Phát huy vai trò cầu nối trong thực hiện chính sách pháp luật về tôn giáo
Ngày đăng: 30/08/2022
Nhà thờ giáo họ Tân Cường 3 vừa khánh thành và đưa vào phục vụ sinh hoạt tôn giáo
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên đã kiến tạo được những nhịp cầu trong phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của tổ chức Công giáo trên cơ sở vừa tháo gỡ được điểm vướng vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Hướng các hoạt động tới tận cơ sở

Tỉnh Thái Nguyện hiện có khoảng 30 nghìn người Công giáo sinh sống tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh. Bên cạnh đó còn có 17 linh mục và nhiều chức việc, giáo lý viên,…

Mặc dù người sinh sống tại Thái Nguyên nhưng người Công giáo trên địa bàn tỉnh lại thuộc sự hướng dẫn mục vụ của Tòa Giám mục Bắc Ninh. Trong đó có những giáo xứ cách xa Tòa Giám mục cả trăm cây số. Điển hình như giáo xứ Phú Cường địa bàn giáo dân sinh sống trải rộng tại hai huyện Đại Từ và Định Hóa, có giáo khu cách xa nhà thờ giáo xứ 40km.

Trong khi đó Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên là tổ chức được thành lập muộn (thành lập năm 2016), hiện chưa có tổ chức bộ máy ở cấp huyện, thành phố, thị xã nên công tác nắm bắt nguyện vọng chính đáng của đồng bào Công giáo ở cơ sở và triển khai các phong trào thi đua yêu nước tới các giáo khu, giáo họ gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn và hạn chế trên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhiệm kỳ 2016- 2022, các thành viên trong Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thái Nguyên đã tự ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để xây dựng và triển khai các hoạt động tới tận xứ, họ đạo.

Đồng thời Ban Thường trực đã phân công một số vị để trực tiếp phụ trách địa bàn cơ sở. Người phụ trách địa bàn có uy tín và từng gắn bó với cơ sở nên đã phát huy được cầu nối trong gặp gỡ, chia sẻ với linh mục, Ban hành giáo và giáo dân, qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của giáo họ, giáo xứ để tham mưu triển khai các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại xứ, họ đạo.

Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thái Nguyên cũng tranh thủ các ngày lễ trọng của đạo Công giáo để tổ chức các cuộc gặp, chúc mừng, chia sẻ thông tin, tình cảm giúp cho việc phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về Tôn giáo được lan tỏa và đạt hiệu quả cao.

Từ nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời- đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động và đặc điểm thực tế tại các giáo họ, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã cụ thể hóa phong trào cho phù hợp với cơ sở. Vì thế đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều linh mục. Điển hình là trong phối hợp vận động giáo dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phòng chống COVID-19, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn an ninh trật tự… Người Công giáo đã tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông và công trình phục vụ dân sinh. Nhiều giáo dân rất năng động trong phát triển kinh tế trở thành hạt nhân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh; nhiều giáo họ tích cực tham gia chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ.

Đồng hành hỗ trợ giáo họ trong xây dựng

Một điểm nhấn quan trọng là Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã kiến tạo được những nhịp cầu để phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của tổ chức Công giáo trên cơ sở vừa tháo gỡ được điểm vướng vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Côn giáo tỉnh đã phối hợp với Ban Tôn giáo- Sở Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cơ quan chức năng, tiến hành khảo sát thực trạng tình hình sử dụng đất của các cơ sở Công giáo, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động giáo xứ, giáo họ thực hiện các quy định về đất đai, xây dựng liên quan đến tôn giáo; phối hợp giúp đỡ giáo họ trong quá trình làm thủ tục để được giao đất xây dựng nhà thờ, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng nhà thờ theo đúng quy định của pháp luật.

Điển hình trong lĩnh vực trên là giáo họ Yên Sơn (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên giao khu đất rộng hơn 3.600 m2 để xây dựng nhà thờ giáo họ Yên Sơn. Hiện Công trình đang trong quá trình thi công theo giấy phép dây dựng.

Ngôi nhà thờ mới sẽ là bước phát triển mới vừa có ý nghĩa lớn về đời sống tôn giáo vừa thể hiện sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền, Ban Tôn giáo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh.

Tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, một ngôi nhà thờ mới vừa được đưa vào phục vụ sinh hoạt tôn giáo, đó là nhà thờ giáo họ Tân Cường 3. Công trình là điểm nhấn tươi sáng trong bức tranh làng quê hiền hòa. Dự án xây dựng nhà thờ giáo họ Tân Cường 3 cũng nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của Ban Tôn giáo- Sở Nội vụ, sự cộng tác hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý của Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh.

Ông Đồng Quang Nghị (bên phải)- Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên tại Dự án xây dựng nhà thờ giáo họ Yên Sơn

Ông Đồng Quang Nghị, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên là người gắn bó với các giáo xứ giáo họ trên địa bàn huyện Đại Từ cho biết: Bộ mặt giáo xứ, giáo họ trên địa bàn huyện Đại Từ mấy năm gần đây đang có bước khởi sắc với 03 ngôi nhà thờ mới được cấp giấy phép xây dựng, trong đó 02 nhà thờ đã khánh thành đưa vào sử dụng, một nhà thờ đang xây dựng.

Theo bà Hoàng Thị Bạch Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Đại Từ, Huyện ủy và Ban chỉ đạo cấp huyện về công tác tôn giáo rất sâu sát trong công tác chỉ đạo, nếu có việc gì phát sinh, vướng mắc sẽ kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, chính quyền cơ sở hướng dẫn, tháo gỡ và giải quyết trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật. Vì vậy trong thời gian qua trên địa bàn huyện Đại Từ không có trường hợp nào xây dựng công trình tôn giáo mà không có giấy phép.

Tính chung trên toàn tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết trong 5 năm qua đã có 04 giáo họ được đưa vào quy hoạch đất tôn giáo, một giáo họ (giáo họ Hoàng Mai) đang chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền; 4 giáo họ đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; 7 cơ sở Công giáo được cấp phép xây dựng mới, gồm các giáo họ: La Đao, Huống Trung, Tam Giang, Đình Cả, Yên Sơn, Tân Cường 3, Tân Thành (Bản Ngoại). Toàn tỉnh không có cơ sở thờ tự Công giáo nào xây dựng không phép

Theo ông Thời, đây là điểm nổi bật thể hiện sự chấp hành tốt chính sách pháp luật của các giáo họ, đồng thời cho thấy sự nỗ lực trong giải quyết các thủ tục về giao đất, cấp phép xây dựng công trình tôn giáo của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, qua đó đã góp phần tăng cường sự tin tưởng của đồng bào Công giáo đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

An Luých