Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày đăng: 30/08/2022Ngày 30/8, tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tham dự Hội nghị có 108 chức sắc, chức việc là Lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, cùng đại diện Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và TP. HCM.
Hội nghị diễn ra nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022), là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, biểu dương các tổ chức tôn giáo đã có nhiều thành tích và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo và chính sách nhất quán về tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Đồng thời là dịp để đại diện các tổ chức tôn giáo trao đổi những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, trình bày những đề xuất với Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo, để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trình bày tại Hội nghị, hiện nay cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, gồm: 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế, hiện có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng; hàng năm đã thành lập các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
Bên cạnh đó, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo; đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và Nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất.
Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỉ đồng cho quỹ vắc xin, hàng trăm tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; những mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “Bếp yêu thương”… cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa tình yêu thương và tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trình bày Báo cáo đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã được Bác Hồ mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá I đến khoá XIV, đã có 58 chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo được bầu vào Quốc hội và hàng nghìn chức sắc tôn giáo tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; hàng chục nghìn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia các đoàn thể, tổ chức xã hội…
Với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, các chức sắc tôn giáo đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa ý Đảng và lòng Dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.
Với tinh thần nhân văn, bác ái trong giáo lý của mình, các tổ chức tôn giáo đã chung tay cùng chính quyền các cấp, tham gia hiệu quả vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nghề, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các hoạt động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… với trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đồng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Biểu dương, chúc mừng những thành tựu, đóng góp tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, đề nghị Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia hiệu quả các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo; góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe, nỗ lực tạo ra những điều kiện phù hợp để huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chức năng liên quan tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, nhằm phát huy mọi nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước; tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Giao Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ tập hợp các tham luận, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hội nghị; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc sức khỏe, an lành tới Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tham dự Hội nghị và lời thăm hỏi ân cần, chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể chức sắc, chức việc trong các giáo hội và đồng bào các tôn giáo tại Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Đại biểu tham dự Hội nghị
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng chức sắc, chức việc các tôn giáo tham dự Hội nghị
Vỹ Thanh