Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"
Ngày đăng: 23/12/2021Ngày 22/12, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”. Thời gian thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 và giai đoạn II: Từ 2026 - 2030.
Nội dung Đề án nhấn mạnh, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng dân tộc thiểu số. Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc rất đa dạng, phong phú với nhiều cách phân loại. Mỗi khu vực, vùng, miền có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú mang bản sắc văn hóa riêng; mỗi dân tộc (nhóm, ngành dân tộc địa phương) đều có loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng riêng. Xét theo không gian, có các hình thức dân ca gắn với không gian sinh hoạt cộng đồng (lễ hội, chợ, không gian lao động sản xuất tập thể, trò chơi dân gian...), không gian biểu diễn lưu động chuyên nghiệp (các gánh hát, phường hát), không gian tín ngưỡng, tôn giáo. Không gian của các hoạt động diễn xướng cũng không đóng khung mà mở rộng theo sự đa dạng của các loại hình diễn xướng. Các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống là phương thức quan trọng để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được biểu hiện rất rõ ở những lễ hội cộng đồng. Những lễ hội đó là dịp tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ, gắn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chính điều đó làm cho dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được bảo tồn, duy trì và phát triển, tạo nên tính đặc sắc, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Thời gian qua, ngành văn hóa đã có những nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiếu số. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các địa phương đã tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng, bảo tồn dân ca, dân vũ truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa - du lịch. Tuy nhiên, song song với những giá trị đã được phục dựng, lưu giữ, thì tốc độ mai một, thất truyền ngày một nhanh chóng cũng trở thành nguy cơ đối với sự biến mất của các giá trị văn hoá truyền thống này. Sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa hiện nay, ngoài những lợi ích đem lại cho con người cũng gây ra nhiều bất cập, trong đó có nguy cơ làm biến dạng không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Tình trạng phổ biến là những người thực sự có khả năng, nắm được nhiều kiến thức, vốn liếng về dân ca, dân vũ cổ truyền của dân tộc thì phần lớn đã tuổi cao, sức yếu . Giới trẻ tập trung cho kiếm kế sinh nhai, không đủ thời gian và tâm huyết để quan tâm đến việc học hát, học múa, học nhạc dân tộc nhằm duy trì truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Mặt khác, hậu quả của việc đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến cho không gian trình diễn của âm nhạc DTTS ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến có những nơi đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền vì ít hoặc không còn cơ hội, điều kiện trình diễn và cũng không có nhiều người nghe . Một số di sản diễn xướng dân gian đang được bảo tồn và phục hồi trong khi đó nhiều trường hợp lại rơi vào tình trạng bị biến tướng, mất đi bản sắc đặc thù riêng có của mỗi dân tộc.
Mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ dân tộc Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ
Luật Du lịch năm 2017 đã thể chế hóa công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động phát triển du lịch. Điều 4 Luật Du lịch đã đề ra nguyên tắc phát triển du lịch, trong đó có nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, “phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Điều 6 Luật Du lịch đã quy định “quyền của cộng đồng dân cư trong việc tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch và được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian” của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khá toàn vẹn, truyền thống văn hóa đặc sắc nhiều nơi còn được bảo tồn khá tốt; tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường (sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung...) diễn ra nghiêm trọng và khó lường dẫn đến giảm cơ hội phát triển kinh tế, du lịch. Ở một số vùng đồng bào thiểu số khu vực biên giới, cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa đã được khai thác phát triển thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống được gìn giữ, phát huy, tạo ra nhiều việc làm cho người dân . Mặc dù tiềm năng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, dân ca, dân nhạc, dân vũ nói riêng gắn với hoạt động du lịch là rất lớn nhưng thời gian qua, thực trạng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa còn nhiều hạn chế do chưa nhận thức đúng đắn giá trị, tiềm năng của dân ca, dân vũ, dân nhạc trong phát triển du lịch, chưa tận dụng tài nguyên văn hoá đúng đắn và hợp lý để xây dựng và khai thác tối đa các sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch được xây dựng từ dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc còn hạn chế, chưa tạo được điểm nhấn thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, chưa mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lượng khách du lịch cả quốc tế và nội địa. Vấn đề đặt ra là cần phải chọn lựa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ phù hợp với du lịch để bảo tồn, phát huy gắn với du lịch, không thực hiện dàn trải, từ đó hướng đến đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bản địa của khách du lịch trong và ngoài nước.
Mô hình Câu lạc bộ hát Then dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Bảo Yên, Lào Cai
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc, phát triển du lịch, trên cơ sở thực tiễn từ trung ương đến địa phương, việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” là cần thiết.
Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu tổng quát là xác định và quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có Kết luận số 65-KT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng Khoá IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới “Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số”, cũng như phải “chú trọng phát triển liên vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số”.
Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam, độc đáo và đa dạng trong sự thống nhất, góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các DTTS. Việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học dân gian… đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin truyền thông, môi trường.
Mô hình bảo tồn dân ca, dân vũ dân tộc Thái, tại Con Cuông, Nghệ An do Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện
Văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các DTTS nói riêng không phải là bất biến, mà luôn có sự vận động, biến đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu cuộc sống mới của chủ thể đã sáng tạo ra nó. Trong quá trình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống cần có sự tiếp thu, đổi mới, phát triển, đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được những thành tố cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa. Ban hành đề án, dự án, kế hoạch triển khai phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch của mỗi địa phương;
Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số. Các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được xem là tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, du lịch, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc cổ truyền của các DTTS và những người hoạt động trong các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở địa phương cần xác định việc tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc mình là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với thế hệ tương lai và đất nước, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá giá trị các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một.
Giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đồng thời, tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.
Bảo tồn nghề dệt, trang trí thổ cẩm truyền thống do Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện
Để dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành hoạt động văn hóa văn nghệ, sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi dân tộc, địa phương trong phát triển du lịch; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của đồng bào dân tộc, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống các dân tộc, nhất là ở nông thôn và vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Do vậy, khi triển khai Đề án sẽ là cơ sở để các nghệ nhân và đồng bào củng cố, tiếp tục sáng tạo và “nuôi dưỡng”, phổ biến dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc trong tương lai; tạo ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tin, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc, tạo cơ sở vững chắc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao ý thức chung tay gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và bền vững đất nước.
Theo baovanhoa.vn