Tháng Ramadan của người Chăm An Giang
Ngày đăng: 18/04/2023
Tháng Ramadan là tháng 9 trong Hồi lịch, nhưng không trùng với tháng 9 dương lịch, mà thay đổi từng năm. Tháng Ramadan năm 2023 (tức năm 1444 Hồi lịch) diễn ra từ ngày 23/3 đến 22/4/2023.

Những ngày này, ở các làng Chăm trên địa bàn An Giang đang vào Tháng Ramadan. Ban ngày, không khí ở các làng Chăm rất yên ắng. Ramadan là một trong 5 tín điều bắt buộc đối với các tín đồ Hồi giáo. Ramadan là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm ở An Giang, nên dù làm ăn, buôn bán ở đâu, bà con cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình. Trước lễ, bà con đến các nghĩa trang (bên cạnh các thánh đường) để tảo mộ người thân…

Trong suốt Tháng Ramadan, tất cả tín đồ Hồi giáo đều phải thực hiện nghiêm quy định không ăn, không uống, không hút thuốc, nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày (từ lúc mặt trời mọc đến mặt trời lặn). Tuy vậy, những người đang bệnh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở nước ngoài mà nước này không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, được miễn trừ nhịn ăn uống. Tại một số quốc gia theo đạo Hồi còn quy định: Đối với học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng nhọc không phải nhịn ăn uống trong Tháng Ramadan.

Lãnh đạo huyện An Phú thăm hỏi, tặng quà các thánh đường, nhân Tháng Ramadan

Mục đích của việc nhịn trong suốt Tháng Ramadan là để các tín đồ tự kiểm soát bản thân khỏi các ham muốn tầm thường, để làm điều tốt ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào, đồng thời rèn luyện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng là tháng mà các tín đồ Hồi giáo tự rèn luyện bản thân một cách thiết thực hơn, để trở thành một tín đồ tốt, một công dân tốt. Nhịn ăn uống còn để thông cảm với những người nghèo đói, những người còn chưa đủ ăn, đủ mặc; luyện cho con người có được sự tiết chế, chống lại những cám dỗ vật chất tầm thường.

Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang Haji Jacky cho biết, ban đại diện luôn cố gắng hỗ trợ cho cộng đồng người Chăm trong tỉnh sửa chữa, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, hỗ trợ học sinh, sinh viên, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người già neo đơn, hỗ trợ các trường hợp khó khăn và chăm lo đời sống tinh thần... Trong quý I/2023, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh đã vận động gần 6 tỷ đồng để tặng quà và hỗ trợ xây dựng thánh đường ở tỉnh Tây Ninh.

Cùng với đó, định hướng, tuyên truyền đồng bào DTTS Chăm chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và tích cực lao động, sản xuất, tham gia các hoạt động phát triển địa phương. Bà con dân tộc Chăm sống hòa đồng, tiếp tục đoàn kết cùng chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo phát triển kinh tế, chung tay xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhân tháng Ramadan của đồng bào DTTS Chăm, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà nhằm động viên bà con an tâm thực hiện nghi thức truyền thống, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội (huyện An Phú), Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh và lãnh đạo địa phương vừa trao 180 phần quà cho bà con DTTS Chăm là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 57 triệu đồng, do gia đình bà Suchi Halal Avenue ở Singapore tài trợ.

Trước đó, tại làng Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu), Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) phối hợp Cục Chính trị Quân khu 9, Ban Dân tộc tỉnh An Giang tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà đồng bào DTTS Chăm nhân Tháng Ramadan năm 2023. Dịp này, 300 hộ gia đình người Chăm có hoàn cảnh khó khăn được nhận gạo, mì gói và được các bác sĩ tình nguyện đến từ TP. Cần Thơ khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Đặc biệt, các thầy thuốc còn dành những ngày lương của mình để hỗ trợ các trường hợp khó khăn.

Tại những địa phương có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống (các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành và TX. Tân Châu), đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà chúc mừng nhân Tháng Ramadan. An Giang có 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường, với hơn 17.300 người theo đạo Hồi (Islam).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú Phùng Minh Tân cho biết, thời gian qua, đồng bào DTTS Chăm đã cùng chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống bà con ngày càng phát triển. Địa phương mong muốn đồng bào DTTS Chăm tiếp tục chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; góp sức cùng chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua và thực hiện nghĩa vụ công dân tại địa phương; tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS Chăm và tôn giáo tín ngưỡng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn