Tín hữu Tin Lành huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tăng gia phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 11/11/2022
Nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Khả Cảnh, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương
Tăng gia phát triển sản xuất kết hợp với bảo vệ môi trường là mục tiêu hướng tới của phát triển kinh tế bền vững tại nhiều địa phương, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương với những mô hình tiêu biểu đang có những hướng đi mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tín hữu Tin Lành của Chi hội Tin Lành Khả Cảnh thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc).

Chi hội Tin Lành Khả Cảnh thành lập năm 1935. Trải qua gần 90 năm hình thành, phát triển, đến nay Chi hội có khoảng hơn 400 tín hữu, với cơ sở vật chất khang trang, nơi sinh hoạt tôn giáo gồm nhà thờ, khu Cơ đốc giáo dục. Ðời sống của tín đồ Chi hội ngày càng phát triển sung túc và luôn đề cao tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, chung sức cùng chính quyền, nhân dân địa phương góp phần xây dựng quê hương.

Chúng tôi có dịp gặp và trao đổi với ông Hoàng Văn Hải, tín hữu của Chi hội Tin Lành Khả Cảnh về mô hình vừa tăng gia sản xuất kết hợp với bảo vệ môi trường của gia đình ông đang áp dụng. Ông cho biết hiện ông đang nuôi hơn 20 con bò. Mỗi năm, chỉ doanh thu từ đàn bò đã mang về cho ông hơn 200 triệu đồng. Lượng phân bò thải ra mỗi ngày lại được ông xử lý chế phẩm vi sinh, không tạo mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường, đất, nước, không khí, lại vừa tạo thêm nguồn thu cho ông.

Ông Hoàng Văn Hải, tín hữu Chi hội Tin Lành Khả Cảnh, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương

“Mỗi ngày đàn bò của tôi thải ra khoảng 7 tạ phân, tôi xử lý chế phẩm vi sinh để không gây ô nhiễm môi trường. Số phân này tôi còn có thể bán được cho bà con xung quanh là 30 nghìn đồng/bao, mà còn không đủ bán”, ông Hải vui mừng chia sẻ.

http://cdn.thaibinhtv.vn/upload/news/9_2020/nuoi_bo_htien_5_18561416092020.jpg

Trang trại chăn nuôi bò của ông Hoàng Văn Hải

Ông cho biết, trong thời gian qua, Chi hội cũng mở nhiều các lớp học truyền thông và qua các lớp học thì các hội viên cũng ý thức và thực hiện nhiều công việc ích lợi cho môi trường như là tổ chức đi phát quang bờ, bụi rậm, những khu vực quanh đường đi, đóng góp tiền bạc xây dựng những con đường giao thông nông thôn; khuyến khích bà con ở trong chính gia đình mình thực những vườn rau nhỏ sạch, canh tác hữu cơ, chăn nuôi khép kín.

Một số xưởng may do các tín hữu của Chi hội trong quá trình sản xuất đã xử lý những mảnh vải vụn để tái chế làm những sản phẩm như sản phẩm lau chân, cái bắc nồi trong nhà bếp. Việc tận dụng như thế này vừa giảm thiểu được rác thải lớn thải ra môi trường, lại tạo thêm thu nhập cho công nhân ở đây. Mô hình này được nhân rộng ra các xưởng may trên địa bàn.

Ở trong Chi hội, “chúng tôi đã tổ chức các lớp chuyên nói về kỹ thuật làm vườn, tạo những thuốc trừ sâu sinh học từ ớt tỏi gừng, có những hoa quả sạch nhưng không ảnh hưởng đến môi trường. Khi người dân thấy mình làm được thì người ta mới thấy cái lợi ích rõ ràng và người ta mới hưởng ứng. Nếu mình chỉ truyền thông bằng lý thuyết thì người ta sẽ không hiểu mà khi mình làm được thì mình cầm tay chỉ việc cho họ và chỉ cho họ cách làm hiệu quả như thế nào, lợi ích ra sao thì tôi thấy nhiều người rất tâm đắc với việc chúng tôi đang làm”, ông Hải chia sẻ.

