Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam bảo vệ môi trường, vì sức khỏe cộng đồng
Ngày đăng: 28/09/2022Trải qua 88 năm kể từ ngày được thành lập (1934-2022), Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam luôn đoàn kết cùng các tôn giáo trong cả nước có nhiều hoạt động “Tốt đời - Đẹp đạo” góp phần làm cho xã hội ngày một vị tha và nhân ái hơn, đúng với tôn chỉ hành đạo mà Đức Tông sư Minh Trí đã đề ra “Phước Huệ Song Tu”.
Giáo hội hiện có 212 hội quán, tất cả đều có Phòng thuốc nam phước thiện. Đây là nơi thể hiện đường lối hành đạo nhập thế tích cực, vừa góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vừa nêu lên tấm gương “Thiểu dục tri túc, sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên”, mục tiêu là đưa đời sống con người đến chỗ chân - thiện - mỹ.
Trung tâm Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, thuộc Chi hội Hưng Thắng Tự, Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu
Tính riêng nhiệm kỳ (2014 - 2019), trong hoạt động nhân đạo từ thiện, Giáo hội đã thực hiện việc khám, chữa bệnh cho hơn 22 triệu lượt người; cấp phát hơn 74 triệu thang thuốc, tham gia hoạt động cứu trợ xã hội khác được hơn 50 tỷ đồng với tổng số tiền hơn 867 tỷ đồng đóng góp cho công tác an sinh, xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2014, Giáo hội tham gia ký kết thực hiện Chương trình “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Giáo hội đã có văn bản phổ biến trong toàn đạo, yêu cầu triển khai thông điệp BVMT: Phòng thuốc nam phước thiện là đạo tràng tu học Phước Huệ của người Tịnh độ và các thiện nam, tín nữ. Đây là nơi thể hiện đường lối hành đạo nhập thế tích cực, vừa góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vừa nêu lên tấm gương “Thiểu dục tri túc, sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên” mục tiêu là đưa con người đến với chân - thiện - mỹ.
Bên cạnh đó, Giáo hội đã kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm, không gây hại môi trường: “Chúng ta đối xử với môi trường thiên nhiên như thế nào, thì môi trường thiên nhiên sẽ đáp trả tương ứng. Cá nhân và cộng đồng cùng chung tay BVMT, chính là bảo vệ đời sống cộng đồng ở hiện tại cũng như trong tương lai”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội, toàn đạo đã phát động nhiều chương trình giảng giải giáo lý nhà Phật, giáo lý Tịnh độ Cư sĩ có liên quan đến nội dung BVMT như: “Lành nhỏ cũng không bỏ, dữ nhỏ cũng không làm”, trong đó nhân tố về lòng tham ác, sân si của con người được xem là yếu tố then chốt của mọi hành động.
Đặc biệt trong năm 2019, Giáo hội đã xây dựng mô hình Hội quán, Phòng thuốc nam là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, kêu gọi mọi người cùng chung tay BVMT và ứng phó với BĐKH, với các nội dung chính như: Giữ gìn cảnh quan hội quán Xanh - Sạch - Đẹp; mỗi hội quán phải có vườn thuốc nam, mỗi vườn nhà tín đồ nên trồng thuốc nam; khai thác cây thuốc trong thiên nhiên có chừng mực và theo quy định của Giáo hội; thực hành tiết kiệm điện, nước, giảm ăn thịt động vật; không vứt rác, túi ni lông, xác súc vật chết xuống sông, rạch. Cùng với đó, hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần để gói thuốc, thay vào đó là các loại giấy hoặc bao bì dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng được; thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn và tập kết rác đúng nơi quy định; vận động tín đồ ở nông thôn làm nông nghiệp hữu cơ, hạn chế phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón hữu cơ an toàn cho môi trường và sức khỏe con người; xây dựng Chi hội Hưng Thắng Tự, Bãi Dâu, TP. Vũng Tàu là Trung tâm Bảo tồn nguồn gen, giống cây trồng dược liệu quý (diện tích hơn 6 ha)…
Từ những hoạt động của Hội quán và Phòng thuốc nam phước thiện, Giáo hội đã rút ra bài học kinh nghiệm: Chức sắc, chức việc, y sĩ, y sinh phải là tấm gương đối với cộng đồng. Căn cứ thực tế giữa lời nói và hành động, cũng như hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, sẽ làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng, mọi người sẵn sàng chung tay, tham gia vào cuộc vận động của Giáo hội, hướng đến lợi ích của người dân, cùng bảo vệ, giữ gìn môi trường. Ở đây cũng cần nêu lên sự gắn kết hoạt động trong toàn hệ thống và phối hợp giữa các Ban: Trị sự, Y tế phước thiện, Đạo đức, Hộ đạo… đã tạo nên hiệu quả công việc rất tốt.
Hơn nữa, đứng trước nhu cầu trang bị kiến thức chuyên sâu về y tế và tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, nhất là kiến thức truyền thông về BVMT, ứng phó với BĐKH, Ban Trị sự Trung ương phải kịp thời tổ chức các khóa học tương ứng, điều này cũng là nhân tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chung của toàn đạo.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác BVMT và ứng phó với BĐKH, trong phương hướng hoạt động 5 năm tiếp theo (2019 - 2024), Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đề ra mục tiêu Thành lập Ban Chuyên trách để chỉ đạo xuyên suốt công tác BVMT, ứng phó với BĐKH; khuyến khích thành lập vườn thuốc nam khắp các chi hội; đào tạo nhân sự cũng như đầu tư mở rộng diện tích các vườn thuốc hiện có…/.
Thu Vân