Sóc Trăng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa
Ngày đăng: 02/02/2021Cuối năm 2020, tại lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê, tỉnh Sóc Trăng được công bố có thêm 3 loại hình di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm”, “Nghệ thuật múa rom vong” của người Khmer và “Nghề thủ công truyền thống làm bánh pía của người Hoa” tỉnh Sóc Trăng.
Tạo sức sống cho di sản văn hóa phi vật thể
Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh được bảo tồn rất đa dạng, phong phú, gồm tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề truyền thống... Trong niềm vui và tự hào của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật múa rom vong của người Khmer là loại hình văn hóa - nghệ thuật được hình thành và gắn liền với lao động sản xuất của người Khmer từ xa xưa. Những loại hình nghệ thuật này không thể thiếu ở các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer.
Ngày nay, các tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm, hay múa rom vong… luôn tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, tham gia sinh hoạt trong các ngày lễ hội. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn nghệ của đồng bào Khmer mà còn là “chất keo” góp phần kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bạn Sơn Thị Diệu, ở xã Phú Tân (Châu Thành) phấn khởi cho biết: “Em rất thích môn nghệ thuật múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ em đã có niềm đam mê vì thấy các anh chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội rất vui. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em đều tham gia giao lưu văn nghệ múa hát rom vong để góp phần tạo không khí vui tươi hơn”.
Ngoài các loại hình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của người Khmer, tỉnh Sóc Trăng còn nhiều sản vật địa phương mang đậm bản sắc giao thoa giữa ba nền văn hóa của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa như: bún nước lèo, lạp xưởng, bánh pía, bánh cóng… trong đó, món bánh pía của người Hoa được giữ gìn và phát triển đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, nhiều thương hiệu bánh pía của tỉnh đã vượt khỏi biên giới quốc gia để có mặt tại một số nước trên thế giới và được rất nhiều khách hàng đánh giá cao. Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Chủ tịch Hội Bánh pía, lạp xưởng tỉnh chia sẻ: “Nghề bánh pía có từ lâu đời nhưng cho đến đầu thế kỷ XX đã có sự đột phá lớn. Những người làm bánh trong cộng đồng người Hoa sinh sống ở làng Vũng Thơm, thuộc xã Phú Tâm (Châu Thành) đã mạnh dạn đưa những nguyên liệu mới sẵn có tại địa phương, như: sầu riêng và một số nguyên liệu khác, nên bánh có mùi vị độc đáo trở thành món ngon phù hợp với cả cộng đồng người Kinh và người Khmer ở Sóc Trăng. Từ đó, “Vũng Thơm” được cho là nơi khởi nguồn của bánh pía Sóc Trăng. Sau thời gian không ngừng phát triển, bánh pía nổi tiếng khắp nước ta và đến nay đã có mặt tại hơn 20 nước trên thế giới”.
Kế thừa và phát huy các di sản văn hóa
Trong những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể quan tâm. Tỉnh đã dành một nguồn ngân sách không nhỏ, kết hợp với kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, như: chùa Kh’leang, Mahatup (chùa Dơi), Trường Taberd, đình Hòa Tú, miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông, Đền thờ Bác Hồ, Tượng đài Chiến thắng Chi khu Ngã Năm, đặc biệt là di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng... cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu giáo dục truyền thống, phục vụ và thu hút đáng kể khách tham quan du lịch đến với Sóc Trăng. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và khai thác một số lễ hội lớn của tỉnh, như: Lễ hội Chrôi Rum Chếk (Phước Biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông, đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo...
Toàn tỉnh hiện có 50 DSVH được xếp hạng và công nhận, trong đó, có 45 di sản vật thể (di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh) và 5 DSVH phi vật thể quốc gia. Theo đó, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh còn chú trọng đến việc bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện 12 đề tài về bảo tồn văn hóa phi vật thể như: lễ cưới truyền thống của người Khmer, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hội cúng Trăng…
Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2-8-2016 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, công tác phát triển du lịch nói chung, việc phát huy, khai thác giá trị DSVH để phát triển du lịch nói riêng có bước chuyển biến đáng kể. Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa đến nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý DSVH. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với những hành vi cố ý vi phạm DSVH”.
Theo Báo Sóc Trăng