Tết tháng Bảy - Nét đẹp văn hóa của người Lô Lô ở Hà Giang
Ngày đăng: 26/08/2022Tết tháng Bảy - còn được gọi là Tết “Xi lòn dủ” - Lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô đen, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Theo truyền thống, cứ đến ngày 25/7 âm lịch, khi công việc đồng áng tương đối nhàn rỗi, đồng bào dân tộc Lô Lô đen lại tổ chức Lễ cúng tổ tiên - lễ hội quan trọng nhất, lớn nhất và không thể thiếu trong năm của đồng bào Lô Lô đen nơi cực Bắc Tổ quốc.
Tưng bừng ngày hội nơi cực Bắc
Từ đầu tháng 8/2022 (tháng Bảy âm lịch), anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải) nhắn tin: “Sắp đến ngày tổ chức Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô rồi, mời các nhà báo lên Lô Lô Chải tham dự lễ hội bà con ở Lô Lô Chải nhé”. Tạm gác mọi chuyện, chúng tôi chuẩn bị hành trang, ngược sông, ngược núi lên Lô Lô Chải, dự hội với bà con miền biên viễn.
Đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt, Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai hồ hởi khoe: “Lễ hội năm nay vui hơn, vì thôn Lô Lô Chải vừa được UBND tỉnh Hà Giang công nhận là thôn đạt tiêu chí xây dựng “làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận “nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen xã Lũng Cú” là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đêm trước ngày hội, tại nhà Trưởng thôn Sình Dỉ Gai, không khí náo nhiệt từ trên nhà xuống dưới bếp. Người nấu cơm, người nhặt rau, người làm mèn mén, người thịt gà, mổ bò… Mỗi người một việc, mọi người cùng xắn tay chuẩn bị sẵn sàng các công việc cho lễ hội ngày hôm sau.
Theo truyền thống, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô đen ở Lũng Cú được tổ chức vào ngày 25/7 âm lịch, sau rằm tháng Bảy của người miền xuôi. Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết, người Lô Lô đen tổ chức Lễ cúng tổ tiên vào tháng Bảy, còn được gọi là Tết “Xi lòn dủ”, đây là một kỳ lễ Tết được tổ chức to nhất trong năm. Những ngày này, người dân trong bản dù có đi làm ăn xa, đi học xa cũng sẽ trở về nhà dự Lễ cúng tổ tiên và ăn Tết tháng Bảy.
Ngày chính hội, từ sáng sớm, sân nhà văn hóa thôn Lô Lô Chải đã được trang trí, bày biện để chuẩn bị cho lễ cúng quan trọng nhất trong năm. Anh Sình Dỉ Gai cho biết, với đồng bào Lô Lô đen, Tết tháng Bảy - Lễ cúng tổ tiên được tổ chức ở hai phạm vi: Gia đình và làng bản. Trong đó, ngày lễ chính là ngày tổ chức cúng thần bản, được dân làng tổ chức vào những ngày từ 24 đến ngày 27/7 âm lịch hàng năm.
Để tổ chức lễ cúng trong dịp Tết này, tất cả các gia đình người Lô Lô đen trong làng bản có trách nhiệm đóng góp để ăn Tết và làm lễ cúng các vị thần trong bản. Sau khi sắp xếp đủ các lễ vật theo quy định, gồm: thịt lợn, xôi, rượu, các thầy cúng - người được coi là có khả năng liên hệ với các thế lực siêu nhiên - làm lễ mời các thần về ăn Tết cùng dân làng, cầu xin các thần phù hộ cho mọi người trong làng khỏe mạnh, không bị ốm đau, dịch bệnh; cầu xin các thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho đủ nước để cây ngô, cây lúa xanh tốt, cuối năm thu hoạch được nhiều lương thực; cầu xin các thần phù hộ cho người dân nuôi trâu bò, lợn gà khỏe mạnh, chóng lớn, không bị dịch bệnh, một năm 12 tháng mọi việc đều thuận lợi… Trước khi kết thúc bài cúng, các thầy cúng mời các vị thần và hồn của những giống cây đi vào trong các gia đình để các gia đình ấm no, hạnh phúc.
