Thiêng liêng lễ Thượng nêu đón Tết trên đảo Lý Sơn
Ngày đăng: 09/02/2021Theo tục lệ, hàng năm, sau lễ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời, từ đêm 23, rạng sáng 24 tháng Chạp, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các đình làng, dinh miếu và các nhà thờ tộc họ đồng loạt làm lễ dựng cây nêu để đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Lễ Thượng nêu là một trong những nghi lễ truyền thống trong dịp Tết được người dân đảo quê hương Hải đội Hoàng Sa gìn giữ, lưu truyền hàng trăm năm nay. Từ tờ mờ sớm sáng 24 tháng Chạp năm Canh Tý, tại Di tích lịch sử Lân Vĩnh Lộc, ở thôn Đông, An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi các bô lão trong làng có mặt đông đủ, chuẩn bị lễ Thượng nêu đón Tết.
Trước khi mở đầu phần lễ chính, các vị bô lão cúng vái theo phong tục truyền thống. Mâm cúng gồm nhiều lễ vật do người dân trồng trọt, đánh bắt trong năm. Trong đó không thể thiếu món bánh ít lá gai và hải sản ngư dân khai thác từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp theo là nghi lễ mộc trụ thường kỳ vui xuân, đón Tết được các bô lão kính cẩn vái vọng thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân mở cõi, cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Các bô lão tổ chức lễ cúng trước khi dựng nêu
Mâm lễ cúng không thể thiếu bánh ít lá gai
Ông Trần Trung Chỉnh, Ban Quản lý Di tích Lân Vĩnh Lộc, thôn Đông, An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Thường dân gọi đây là lễ Trồng đu lên phướn. Với sử sách của những vị tiền hiền để lại, đây là lễ Nhất mộc, đại kỳ, thượng điểu nghinh xuân, đón chào năm mới cầu cho một năm an khang thịnh vượng. Trên cây nhất mộc đại kỳ có hình tượng con chim điểu, biểu tượng cho mùa xuân. Đại kỳ, trước đây, thời vua Trần Hưng Đạo, lá cờ vuông gọi là cờ thần. Hiện nay, cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam ngày hôm nay.
Sau phần nghi lễ trang trọng, dân làng chung tay dựng cây nêu trước sân đình, miếu hay các nhà thờ tộc họ, báo hiệu với tiền nhân Tết đến, xuân về. Cây nêu được làm từ thân cây tre già hoặc cây gỗ tốt thẳng tắp, dài từ 5 đến 7 mét. Thân cây nêu sơn màu đỏ, trên ngọn cây nêu được gắn thêm linh vật là chim phụng hoặc cá chép hóa rồng được chạm khắc tinh xảo từ gỗ, cờ Tổ quốc, cờ phướn… Cây nêu của người dân đảo Lý Sơn mang những nét đặc trưng riêng so với các vùng miền khác, thể hiện ước vọng của người dân Lý Sơn về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tôm cá đầy khoang.
Cột đại kỳ chuẩn bị thượng nêu
Cụ ông Nguyễn Nhơn, ở làng An Vĩnh cho biết, ngày 23 tháng Chạp, các vị bô lão, trụ trì sơn phết, trang trí cây nêu: "Trước kia, nhà nào cũng dựng nêu ăn Tết, nhưng bây giờ thì hạn chế bớt chỉ còn lại lân, miếu, nhà thờ… Tại nhà dân chỉ treo lá cờ Tổ quốc chứ không còn lên phướn nữa".
Hàng năm, sau 23 đến tối 30 tháng Chạp, tại hơn 50 đình làng, dinh miếu, nhà thờ tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đều tổ chức nghi thức dựng cây nêu, hay còn gọi là lễ Trồng đu lên phướn để đón Tết cổ truyền. Nghi thức dựng cây nêu ngày Tết là dịp để con cháu, tộc họ trên đảo tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất đảo và tri ân những vị hùng binh đã nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Trên ngọn cây nêu thường có biểu tượng chim điểu hoặc cá chép hóa rồng
Ngư dân Lê Khuân, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Trước đây, các vị tiền bối đã đi ra hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bây giờ ngư dân Lý Sơn vẫn tiếp nối truyền thống, vươn khơi khai thác bình thường tại hai vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ra khơi, ngư dân mong ước mùa màng thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, ngư dân đánh bắt đạt nhiều hơn những năm vừa qua.
Nghi thức dựng cây nêu đón Tết của cư dân đảo Lý Sơn tồn tại hàng trăm năm nay. Ngày nay, sau những phiên biển cuối năm trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa cùng gia đình đón Tết, nhiều ngư dân ở đảo Lý Sơn cũng thực hiện nghi thức dựng cây nêu trên tàu cá. Dụng ý của việc dựng cây nêu là để trừ ma, diệt quỷ, cầu mong thần linh và tổ tiên phù hộ năm mới mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió, ngư dân vững tin vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền./.
Lễ Thượng nêu là nghi thức truyền thống có từ hàng trăm năm nay ở Lý Sơn
Theo vov.vn