Thăm Trường sa thân yêu
Ngày đăng: 04/08/2022Đoàn công tác số 10 năm 2022 ra thăm huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, gồm 226 đại biểu, trong đó 36 đại biểu cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình của Trung ương, địa phương; 39 đại biểu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TW GHPGVN), GHPGVN tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam; đại biểu Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu và huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; cùng một số đơn vị, tập thể tiêu biểu như doanh nghiệp đá mỹ nghệ Xuất Ánh thuộc thành phố Đà Nẵng gồm các thành viên Cựu chiến sĩ Trường Sa và doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường là đơn vị được cấp phép và phát tâm trùng tu, khôi phục 09 ngôi chùa ở Trường Sa.
Tàu Trường Sa 571, Vùng 4 Hải quân,sau 13 ngày hải trình trên biển đã vượt qua 1.150 hải lý; thăm các đảo, điểm đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Đá Tây A và đảo Trường Sa.
Tại các đảo, Đoàn công tác đều có buổi làm việc, thăm hỏi nắm tình hình, động viên, tặng quà, giao lưu văn nghệ với quân, dân và các lực lượng trên đảo. Tổ chức khảo sát duy tu các chùa trên đảo; tổ chức khánh thành 03 chùa do doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và các phật tử phát tâm xây dựng trên đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông và Đá Tây A. Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, làm lễ dâng hương Tượng đài Trần Quốc Tuấn, Đài tưởng niệm các liệt sỹ và nhà tưởng niệm Bác Hồ trên thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà và tổ chức thắp hương, vãn cảnh chùa trên các đảo.
Lễ khánh thành chùa Trường Sa Đông
Đoàn đã trao tặng cho quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà nhiều món quà có ý nghĩa, giá trị trên 1,9 tỷ đồng gồm: 257 thùng quà nhu yếu phẩm, 18 máy bơm, 21 xe đạp, 56 quạt điện, 02 quạt hơi nước, 02 loa kéo, 10 máy vi tính và máy in, 02 laptop, 21 tivi, 02 loa thùng, 17 bộ cắt tóc, 30 loa cầm tay, 2.700 kít test Covid, 18.000 khẩu trang y tế, 50 đệm giường và các loại ấn phẩm văn hóa... Các phần quà trên đã đáp ứng một phần nhu cầu nguyên vọng chính đáng về đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của quân, dân trên đảo; song món quà vô giá tặng cán bộ, chiến sỹ Hải quân, nhân dân trên đảo là sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo và các đại biểu.
Điều đặc biệt và cảm xúc trào dâng của các đại biểu trong Đoàn công tác khi nhìn thấy các ngôi chùa trên các đảo. Mái chùa dưới bóng cây to và hướng ra biển lớn, gần gũi như hình ảnh cây đa bến nước sân đình của làng quê Bắc Bộ trên đất liền. Có khác chăng là cây nơi đảo xa không phải là đa mà thay vào đó là cây phong ba hay cây bàng quả vuông, có những cây đã được xếp hạng là cây di sản.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà trong nhiệm kỳ 2012- 2017 và 2017-2022 đã bổ nhiệm 09 chức sắc phật giáo ra làm công tác phật sự tại các ngôi chùa, đó là Đại đức Thích Nhựt Anh, trụ trì chùa Song Tử Tây; Đại đức Thích Định Thông,trụ trì chùa Sơn Linh; Đại đức Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Nam Huyên; Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A; Đại đức Thích Lệ Quang, trụ trì chùa Sinh Tồn Đông; Đại đức Thích Quang Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Đông; Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa lớn; Đại đức Thích Tâm Văn, trụ trì chùa Vinh Phúc và Đại đức Thích Tâm Thành, trụ trì chùa Sinh Tồn.
Một số tên chùa trùng tên đảo như chùa Sinh Tồn Đông trên đảo Sinh Tồn Đông, chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn, chùa Đá Tây A trên đảo Đá Tây A,chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây, chùa Trường Sa Đông trên đảo Trường Sa Đông, chùa Trường Sa lớn trên đảo Trường Sa; còn lại tên của chùa không trùng với đảo như chùa Sơn Linh thuộc đảo Sơn Ca, chùa Nam Huyên thuộc đảo Sinh Tồn, chùa Vinh Phúc thuộc đảo Phan Vinh.Chùa Sinh Tồn thuộc đảo Sinh Tồn còn có bia đá “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988”; Chùa Trường Sa lớn toạ lạc trung tâm thị trấn Trường Sa, cổng chùa bằng bê tông đây là điểm khác biệt so với các ngôi chùa khác ở quần đảo Trường Sa.
Chùa nào cũng có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, cấu trúc thường bố cục chữ Đinh (丁) với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, không lẫn với bất kể chùa nào của các nước châu Á.
Tất cả hệ thống tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, đôi câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ tại các chùa trên quần đảo Trường Sa đều được in Quốc huy của Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cách bài trí trong chùa theo nét văn hoá người Việt Nam.
Hai cụm từ “Từ bi” - “Hùng lực” trên 2 lối vào của mỗi tam quan cũng thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.Chùa tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà chính là cột mốc tâm linh, làm điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo, nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam./.
ThS Nguyễn Đức Dũng