Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến toàn quốc phòng chống dịch COVID-19
Ngày đăng: 11/10/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Cuộc họp được tổ chức sau khi Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã dành thời gian, bàn sâu và cho chủ trương về phòng, chống dịch COVID-19.

Dự cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương là Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và các ngành, đơn vị liên quan từ cấp xã tới cấp tỉnh.

Theo báo cáo, đợt dịch thứ 4 đến 8/10/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (đạt 91%) và 20.300 ca tử vong.

Hiện nay, có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.

Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Tại 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nới lỏng giãn cách; có 10 tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách, thực hiện giãn cách theo phân vùng nguy cơ; có 8 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; có 4 tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn.

Hiện có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với 1.473.200 công nhân, lao động đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm.”

Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Do đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sẽ tập trung đánh giá lại tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong 2 tuần vừa qua; những kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; dự báo tình hình thời gian tới.

Cuộc họp cũng đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, thực hiện thống nhất toàn quốc nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo sẽ bàn, xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch bệnh để thực hiện thống nhất trong toàn quốc; việc tổ chức đưa-đón người dân có nhu cầu về quê; các hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội; an toàn giao thông, lưu thông hàng hóa; tạo việc làm và cung ứng nguồn lao động.../.

 

Nguồn TTXVN