Qua đó, nhiều hình ảnh, nhiều việc làm cảm động được quý trọng, tri ân   vì đã phần nào làm vơi đi nổi khổ đau, mất mát của đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, những mảnh đời khó khăn, bất hạnh bởi xung quanh họ còn nhiều tấm lòng nhân ái luôn an ủi, động viên họ có thêm nghị lực vượt lên chính mình, và họ cảm nhận cuộc sống này càng có ý nghĩa hơn, ấm áp hơn vì họ  “ không bị bỏ lại phía sau”.

Mục sư Đặng Trường Sơn, Trưởng Ban Đại diện Tin Lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh Đồng Tháp phát quà trong mùa Covid-19 và trao quà khuyến học cho thanh thiếu nhi

Giáo xứ Cao Lãnh, TP. Cao Lãnh tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tình nguyện viên Công giáo nhận balô, vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong lễ xuất quân tình nguyện viên tôn giáo tham gia phục vụ tuyến đầu chống dịch COVID-19 hồi tháng 8/2021

Điểm tương đồng nổi bật muốn chia sẻ là dù tổ chức và tín đồ các tôn giáo khác nhau, thậm chí rất khác nhau về điều kiện kinh tế, học vấn, đặc biệt là về quan điểm, ý thức hệ tôn giáo nhưng khi đất nước, đồng bào gặp khó khăn, hiểm họa thì họ gác lại những khác biệt, lấy điểm tương đồng, gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực hăng hái tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, góp phần xây dựng xã hội bình yên, đất nước phồn vinh, giáo hội ổn định, xây dựng hình ảnh người công dân đất Sen Hồng thân thiện, giàu lòng nhân ái, năng động, tiến bộ theo tinh thần “Nước vinh - Đạo sáng”, như Huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, hay lời dạy của Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ “Bờ cõi vững lặng thân Ta mới yên. Quốc gia mạnh giàu mình Ta mới ấm” và phương châm xuyên suốt qua 41 năm thành lập của Giáo hội Phật giáo việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”./.

 

Võ Tuấn Lộc Anh

Nguyên Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Tháp