Chúng tôi luôn luôn ý thức và truyền thông cho bà con về các biện pháp để tạo một môi trường sạch để mình sống và có những hoạt động từ trong các hộ gia đình, cá nhân lan tỏa trong cộng đồng và chia sẻ thông tin để cho mọi người, mọi nhà cùng chung tay làm sạch môi trường sống của mình.

Ông Hải cho biết hầu hết các tín hữu và người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa và mỗi năm có hàng nghìn tấm rơm rạ ở ngoài đồng bị đốt cháy và thải ra ngoài rất nhiều khí cacbonic, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Qua công tác truyền thông thì chính bản thân tôi và một số hộ gia đình khác tôi đã vận động thì chuyển sang mô hình chăn nuôi khép kín, đặc biệt chúng tôi chọn đối tượng chăn nuôi là bò.

Chúng tôi làm những mô hình trang trại và phổ biến cho mọi người làm đó là thu gom rơm rạ ngoài đồng về làm thức ăn chăn nuôi thay vì đốt xả thải ra môi trường và khi chúng tôi chăn nuôi xong thì nguồn phân thải ra đó chúng tôi sẽ ủ phân hữu cơ, nhất là trong bối cảnh hiện nay thì giá của phân bón leo thang.

Chăn nuôi bò từ nguồn rơm rác, cỏ hoa dại bên vệ đường cũng như trong trang trại để dùng nguồn phân thải tái tạo lại để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, nguồn phân này là phân hữu cơ chỉ làm tốt cho môi trường cả và nó cải tạo đất rất là tốt. Chúng tôi cũng đang thực hiện kế hoạch dùng phân để nuôi giun quế, dùng vật này để chăn nuôi những đối tượng ngắn ngày như gà, ngan, vịt – những thực phẩm bán ra thị trường có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe, không sử dụng các chất cấm.

Mặt khác, chúng tôi tuyên truyền cho các tín hữu và người dân xung quanh về việc sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc xử lý các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Trước kia, người dân sử dụng rất là bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường, nhiều nơi tôm, cá không sống được.

Chúng tôi hy vọng mô hình của chúng tôi như chăn nuôi bò, sử dụng phân hữu cơ, thu gom rơm rạ, sử dụng các hệ sinh thái VAC khép kín sẽ được lan rộng trong  các tín hữu của Chi hội cũng như cộng đồng khu dân cư. Thay vì làm hại môi trường thì chúng ta làm lợi cho môi trường, thay vì tổn hại sức khỏe cho cộng đồng thì chúng ta cùng nhau góp phần bảo vệ cộng đồng.

Trong thời gian tới, Chi hội cũng mong muốn sẽ mở các lớp để hướng dẫn những người nông dân biết cách ủ phân hữu cơ, chế biến thức ăn gia súc, ủ men vi sinh.  Trước đây chúng tôi chỉ làm với quy mô nhỏ trong phạm vi Chi hội và giờ chúng tôi muốn chia sẻ cùng với cộng đồng, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quên hương.

Chúng tôi cũng quán triệt đến toàn thể tín hữu trong Chi hội làm những việc mà như người ta nói là “trồng rau hai luống, nuôi gà hai chuồng”, chúng tôi không bao giờ làm những việc đó, không những ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến chính mình vì đó là những thực phẩm không sạch. Chúng tôi tạo ra nguồn thức ăn tại chỗ như rau, ngô, cá , lúa, giun quế và những con vật đó rất khỏe và cho ra những thực phẩm rất sạch, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh.

“Vấn đề tuyên truyền cho người dân thì ngay từ trong chuồng, trong sân nhà mình phải tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho gia đình và xã hội”. Đó là những điều chúng tôi vẫn thường xuyên làm, ông Hải chia sẻ.

 

Mục sư nhiệm chức Hoàng Văn Dương, Quản nhiệm Chi hội Tin Lành Khả Cảnh cho biết “Chúng tôi được sự hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh, các sở ban ngành địa phương nên các hoạt động tôn giáo theo đúng các quy định của pháp luật, được tư vấn để phổ biến các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tròn bổn phận của người công dân, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương.

 

 

Thanh Hoan