Tái hiện diện mạo lịch sử hơn 300 năm triều Nguyễn
Ngày đăng: 03/06/2022Nhân kỷ niệm 60 năm ấn phẩm bằng tiếng Việt 'Đại Nam thực lục' ra mắt đầu tiên (1962 - 2022 ), sáng 2.6, Viện Sử học phối hợp với NXB Hà Nội và Công ty CP Tri thức Văn hóa sách Việt Nam ra mắt bộ sách 'Đại Nam thực lục - 10 tập', tái bản lần thứ hai.
Khái quát sự vận động của lịch sử đất nước
“Đại Nam thực lục” (tiền biên và chính biên) do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có 560 quyển, được thực hiện trong 88 năm (1821 - 1909), từ triều Minh Mạng đến Duy Tân. Bộ sử tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế thực hiện, là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn.
Bộ “Đại Nam thực lục” được hoàn thành năm 1909, sau 53 năm, đến 1962, Viện Sử học Việt Nam mới tổ chức dịch bộ sách này ra tiếng Việt. Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, với 16 năm kiên trì, từ 38 tập cô đọng thành 10 tập, “công trình đánh dấu bước phát triển trong việc tái dựng lịch sử bằng bộ sử kéo dài nhất trong lịch sử”.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, có lẽ trong lịch sử chưa có bộ sách nào có khoảng thời gian hoàn thành dài như thế. “Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, giai đoạn hơn 300 năm, từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở rộng bờ cõi, đến khi chúng ta làm Cách mạng tháng 8, là giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt, chứa đựng khát vọng giải phóng dân tộc. Đây cũng là giai đoạn tồn tại một triều đình với những diễn biến phức tạp, có cả huy hoàng và bi kịch. Nhìn vào đó, chúng ta thấy được những bài học sâu sắc cho sự vận động của lịch sử đất nước”.
Khác các bộ lịch sử trước đó, “Đại Nam thực lục” viết theo kiểu biên niên, theo từng ngày, từng tháng, từng năm, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào miền Trong đến kết thúc thời vua hàm Nghi, vua Đồng Khánh. Các giai đoạn và quy trình biên soạn bộ sử này hết sức công phu, trong đó có những bài học lịch sử, được đúc kết từ 2 câu trong bộ sách: “Nước thì phải có sử, cốt để làm tin với đời nay và truyền lại cho đời sau” (Tập 1, tr.15), tức là viết lịch sử không phải để chiêm ngưỡng nó mà cho đời nay của chúng ta và tìm ra bài học cho đời sau. Và viết “để người ở nghìn đời sau muốn biết nghìn đời trước… Việc không mất thực, văn đủ làm bằng” (Tập 9).
GS.TS Đinh Xuân Dũng giải thích, cả 10 tập của bộ sách đều viết theo hướng những bài học lịch sử, mà ông chú ý tại 3 điểm. Đó là, chép cho rõ về lịch sử, không mất thực, văn đủ làm bằng. “Suy nghĩ của các nhà viết sử gợi ý cho chúng ta những điều sâu sắc”.
Khẳng định tính toàn diện của bộ sử, GS.TS.NGND Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dẫn phát biểu của cố GS. Trần Văn Giàu, “những trước tác được ấn hành dưới triều Nguyễn lớn hơn tất cả những trước tác thời quân chủ trước đó cộng lại. Trong số các ấn phẩm thể hiện sự nghiệp triều Nguyễn, ‘Đại Nam thực lục’ là bộ sách có giá trị nhất, với đầy đủ những gì chúng ta cần biết về triều đại này”.
Giá trị sử liệu và nghiên cứu xã hội
GS.TS.NGND Vũ Minh Giang cũng cho rằng, giá trị của bộ sách còn ở chỗ đây là bộ sử đồ sộ nhất với hàng vạn trang, chứa đựng ngồn ngộn thông tin, có thể khẳng định ở 3 điểm.
Thứ nhất, đây là bộ sử có giá trị tư liệu chính xác, phong phú, đồ sộ, giúp cho giới nghiên cứu, biên soạn lịch sử tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chỉ theo trình tự thời gian và phương pháp kỷ sự nên có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử của triều đình và đất nước theo lát cắt của thời gian. Thứ hai, bộ sử cho chúng ta khai thác ở phương diện sâu hơn tất cả các vấn đề của triều Nguyễn, cả những tồn tại và hạn chế; và không chỉ viết về các vua, chúa Nguyễn mà ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực. Thứ ba, hiếm có bộ sử nào giúp chúng ta nghiên cứu được quan hệ của Việt Nam với nước ngoài như bộ sử này.
Bộ sách nhận được đánh giá tích cực từ các nhà nghiên cứu lịch sử
Còn PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, nhìn nhận, khảo cứu “Đại Nam thực lục” cho biết, các chính sách của triều Nguyễn thể hiện qua nguồn tư liệu châu bản được vua phê duyệt, trong đó có những vấn đề hiện nay rất được quan tâm như ruộng đất, biển đảo, địa danh, địa giới hành chính, tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Hoa, đối ngoại với Trung Quốc, các nước phương Tây…
“Bộ sách cũng cho thấy đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, nổi bật là khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc, hoạt động thủy lợi trên cả nước. Triều Nguyễn thực hiện chính sách trọng nông ức thương, nhưng không bế quan tỏa cảng như nhiều sách giáo khoa đã viết, vì vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán, thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á, cuối thời Minh Mạng tàu của triều đình Huế qua tận châu Âu để giao dịch với cả Pháp và Anh”, PGS.TS Đỗ Bang khẳng định.
Từ quá trình xây dựng kinh đô Huế và các thành trì các tỉnh theo kiến trúc phương Tây, sự phát triển kỹ thuật đóng tàu vượt đại dương, đến sự kiện năm 1803, vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1816, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa (là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua)… đều được ghi chép trong “Đại Nam thực lục”.
Đặc biệt, một số bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng giáng chức và hiện nay được vận dụng nhiều nhất là phép hồi tỵ, lưu quan dưới triều Nguyễn, cũng tìm thấy trong “Đại Nam thực lục”. Do vậy, PGS.TS Đỗ Bang nhấn mạnh, đây là bộ sách không thể thay thế cùng với tính nghiêm cẩn trong biên soạn, là nguồn tài liệu quý trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ XIX.
Nguồn: daibieunhandan.vn