Theo phong tục, sau khi tổ chức cúng ở làng xong, các hộ gia đình lại tiếp tục tổ chức ăn Tết và cúng tổ tiên ở phạm vi gia đình. Theo đó, các gia đình chuẩn bị lễ vật và mời thầy cúng đến cúng cho gia đình mình, xin ông bà tổ tiên - những người đã mất phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, không ốm đau, mọi công việc thuận lợi…
Sau lễ cúng thần bản, người Lô Lô tổ chức Lễ cúng tổ tiên, với lòng tin rằng, tổ tiên qua đời sẽ luôn phù hộ cho con cháu đang sống. Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm gà, lợn, rượu, xôi, hương, giấy, bát đũa và ly rượu, trước sự chứng kiến của gia đình và cộng đồng, thầy cúng đọc bài khấn, theo truyền thống của người Lô Lô Đen, với tấm lòng thành kính và biết ơn, dâng lễ lên tổ tiên. Trong khi thầy cúng đọc bài khấn, thực hiện các nghi lễ nộp cống vật lên tổ tiên, đội múa nghi lễ nam trong trang phục hóa trang người rừng, nữ trong trang phục truyền thống múa theo nhịp trống đồng, điệu múa mang ý nghĩa thông báo cho người đã khuất rằng, nhờ ơn tổ tiên, mọi người đều được mạnh khỏe, no đủ và hạnh phúc, cầu mong cho tổ tiên và những người đã khuất cũng được vui vẻ…
Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết, 12 điệu múa trong lễ cúng tổ tiên tương ứng với 12 tiết tấu của trống đồng, mỗi điệu múa có ý nghĩa khác nhau, có điệu múa là mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình, làng bản, có điệu múa là mô phỏng theo các hoạt động sản xuất như trồng ngô, trồng lúa, làm nương rẫy…
Gìn giữ văn hóa, gắn kết cộng đồng
Sau khi điệu múa kết thúc, là lúc các nghi lễ trong lễ cúng quan trọng nhất trong năm hoàn tất. Lúc này, bà con trong bản, đặc biệt là các thanh niên lại rộn ràng, háo hức tham gia các trò chơi dân gian. Sân nhà văn hóa cộng đồng Lô Lô Chải rực rỡ sắc màu và rộn rã tiếng cười vui. Chỗ này, các thanh niên chơi nhảy dây, chỗ kia, một nhóm thanh niên khác chơi kéo co, đẩy gậy…
Vui vẻ đứng nhìn các thanh niên trong thôn chơi trò chơi, chị Vàng Thị Diễn cho biết, chị và gia đình đã chuẩn bị tham gia lễ hội từ rất lâu, ngoài việc đóng góp cùng với các hộ trong thôn, chị cũng tranh thủ lúc rỗi tham gia các công việc khác phục vụ lễ hội. Chị Diễn bảo: Năm nào, chị cũng mong đến ngày Tết tháng Bảy để dự Lễ Cúng tổ tiên của bản làng, để được tham gia múa hát, chơi các trò chơi cùng dân làng.
Ở một góc khác trong sân nhà văn hóa, Vàng Nhã Phương, 10 tuổi, xúng xính trong bộ đồ truyền thống rực rỡ đang tung tăng nô đùa cùng các bạn cùng lứa ở một góc sân nhà văn hóa. Phương bảo, con vui lắm, vì ngày Tết được mặc quần áo mới, được đi chơi, xem các cô bác, anh chị nhảy múa và được đi ăn cỗ.
Cách Lô Lô Chải vài chục cây số, nhưng chị Phàm Mẩy Sểnh, dân tộc Lô Lô ở xã Lúng Táo, huyện Đồng Văn đến tham dự ngày hội và chung vui với bà con ở Lô Lô Chải. Chị cho biết, lễ cúng tổ tiên là Lễ hội quan trọng của người Lô Lô. Năm nào, chị cũng đến tham dự, cùng chơi hội và giao lưu với bà con ở đây.
Chị Hiền Chi, du khách đến từ Hà Nội cho biết, chị và gia đình có kế hoạch đi du lịch Hà Giang, thăm cột cờ Lũng Cú. Chị thật may mắn khi đến đây đúng dịp lễ Tết của đồng bào Lô Lô. Đây là lần đầu tiên chị và gia đình được tham dự một lễ hội quan trọng, có ý nghĩa như vậy. Chắc chắn, đây sẽ là một trải nghiệm khó quên với chị và gia đình.
Đến dự và chung vui cùng đồng bào Lô Lô Chải, Tiến sỹ Lò Giàng Páo, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc chia sẻ: Mỗi dân tộc, dòng họ đều có tổ tiên và có cách thờ cúng tổ tiên của riêng mình. Lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô đen ở Lũng Cú là phong tục, là truyền thống văn hóa tốt đẹp cần được bảo tồn, gìn giữ. Vì vậy, những người lớn tuổi, các thế hệ đi trước phải có trách nhiệm dạy bảo, truyền lại cho con cháu phong tục tốt đẹp này, để các thế hệ con cháu gìn giữ và duy trì lễ hội mãi mãi.
Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai cho biết, lễ cúng tổ tiên là một nghi lễ thiêng trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô. Lễ hội mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản… Với những giá trị đó, năm 2012, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở Lũng Cú đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Tết tháng Bảy, lễ cúng tổ tiên là truyền thống văn hóa tốt đẹp mà cha ông để lại. Chắc chắn, chúng tôi sẽ gìn giữ và truyền dạy lại để tiếp tục gìn giữ cho mai sau”, anh Sình Dỉ Gai nói.
Theo dtmn.vn